Không quản nắng gắt, không quản phải chờ đợi hàng tiếng đồng hồ, người dân vẫn kiên trì xếp hàng đợi vào viếng. Trên tay mỗi người đều cầm một bông hoa cúc như gửi gắm lòng tiếc thương một Con Người vĩ đại vừa mới ra đi.
Những cựu chiến binh từ chiến trường Điện Biên năm xưa cũng đã về đưa tiễn Đại tướng.
Trước giờ viếng, các cựu binh kể lại những câu chuyện xúc động, xem lại những kỷ niệm thời chiến. Ảnh Quang Thế |
Cựu chiến binh Mai Bá Quát xúc động chia sẻ: "Chúng tôi là những người trực tiếp chiến đấu dưới sự chỉ huy của Đại tướng đánh trận Điện Biên Phủ. Lúc đầu theo kế hoạch đánh nhanh, thắng nhanh, chúng tôi đã kéo pháo ra đến cửa rừng. Nhưng Đại tướng chuyển sang đánh chắc, tiến chắc, nhờ vậy giảm thiểu được thương vong, giữ gìn xương máu cho bộ đội và chúng tôi mới được sống đến ngày nay. Chúng tôi và gia đình luôn luôn biết ơn Đại tướng Võ Nguyên Giáp. Nhờ quyết định sáng suốt của Đại tướng mà đã cứu hàng nghìn, hàng vạn chiến sĩ. Cả chúng tôi và con cháu chúng tôi sẽ mãi mãi ghi ơn Đại tướng".
Không giấu nổi niềm tiếc thương người Anh Cả của Lực lượng vũ trang Việt Nam, ông Quát cho biết: khi nghe tin Đại tướng qua đời, chúng tôi nghĩ bằng bất cứ giá nào cũng phải đến thắp nén hương tri ân. Ông Quát và bạn bè không thể đợi đến ngày 11-10 để đi cùng binh chủng mà quyết định đến sớm hơn. 11g nắng chang chang, những người lính già của chiến trường Điện Biên năm xưa vẫn kiên trì xếp hàng. Dù biết giờ viếng sắp hết nhưng họ vẫn quyết chờ đến buổi chiều vào viếng. "Ngày đi chiến đấu còn nhịn cả tuần, trưa nay không vào kịp thì phải giữ hàng để đợi tới chiều vào viếng. Chúng tôi không về đâu", một người lính Điện Biên nói.
Đoàn cựu chiến binh mang theo di ảnh của Đại tướng trước khi vào viếng. Ảnh Quang Thế |
Người dân ở các tỉnh khác cũng kịp có mặt vào ngày thứ hai để viếng Đại tướng. Đi ô tô từ Nam Định từ 8g sáng, gần 11g trưa, nhóm bác Nguyễn Đình Tạo, Hoàng Bá Tiến (vốn là cựu chiến binh trong Chiến tranh biên giới) mới có mặt tại đường Hoàng Diệu. Lên Hà Nội, họ còn mang theo sự gửi gắm của bà con xóm làng, thắp nén hương tiễn biệt Đại tướng.
Ông Phàng Vàng Sao, một chiến sĩ người Mông trong chiến dịch giải phóng Tây Bắc cũng từ Sơn La về Hà Nội viếng Đại tướng. Bộ quân phục cũ sờn rách, đôi dép bộ đội cũng rách nhưng những chiếc huy chương vẫn sáng lấp lánh trên ngực ông. Còn đối với Cựu chiến binh Đào Xuân Tiến (từng là biệt động Sài Gòn) xúc động kể lại: "những ngày hoạt động trong thành, chúng tôi luôn vững tin là có một vị tướng tài đảm nhiệm trọng trách lớn của quân đội".
Hơn 12g ngày 7-10, lễ viếng buổi sáng kết thúc nhưng hàng trăm người vẫn đứng đợi bên ngoài nhà Đại tướng để được vào viếng buổi chiều. Trong khi đó, lối gửi xe vào viếng đã đông nghịt dù một giờ nữa mới có thể vào viếng. Giữa trưa nắng, từ người già đến trẻ nhỏ đều kiên nhẫn chờ đợi. Tất cả chỉ với một tâm niệm được vào viếng và nói lời vĩnh biệt với vị Đại tướng kính yêu.
Những người lính hôm nay viếng Đại tướng của mình. |
Cụ Phùng Ngọc Hưng - 83 tuổi ngồi ngay trên vỉa hè phía trước ngôi nhà 30 Hoàng Diệu viết thơ viếng Đại tướng. Những vần thơ mộc mạc là tấm lòng của người lính Điện Biên gửi đến người anh cả của mình. Cụ Hưng là một trong những người lính bộ binh tham gia đánh chiếm hầm De Castries năm 1954. "Nhờ tài quân sự của Đại tướng mà tôi được trở về với gia đình, sống đến ngày hôm nay, có đông cháu chắt", cụ Hưng nói.
Đến 13g, những người đến viếng đã kéo dài ra đến đường Điện Biên Phủ. Các cựu chiến binh và người dân phường Điện Biên nơi Đại tướng sinh sống cũng có mặt xếp hàng vào viếng. Rất nhiều người trong số họ mang đến các kỷ vật và những câu chuyện về Đại tướng.
Cựu chiến binh Vũ Tiến Hòa (đứng giữa), 78 tuổi, quê ở Q. Ngô Quyền, Hải Phòng công tác ở Binh đoàn Thiết giáp (thuộc Đoàn 251, Bộ Tổng tham mưu - Bộ Quốc phòng) khóc nghẹn khi đến viếng Đại tướng. Ảnh Quang Thế |
Trước cổng ngôi nhà 30 Hoàng Diệu, gia đình Đại tướng cũng ghi những dòng cảm ơn: "Gia đình Đại tướng Võ Nguyên Giáp vô cùng cảm động trước tấm lòng của đồng bào và chiến sĩ cả nước, kiều bào ta ở nước ngoài, các vị khách quốc tế đã đến nhà riêng chia buồn cùng gia đình".
Theo lịch, lễ viếng Đại tướng từ 8g30 đến 12g và từ 14g đến 18g hàng ngày, kéo dài đến 11-10.
Theo Tuổi Trẻ