Dường như phim truyền hình hiện nay đều có chung một tuyên ngôn: “Phim không kéo dài 30 tập trở lên không phải là phim truyền hình”. Mỗi thời mỗi khác, thật là điều không hợp lý khi độ dài các phim truyền hình hiện nay bắt phải co kéo về chừng 4 đến 5 tập như các phim hồi trước.
Nhưng liệu rằng phim nhiều tập hơn có chứng tỏ miêu tả sâu sắc, vấn đề được đề cập tới kĩ lưỡng hơn không? Hay chỉ là sự dài dòng, lê thê của kịch bản?
Trước đây, xem phim truyền hình, bỏ sót tập phim nào là thấy xót, thấy tiếc. Còn hiện nay chẳng thể có cảm giác đó. Bởi có những tập phim mà chẳng có lấy chút diễn biến, dẫu chỉ là diễn biến tâm lý nhân vật. Chưa kể đến, nội dung phim hiện nay loanh quanh, luẩn quẩn những vấn đề tình, tiền, xem một có thể đoán năm.
Các nhà làm phim truyền hình hiện nay dường như làm phim kiểu “đếm tập ăn tiền”, câu kéo thời gian quảng cáo. Các nhà làm phim không biết quý trọng thời gian xem phim của khán giả thì thử hỏi khán giả làm sao trân trọng bộ phim của họ được?
Phim đầu tiên của “văn nghệ chiều chủ nhật” thu hút nhiều khán giả. Ảnh: Internet
Thứ đến, phim truyền hình hiện nay có mốt lôi kéo càng nhiều ca sĩ, người mẫu, người dẫn chương trình (MC) nổi tiếng càng tốt. Đó phải chăng là sự hợp tác có lợi cho cả đôi bên?
Các nhà làm phim tranh thủ tận dụng lượng khán giả hâm mộ các nhân vật thuộc về công chúng để câu kéo khán giả, tăng độ nóng cho bộ phim của mình. Còn các nhân vật thuộc về công chúng gia tăng cơ hội để tiếp cận, chiêu mộ khán giả.
Nhưng tự xưa, các cụ đã có câu: “Một nghề cho chín còn hơn chín nghề”. Trừ một số ít người tài hoa có khả năng thiên phú, phần lớn còn lại chỉ có thể làm tốt, làm giỏi một ngành nghề nào đó.
Dường như những người mẫu, ca sĩ, MC nhận lời mời đóng phim chỉ để thêm chức danh mĩ miều “diễn viên” khi người ta nhắc về họ, để được tụng ca là người “đa tài, đa năng”.
Họ không hề để ý tới họ có thể làm tốt, làm giỏi vai trò của một diễn viên hay không và làm thế nào để học hỏi, trau dồi kĩ năng nghề nghiệp.
Khán giả sẽ khó chịu, bức bối đến nhường nào khi phải dán mắt vào màn hình vô tuyến xem họ ăn mặc đẹp đẹp, son son phấn phấn với lối diễn rất “diễn”, rất gượng gạo, với những lời thoại rất ngô nghê, chẳng ăn nhập gì vào phim.
Nói đi nói lại, chất lượng phim truyền hình hiện nay giảm sút đáng kể cũng một phần bởi chính sách, chỉ đạo được ban bố.
Nghị định của Chính phủ về luật Điện ảnh quy định: “Tỷ lệ thời lượng phát sóng phim truyện Việt Nam đạt ít nhất 30% so với tổng thời lượng phát sóng”.
Chúng ta không khó để nhận thấy mặt nổi của nghị định trên là khuyến khích chủ trương “người Việt xem phim Việt”, tăng tính tự tôn dân tộc, giảm thời lượng phát sóng phim truyền hình nước ngoài.
Nhưng mặt chìm của nghị định này là sự thả phanh khâu sản xuất, kiểm duyệt phim truyện. Hiện nay, nhà nhà, người người đua nhau làm phim. Họ không còn thời gian, tâm sức để chăm bẵm cho đứa con tinh thần của mình.
Họ chỉ quan tâm nhất: làm thế nào để hoàn thành chỉ tiêu. Thử hỏi nghệ thuật sẽ có giá trị và ý nghĩa gì khi cứ phải lo lo, nghĩ nghĩ với những câu hỏi như: một tập quay xong mấy ngày, một năm làm được bao nhiêu bộ phim…?
Kết cho bài viết này, tôi bỗng nhớ đến cảm giác háo hức tầm 3 hay 4 giờ chiều để được xem phim trong chương trình “Văn nghệ chiều chủ nhật” hồi tôi học cấp 1. Chẳng biết đến bao giờ cảm giác háo hức, chờ ngóng kia liệu có quay về thêm lần nữa?
Theo VNE