Sau ba năm, đây là lần đầu tiên Thúy Nga về sân khấu Hà Nội với chương trình hài kịch từng được dựng thành công ở Mỹ. Khán phòng hầu như chật kín chỗ ngồi với hơn 700 khán giả gồm nhiều độ tuổi.
Với bốn tiểu phẩm, chị thể hiện được tài năng khi liên tục biến hóa với các vai diễn có cá tính, số phận hoàn toàn khác biệt. Đó có thể là một á hậu xinh đẹp lắm tiền nhiều của, bà già "khốt ta bít" nhưng tình cảm, lúc lại là một người phụ nữ "không đẹp" đi bán nước sâm dạo.
Ở tiểu phẩm thứ nhất "Á hậu bị đánh", Thúy Nga vào vai Á hậu "Trinh hoài ngàn năm" khi lấy ba đời chồng mà vẫn còn trinh nguyên. Nhưng á hậu mở miệng ra là nói đến chuyện tiền, lấy tiền làm chân lý khiến anh nhà báo vốn coi trọng đạo lý nổi đóa. Đến hai vệ sĩ của á hậu cũng không chịu được, xông vào đánh nàng.
Từ một á hậu Thúy Nga hóa thân thành bà cụ Việt Nam sang Mỹ và gặp phải vấn đề cách biệt ngôn ngữ. Người bà chỉ mong đứa cháu trai cất một tiếng gọi "Bà ơi" nhưng cậu bé không dám trái lời mẹ vì quy định phải nói tiếng Anh trong mọi hoàn cảnh.
Thúy Nga và Đức Hải trong tiểu phẩm "Cặp đôi hoàn cảnh". (ảnh: Hải Bá) |
Tiểu phẩm thứ ba "Cặp đôi hoàn cảnh" kể về mối tình sét đánh giữa cô bán nước sâm dạo (Thúy Nga) và anh bán kẹo kéo (Đức Hải). Họ đều là những người không may mắn trong xã hội khi phải chịu cảnh tật nguyền từ nhỏ.
Nhưng cũng giống như bao người khỏe mạnh khác, họ luôn mong ước có một tình yêu, mái ấm gia đình đích thực. Đến tiểu phẩm cuối cùng "Đêm kinh hoàng", Thúy Nga và Chí Tài đã có màn tung hứng xuất sắc khi trở thành cặp vợ chồng cùng đứa con trai đi hưởng tuần trăng mật nhưng bị ma nhát.
Trong suốt gần bốn tiếng đồng hồ, với tài năng diễn xuất tài tình, Thúy Nga đã cống hiến cho khán giả nhiều trận cười sảng khoái cùng những câu chuyện về tình, tiền phổ biến trong xã hội hiện đại. Các tiểu phẩm dù nội dung khác nhau, đều đả kích, châm biếm lối sống thực dụng, coi đồng tiền là tất cả và xem nhẹ đạo lý. Bên cạnh tiếng cười, khán giả cũng có những phút bồi hồi cảm động trước những tình cảnh éo le có thật của cuộc sống.
Liveshow mang tính giải trí đúng nghĩa khi xen kẽ một cách khéo léo các ca khúc của ca sĩ Minh Quân, Ngọc Anh, Long Nhật... giúp gắn kết các đoạn tiểu phẩm hài. Hai MC Thành Trung và Quang Thắng không chỉ dẫn dắt chương trình, mà luôn mang tới những nụ cười châm biếm, tự trào.
Thúy Nga và Chí Tài. (ảnh: Hải Bá) |
Tuy nhiên, do sa đà vào quá nhiều chi tiết, thời lượng kéo dài không cần thiết nên các tiểu phẩm hài bị loãng về mặt nội dung, gây mệt mỏi và sốt ruột cho người xem.
Khán giả thấy được chất hài trong từng lời thoại, hành động, hoạt cảnh, nhưng độ gắn kết của chúng với nội dung chưa cao. "Bà tôi" là một tiểu phẩm ý nghĩa, gửi thông điệp giữ gìn tiếng mẹ đẻ (tiếng Việt). Nhưng vở kịch lại có nhiều đoạn hội thoại bằng tiếng Anh nên có thể khiến nhiều khán giả lớn tuổi không hiểu.
Liveshow để lại nhiều ý kiến trái chiều. Bà Trần Minh Tâm (54 tuổi, Núi Trúc, Hà Nội) nhận xét: "Sân khấu trang trí đẹp, các vở kịch xem rất vui khiến tôi cười chảy cả nước mắt. Thúy Nga ở ngoài trông nhỏ nhưng mà diễn rất là duyên. Tôi rất thích tiểu phẩm 'Bà tôi', xem thật là xúc động. Mỗi tội là chương trình dài quá nên tôi xem mà cứ sốt ruột nhìn đồng hồ suốt để còn canh giờ về".
Trong khi đó, bác Nguyễn Trí Thành (70 tuổi, Tôn Đức Thắng, Hà Nội) lại bình luận: "Đúng là kịch hài miền Nam, cười đấy nhưng mà còn nông quá, cười cũng chưa được sảng khoái. Xem xong tôi cũng không nhớ được gì cả. Tôi thích các vở hài kịch của các nghệ sĩ miền Bắc hơn."
Dù nhận được nhiều lời khen chê khác nhau, với số lượng hơn 700 khán giả kéo đến chật kín khán phòng tối qua, "Xin lỗi em chỉ là..." của Thúy Nga vẫn thu hút được sự quan tâm lớn của khán giả Hà thành.
Theo VNE