Mặc dù báo chí chú thích “đây là giải thưởng bên lề, dành cho những bộ phim đầu tay”, nhưng điều đó vẫn chưa thể hiện rõ tính chất của giải thưởng.
Trên thực tế, giải Phim hay nhất (Best Film) của Đập cánh giữa không trung do FEDEORA (Liên đoàn các nhà phê bình phim châu Âu và Địa Trung Hải) trao tặng, trong Tuần lễ các nhà phê bình ở Venice. Mặc dù vậy, FEDEORA là tổ chức mới có 4 năm hoạt động và giải thưởng của họ không được chú ý nhiều lắm ở Venice.
Cụ thể hơn, khi đưa tin về bế mạc LHP Venice, hãng thông tấn quốc gia ANSA và các báo của Italy đều chỉ nhắc qua đến Tuần lễ các nhà phê bình. Truyền thông Italy cũng chú ý hơn đến phim No One’s Child của đạo diễn Vuk Rsumovic (người Serbia). Bộ phim này được FEDEORA trao giải Biên kịch hay nhất (Best Writer).
Truyền thông Italy còn nhắc đến No One’s Child như phim đáng chú ý nhất trong Tuần lễ các nhà phê bình chứ không phải là Đập cánh giữa không trung. Hãng thông tấn ADN Kronos đăng tin về tuần lễ này cũng đưa No One’s Child lên tít và chỉ nhắc đến Đập cánh giữa không trung ở dòng cuối. Và các bài bình luận tích cực về Đập cánh giữa không trung cũng là từ báo Mỹ hoặc LHP Toronto chứ không phải LHP Venice.
Nữ đạo diễn Iran Rakhshan Banietemad (giữa) và các diễn viên Habib Rezaei (phải) và Peiman Moadi tại LHP Venice lần thứ 71. |
Thay đổi tích cực khiến phim Iran tới LHP Venice
Cách đây 2 năm, nhà làm phim Rakhshan Bani-Etemad không có cơ hội được làm phim nhựa với nội dung nói về tình trạng thất nghiệp, nghiện ma túy và bạo lực gia đình tại đất Iran. Vậy là bà đã cắt ý tưởng ra, chia thành một loạt phim ngắn.
Nhưng nay, nhờ có những thay đổi mang tính tích cực ở đất nước Iran nên Bani-Etemad đã có cơ hội biến các bộ phim ngắn thành phim nhựa dài mang tựa đề Tales. Bộ phim đã được đưa đến LHP Venice để tranh giải Sư tử Vàng.
Nhân vật chính trong phim là Abbas (Mohammadreza Forootan), người đã trở thành tài xế taxi sau khi bị đuổi khỏi trường đại học vì quan điểm chính trị của mình. Mẹ anh, bà Tooba (Golab Adineh) đang cố gắng đòi lại 9 tháng tiền lương mà các chủ lao động cũ còn đang nợ bà. Tuy nhiên đây gần như là một hành trình vô vọng.
Ngoài ra phim còn đưa người xem tới những góc khuất khác trong xã hội Iran như các căn lều dựng tạm cho những người vợ bị chồng hành hung. Cảnh phim khác lại mô tả một công chức không hề quan tâm xử lý đơn từ của công dân, bởi anh ta còn đang mải “à ơi” với nhân tình qua điện thoại.
Do mô tả các các góc tối trong cuộc sống ở Tehran và không sẵn lòng thực hiện những thỏa hiệp cần thiết, nên dự án điện ảnh của Bani-Etemad không nhận được sự ủng hộ từ phía chính quyền cựu Tổng thống Mahmoud Ahmadinejad. Tuy nhiên sau khi ông Hassan Rouhani lên nắm quyền hồi năm ngoái, bà đã có thể ra phim nhựa. “Chúng tôi đã nhận được giấy phép chiếu phim ở Iran và hy vọng trong vài tháng tới phim sẽ đến với công chúng” – Bani-Etemad chia sẻ.
Bà cũng hy vọng việc Tales được phát hành rộng rãi sẽ giúp công chúng cả ở Iran và hải ngoại hiểu được sâu hơn những vấn đề được nêu trong phim. “Phim có bối cảnh Iran, được sản xuất tại Iran, các nhân vật đều là công dân Iran, song những vấn đề trong phim lại tồn tại trên khắp thế giới” - Bani-Etemad nói.
Theo TT&VH