Giải mã sức hút của phim truyền hình Việt đang 'cháy' sóng VTV

Thứ ba, 07/10/2014, 08:31
Với các bộ phim "Cha rơi", "Trở về 3", "Trái tim có nắng", "Bánh đúc có xương", "Bão qua làng", có thể nói chưa bao giờ phim truyền hình Việt lại thu hút được sự chú ý từ khán giả nhiều như hiện nay.

Nếu so sánh với các nền công nghiệp điện ảnh lâu đời như của Mỹ, Anh, Trung Quốc, hay những nền điện ảnh có định hướng rõ ràng và đang rất thời thượng như Hàn Quốc, Đài Loan... thì phim Việt rõ ràng còn thua về nhiều mặt, không chỉ kỹ thuật dựng phim, kỹ xảo điện ảnh, dàn diễn viên, mà còn ở yếu tố tài chính, quảng bá phim... Sự khó khăn chung của ngành điện ảnh trong nước khiến các nhà làm phim phải "loay hoay" tìm một lối đi đúng đắn riêng, phù hợp với khán giả Việt, hơn là bắt chước - và bắt chước không tới - so với các bộ phim quốc tế.

Tuy nhiên, thật đáng mừng khi trong thời gian gần đây, nền điện ảnh nước nhà có dịp khởi sắc khi phim truyện Việt đang ngày càng được khán giả đón nhận. Những bộ phim truyền hình "Cha rơi", "Trở về 3", "Trái tim có nắng", "Bánh đúc có xương", "Bão qua làng" được khán giả màn ảnh nhỏ trên cả nước hồi hộp đón chờ theo từng tập phim, từng diễn biến câu chuyện, đó là điều hiếm có đối với nhiều phim trong nước. Chắc chắn đây không phải một sự may mắn, mà phải bắt nguồn từ sự đổi mới cách làm cũng như hướng tiếp cận khán giả của những nhà làm phim Việt Nam.

Kịch bản phim chân thực, gần gũi nhưng vẫn hấp dẫn

Dễ thấy trong một vài năm trước đây, các hãng phim Việt rất chuộng mốt "nhập khẩu" và Việt hóa kịch bản phim ngoại. Có thể kể tên hàng loạt bộ phim bộ phim thuộc thể loại này như: "Ngôi nhà hạnh phúc", "Cầu vồng tình yêu", "Có lẽ ta yêu nhau", "Anh em nhà bác sĩ","Cô gái xấu xí", "Những người độc thân vui vẻ", "Cô nàng bất đắc dĩ", "Lẵng hoa tình yêu", "Người mẫu", "Anh và em", "Anh em sinh đôi", "Cô nàng bướng bỉnh", "Dù gió có thổi"...

Một khung hình trong "Ngôi nhà hạnh phúc" phiên bản Việt

Tuy nhiên, so với số lượng, chất lượng phim Việt hóa hầu như hoàn toàn không đáp ứng được kì vọng của khán giả. Mặc dù được ưu ái phát ở khung giờ đẹp nhất, nhưng sự hời hợt, "vô duyên" và xa rời thực tế trong tính cách nhân vật, lời thoại cũng như diễn biến truyện khiến người xem khó lòng đồng cảm với những bộ phim này.

Chị Giang Nga – một khán giả trung thành của giờ vàng phim truyền hình nói: "Càng xem tôi càng không biết chuyện phim "Cầu vồng tình yêu" xảy ra ở đâu, thuộc dân tộc nào, vào thời đại nào. Nếu đó là nguyên bộ phim Hàn Quốc thì có thể dễ tiếp nhận hơn. Không ở đâu trên đất nước mình lại có câu chuyện phim giống như vậy. Cái chất ‘phong kiến’ và tôn sùng "quý tộc" thái quá ấy không giống người Việt mình."

Cảnh phim "Cầu vồng tình yêu"

Nhận thức được rằng người Việt đang cần những bộ phim thực sự thuần Việt, đậm chất Việt, gần đây các nhà làm phim trong nước đã bám sâu sát hơn vào cuộc sống thường ngày của họ. Trong "Bánh đúc có xương", mối quan hệ thường bị nhìn nhận một cách thiếu thiện cảm giữa mẹ ghẻ - con chồng, mẹ chồng - nàng dâu được khai thác theo khía cạnh nhân văn một cách gần gũi, giản dị và đời thường. Đây là một đề tài không mới, song với những mối quan hệ đan xen của các nhân vật trong phim, mỗi người xem có thể tìm thấy đâu đó trong phim hình ảnh của bản thân, của người thân và ngẫm nghĩ về những mối quan hệ xung quanh mình.

Phim "Bánh đúc có xương"

Với đề tài nông thôn miền Bắc Việt Nam, "Bão qua làng" đã xây dựng được một câu chuyện gần gũi và chân thực. Đề tài làm phim này từ trước đến nay cũng vẫn được khai thác khá tốt với các bộ phim tiêu biểu như "Đất và người", "Ma làng", "Bí thư tỉnh ủy", "Gió làng kình"... tuy nhiên số lượng phim còn chưa đáp ứng được "cơn khát" của khán giả. Vẫn với một kịch bản tốt về đời sống người dân quê, những tình huống chỉ có ở vùng nông thôn trong thời kỳ đổi mới, bộ phim "Bão qua làng" đã xuất hiện đúng thời điểm, và dĩ nhiên, được công chúng hưởng ứng nhiệt liệt.

Chuyện vùng nông thôn trong "Bão qua làng"

Anh Kiên, một khán giả truyền hình cho biết: "Tôi rất ít khi xem phim Việt Nam, có một đợt chỉ nhìn tên diễn viên và biên kịch đã tưởng tượng ra nó như thế nào rồi, nhưng giờ tôi cũng theo dõi cả "Bão qua làng" và Bánh đúc có xương". So với mặt bằng chung thì đây là hai phim chất lượng tốt của điện ảnh Việt, gần gũi và lời thoại chân thực."

Dàn diễn viên trẻ hút khách

Một trong những yếu tố "hút" khán giả, nhất là giới trẻ nằm ở dàn diễn viên hot boy, hot girl đang rất được quan tâm. Trong "Trái tim có nắng" là Huyền Lizzie, Phanh Lee, Anh Tuấn, Xuân Phúc với cách diễn xuất mang màu sắc mới mẻ, năng động. Đặc biệt, các fan của họ rất thích thú trước thông tin thần tượng đi đóng phim và ủng hộ cho bộ phim có sự tham gia của thần tượng.

Dàn diễn viên trẻ tuổi của "Trái tim có nắng"

Sự thay thế diễn viên vào phút chót trong "Trở về 3" với hai nhân vật chính hot girl boxing Khả Ngân và hot boy xứ Đài điển trai Harry Lu đảm nhiệm đã khiến bộ phim được chú ý hơn hẳn, mặc dù diễn xuất của cả hai diễn viên trẻ đều còn khá "non" và chưa được đánh giá cao.

Khả Ngân và Harry Lu tạo nên sức hút cho "Trở về 3"

Ngoài những gương mặt gạo cội như NSƯT Thanh Nam, NSƯT Thành Lộc, ông vua phòng vé Thái Hòa, bộ phim "Cha rơi" cũng được "thơm lây" nhờ Hoài Lâm, chàng ca sỹ trẻ đang rất được yêu mến hiện nay. Sức hút từ Hoài Lâm vẫn chưa "nguội" sau sân chơi Gương mặt thân quen, bởi vậy, chắc chắn nhiều khán giả cũng sẽ tò mò về dự án điện ảnh đầu tiên của anh chàng.

Hoài Lâm góp phần lôi cuốn khản giả đến với "Cha rơi"

Mặc dù không có quá nhiều đất diễn nhưng nhân vật của Hoài Lâm khiến khán giả nhớ đến nhờ diễn xuất lột tả được góc cạnh trong tính cách nhân vật. Nhiều fan nhận xét, họ cảm thấy háo hức và hài lòng về diễn xuất của Hoài Lâm, hay một số tỏ ra tiếc vì không được nhìn thấy anh chàng xuất hiện dày đặc trong phim. Nét chân chất của Hoài Lâm từ đời thường lên màn ảnh tạo được nhiều tình cảm cho khán giả trẻ lẫn lớn tuổi xem "Cha Rơi".

Diễn xuất của anh đã thuyết phục được khán giả

Yếu tố PR chưa bao giờ được chú trọng hơn

Nhận thức được tầm quan trọng trong việc tiếp cận khán giả, các nhà sản xuất những bộ phim Việt hút khách hiện nay đều rất đề cao công tác quảng bá, PR cho sản phẩm của mình. Kênh tiếp cận trực tiếp và hiệu quả nhất hiện nay là qua các trang mạng xã hội, fan page Facebook. Mỗi bộ phim đều có trang Facebook riêng, đăng tải và cập nhật liên tục các hình ảnh hấp dẫn, gợi mở, đáng chú ý trong từng tập phim, các hình ảnh hậu trường hài hước khiến khán giả thích thú. Trước mỗi tập phim, quản trị fan page đều nhắc nhở về thời gian chiếu và các tình tiết hấp dẫn trong tập trước đó, khiến khán giả phải tò mò và chờ đón.

Trang Facebook của các bộ phim truyền hình

Trang Facebook của những diễn viên tham gia phim cũng là một kênh quảng bá vừa miễn phí, vừa hiệu quả, nhất là với những bạn trẻ nổi tiếng trong cộng động giới trẻ hiện nay như Huyền Lizzie, Phanh Lee, Anh Tuấn, Xuân Phúc, Khả Ngân, Harry Lu... khi họ thường xuyên cập nhật những hình ảnh khi đang đóng phim trên trang mạng xã hội cá nhân với hàng trăm nghìn lượt theo dõi.

Các đài truyền hình cũng đang rất tích cực trong việc ủng hộ nền điện ảnh nước nhà. Qua những chương trình như VTV Kết Nối, khán giả liên tục được cập nhật thông tin, nhắc nhở về khung giờ vàng và hứa hẹn sự hấp dẫn của các bộ phim đang và sắp trình chiếu.

Điều đó đã lý giải phần nào phim truyền hình Việt hiện nay trở thành những từ khóa quen thuộc trên sóng truyền hình. Thiết nghĩ, nếu sự đầu tư cả bên trong lẫn bên ngoài, từ đầu cho đến cuối, làm mới nhưng không lố cứ giữ được một nhịp đều đặn như thế này thì không bao lâu nữa, người ta sẽ quên hoặc ít nhớ hơn những bộ phim tâm lý mua lại của Hàn Quốc, Trung Quốc mà thay vào đó là cái nhìn thiện cảm, trân trọng với những đóng góp của điện ảnh Việt Nam.

Theo DepPlus

Các tin cũ hơn