Sẽ viết hồi ký với sự thật trần trụi
Tôi là một người nói thật. Đó là nhược điểm lớn nhất. Nếu tôi không nói thật, thật đến trần trụi, đến tàn nhẫn... thì có lẽ sẽ sướng hơn nhiều. Tôi nghĩ nghe lời nói thật rồi từ từ nỗi đau sẽ qua dần đi, và cái thật sẽ làm cho mình có niềm tin với nhau. Chứ nói dối sau này phát hiện ra sẽ ngượng ngùng, mắc cỡ. Chính cái nhược điểm này làm cho mình khổ. Đôi lúc nói thật nó đau lắm, đụng chạm lắm.
Sắp tới có một nhà văn muốn chắp bút cho tôi viết hồi ký. Hồi ký mà viết ra chắc sẽ động chạm nhiều người nổi tiếng lắm. Hồi ký thì phải nói thật, đúng không? Tôi chỉ ngại việc nói thật của mình làm ảnh hưởng đến hạnh phúc của một người nào đó. Cuộc đời tôi lạ lắm, không giống những cuộc đời khác, nó đưa tôi vào những hoàn cảnh không giống ai. Những người tình đến với tôi cũng không bình thường như mọi người. Biết bao nhiêu người phụ nữ dính líu tới mình, nhưng ngẫm lại cũng chẳng đem lại cho mình cái gì, trong khi mình chỉ cần một người hiểu mình.
Có 6 huy chương vàng toàn quốc về kịch, tôi đóng phim cũng thuộc loại nhiều nhất. Lên báo thấy họ đặt cho nhiều biệt danh "kép độc", rồi "diễn viên có khuôn mặt góc cạnh nhất Việt Nam" tôi chỉ thấy mắc cười. Chỉ sướng ở chỗ thế này, tôi ra Hà Nội, khán giả thương ghê lắm. Chỉ một điều như thế thôi. Tôi cũng không cần phong danh hiệu gì. Mà nhiễu nhương ở chỗ lẽ ra thấy người ta xứng đáng thì phong, đằng này lại có "Đơn xin Nghệ sĩ ưu tú là sao?". Lại phải xin à?
Họ bắt tôi 3 lần chép 21 bản lý lịch - không cho phô tô, mở đầu bằng "Đơn xin". Nghe "Đơn xin" là thấy oải, thấy bực rồi, rồi kèm theo một ít tiền - 10 triệu chẳng hạn. Cái đó là sự thật! Tôi cười nói, "xin lỗi, để tiền tôi đi ăn nhậu còn sướng hơn". Còn vấn đề công nhận? Chỉ có khán giả là người công nhận. Thành ra ở đời có những nghịch lý/sự thật nói ra thì rất là phiền.
Cái giá của anh là bao nhiêu tiền? Nghệ sĩ nhân dân, nghệ sĩ ưu tú là bao nhiêu? Kèm theo đó là một số tiền chứ? Bực không? Người nghệ sĩ bực chứ! Công lao người ta đóng góp cho xã hội không phải những người ngồi đó ăn lương Nhà nước mà đánh giá đâu, mà là khán giả. Khán giả yêu thương mình ấy là niềm hạnh phúc. Mấy ông mấy bà phong tôi làm chi, khỏi. Đấy, đời tôi khổ ở chỗ đấy. Sống hơi ngang tàng, bất cần, thành ra có thể nhiều người không thích. Nhưng những ai hiểu thì thương. Mà phải có người hiểu, người thương mình chứ".
Đào hoa không sướng
Thương Tín kể về những lần đi chơi với đại gia, với giới xã hội đen và những người có tiền. Nơi chốn đi chơi là những quán bar, quán karaoke có những cô gái làm nghề bán thân hoặc những nữ tiếp viên, đào kép. Ông không vui chút nào, đặc biệt với những màn lựa đào, lựa kép. Ông bảo họ: "Này, lần sau có mời tao đi chơi thì đừng đi chơi mấy vụ này. Mấy người này là đồng nghiệp của tao. Thứ nhất, họ cùng tổ nghiệp, thứ hai họ làm vui cho thiên hạ. Họ cười với người này người kia, ráng vuốt ve để được tiền boa thôi chứ người ta có vui đâu.
Mà có gì đâu phải chọn lựa cô này đẹp cô này xấu, người cô này đẹp người cô kia không được? Có ăn đời ở kiếp gì đâu, chỉ tới chơi một chút rồi đi thôi mà. Có những cái nó thừa, tào lao. Thử tưởng tượng những người không được chọn họ sẽ tủi như thế nào. Mà người ta bước vào con đường này đã khổ nhục biết bao".
|
Thương Tín (ngoài cùng bên trái) cùng diễn viên Diễm My, Chánh Tín. |
"Tất nhiên cũng có những người giả dối, nhìn là biết liền" - ông chân tình chia sẻ. "Tôi nhìn người nói thật hay không tôi biết. Chính vì thế cũng khổ lắm. Người ta nói dối mình mà mình không phát hiện ra người ta nói dối sướng ghê chứ. Còn đau nhất là phát hiện ra người ta đang nói dối nhưng phải vờ như không biết để cho người ta đừng phải ngượng ngập. Đời có những cái khổ kỳ lạ.
Cuộc đời này mong manh lắm, chỉ cần trong đời vài năm hạnh phúc đã là đủ, đừng đòi hỏi nhiều, không có đâu. Cuộc đời này nghĩ lại cũng công bằng lắm. Trời không cho ai nhiều, cho cái này lấy cái kia. Có khi ức quá mình nhìn trời mà than, nhưng nghĩ lại là do mình ích kỷ thôi. Có những lúc tôi nghĩ mình khổ bởi vì mình cũng làm cho những người khác khổ."
"Đào hoa không sướng đâu" - người nghệ sĩ có gương mặt đẹp nổi tiếng một thời tâm sự. "Thực ra mà nói tâm lý con người ước muốn mình sinh ra lớn lên chỉ là được sống với cha mẹ, có cuộc sống đầy đủ không cần giàu sang, gặp một người yêu thương mình, có một gia đình êm ấm với những đứa con. Chứ không ai muốn cuộc đời như tôi, lăng nhăng tùm lum, mà mỗi một cuộc tình như thế qua đi rồi để lại cho mình nỗi khổ.
Sau khi dứt mỗi cuộc tình, chia tay với một người nào đó đau lắm. Tôi rất muốn có một đời sống bình thường, có gia đình, con cái, bình thường như mọi gia đình khác. Thành ra, đúng là đào hoa sẽ khổ. Mà đó là số phận mình chứ không ai muốn. Ai muốn khổ đâu, bắt khổ thì phải khổ. Thôi đành sẵn sàng đón nhận thôi. Vay nhiều thì sẽ phải trả nhiều.
Thương Tín dứt lời, thuốc cũng đã đốt hết, ông ngả người vào lưng ghế nhìn về một nơi nào đó đăm đăm. "Tôi không hề có ước mơ làm diễn viên. Hồi trẻ ước mơ của tôi là làm tài xế để được đi khắp mọi nơi - một ước mơ rất tầm thường và bình thường chứ không cao xa như những người khác".
Nhưng rồi cuộc đời cứ thế đưa đẩy, giờ đây trước mặt tôi là nụ cười nhẹ tênh của tướng cướp Bạch Hải Đường, của Sáu Tâm lừng lẫy một thời trên màn ảnh. "Tôi không hối tiếc gì trong cuộc đời này. Tôi ngang bướng lắm. Chấp nhận mọi thứ. Phóng viên viết bài xong nhiều khán giả ủng hộ, nói muốn giúp Thương Tín lúc khó khăn. Tôi nói không. Tôi còn sống được mà. Cũng có hơi khó khăn một chút nhưng mà vẫn bình thường mà, không sao đâu. Cảm ơn khán giả. Bởi vì tôi tin cuộc đời có vay có trả. Anh vay là anh còn phải trả nặng nữa. Cuộc đời mà, đã chơi là phải chịu".
Theo Vietnamnet