Đẹp nhưng phải thân thiện...

Thứ bảy, 13/09/2014, 08:05
Giữ gìn vốn văn hóa vì cộng đồng, thời trang Việt đang đi theo những chuẩn mực trách nhiệm mà nhiều doanh nghiệp trên thế giới đã làm.

Giang Diễm Quỳnh trong chương trình giới thiệu bộ sưu tập của Double Dose.

Giang Diễm Quỳnh dường như đã quên mất thời gian kể từ khi Hà - cô thợ thêu mới - ngồi vào khung thêu. “Lúc đó tôi cũng không nhớ Hà thêu bao lâu nữa. Để thêu đủ cả cành lá thì lâu hơn, nhưng ngay lúc bông hồng hoàn thiện tôi đã thấy đúng là người mình cần”, chủ doanh nghiệp thời trang Double Dose Giang Diễm Quỳnh nhớ lại.

Trả lương tháng để nghệ nhân yên tâm

Thời trang không chỉ là đẹp, mà đầu tiên là lối sống. Đẹp rồi nhưng phải thân thiện với môi trường và vì mọi người nữa. Thế mới lâu bền
Kiến trúc sư Đoàn Kỳ Thanh

Quỳnh sung sướng khi tìm được người thợ lành nghề, chính Hà cũng mừng vui khôn tả. Hà cầm kim chỉ thêu cũng gần như cùng lúc với việc học đánh vần. Tới năm mười một tuổi cô đã bắt đầu kiếm được tiền với nghề thêu nhờ đơn hàng nối tiếp đơn hàng. Nhưng những ngày rực rỡ của làng thêu nơi cô sinh ra qua mau. Các nhà may chuyển dần sang đặt thêu máy. Làng vắng khách. Thợ thêu mất nghề đi làm khu công nghiệp cả. Làm cho xưởng may của Quỳnh, Hà giữ được nghề, còn đủ tiền nuôi em ăn học. “Tôi trả lương tháng để nghệ nhân yên tâm, chứ không tính theo sản phẩm như cách tính của nhiều nhà may thường làm”, Quỳnh nói khi vừa nhận giải Doanh nhân sáng tạo trẻ trong lĩnh vực thiết kế/thời trang 2014 của Hội đồng Anh.

Quán quân của giải thưởng này là nhà thiết kế Vũ Thảo với thương hiệu thời trang Kilomet 109. Kilomet 109 đặc trưng cho kỹ thuật dệt, nhuộm và in sáp ong truyền thống của phụ nữ dân tộc thiểu số ở Mai Châu và Cao Bằng. “Trong phần thuyết trình đề án Kilomet 109, Vũ Thảo đã thể hiện cam kết trách nhiệm xã hội, thông qua làm việc với lao động nữ dân tộc thiểu số để sản xuất những chất liệu sinh thái được nhuộm bằng phương pháp truyền thống”, đại diện Hội đồng Anh cho biết.

Những doanh nghiệp thời trang đi theo xu hướng trách nhiệm cộng đồng, môi trường và văn hóa bản địa như vậy đang ngày một tăng ở VN. Một trong số đó là Chula - doanh nghiệp xã hội, luôn chú trọng tạo công việc cho cộng đồng người dân tộc ở miền núi phía bắc. Mới đây nhất, trong một sự kiện bên lề của Liên hoan phim Venice, diễn viên Thùy Anh trong phim Đập cánh giữa không trung đã lên nhận giải thưởng trong bộ váy đỏ của Chula. Chiếc váy của cô có họa tiết hoa sắt song cửa thời Pháp tại Hà Nội - một thành tố khó quên của kiến trúc Đông Dương.

Một doanh nghiệp khác - Metiseko đã luôn dành vị trí xứng đáng cho chất liệu nội địa khi sản xuất các sản phẩm tơ tằm “xanh” của mình. Metiseko vì thế luôn có vị trí trong các khu phố cổ, nơi bán mua sầm uất các sản phẩm đặc trưng Việt, tại cả Hà Nội và Hội An.

Mẫu thiết kế của Vũ Thảo - Ảnh: NV cung cấp

“Thời trang không chỉ là đẹp”

Không chỉ là chuyện sản xuất của từng doanh nghiệp, sự kết nối của nhiều doanh nghiệp thời trang cũng đã dần dần có trách nhiệm hơn. Một nhân tố mới theo hướng đó là triển lãm hội chợ thời trang The Travelling Trunk diễn ra vào tháng 4.2014 tại Hà Nội. Hội chợ theo đuổi sự đa dạng văn hóa này luôn trích lợi nhuận thu được cho các hoạt động cộng đồng. Một trong những đơn vị thụ hưởng tại hội chợ lần này là Quỹ trung tâm hỗ trợ sáng kiến phát triển cộng đồng (SCDI). SCDI mong muốn nâng cao chất lượng sống và khả năng tự lập của các nhóm có hoàn cảnh khó khăn bằng cách thúc đẩy mô hình phát triển cộng đồng. “Số tiền đóng góp của The Travelling Trunk được SCDI dùng để tổ chức trại hè đào tạo năm 2014 cho các trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt”, bà Giang Lương Hà, một đồng sáng lập The Travelling Trunk, cho biết.


Những mẫu thêu tay luôn là điều Double Dose chú ý trong các thiết kế.

“Thời trang không chỉ là đẹp, mà đầu tiên là lối sống. Đẹp rồi nhưng phải thân thiện với môi trường và vì mọi người nữa. Thế mới lâu bền”, kiến trúc sư Đoàn Kỳ Thanh, sáng lập viên của Zone 9, nói. Tiêu chí của Zone 9 (nơi tập trung nhiều hàng quán đủ loại từ café, bar, quán ăn, shop thời trang, studio, phòng triển lãm, lớp học yoga, nghệ thuật… cho khách tới thăm có thể thoải mái mua sắm, thư giãn) là các doanh nghiệp hướng tới phát triển cộng đồng. Họ mở lớp dạy vẽ cho trẻ em. Các khóa học sáng tạo, cà phê đọc sách, nhiều buổi học tiếng Anh miễn phí... Thời trang cũng không nằm ngoài xu hướng trách nhiệm cộng đồng. Giang Diễm Quỳnh với Double Dose là một ví dụ tiêu biểu.

Với triết lý đó, theo bà Cherry Gough (Giám đốc Quốc gia), Hội đồng Anh VN sẽ tối ưu hóa tác động của ngành thời trang/thiết kế đến tăng trưởng kinh tế và tiến bộ xã hội. Qua đó, trách nhiệm của doanh nghiệp thời trang sẽ góp phần giúp VN phát triển kinh tế sáng tạo.

Doanh nhân sáng tạo trẻ trong lĩnh vực thiết kế/thời trang 2014 là giải thưởng dành cho người đổi mới sáng tạo trong ngành thiết kế và thời trang, do Hội đồng Anh tổ chức nhằm công nhận và kết nối các doanh nhân mới nổi trong ngành công nghiệp sáng tạo, văn hóa. Người chiến thắng trong cuộc thi này sẽ đại diện VN đến Anh tham gia các hoạt động trong khuôn khổ giải thưởng cùng với những người chiến thắng đến từ khắp nơi trên toàn thế giới. Ngày 13/9, quán quân Vũ Thảo bắt đầu chuyến học tập tại Anh và tham dự London Design Festival.

Theo Thanh Niên

Các tin cũ hơn