Nhà văn Phạm Tường Hạnh, tên thật là Phan Trọng Hân, là một trong các nhà văn lão thành của văn học cách mạng Việt Nam. Ông sinh năm 1918 tại Tiền Hải, Thái Bình trong một gia đình nhà nho nghèo. Nhà văn đã tham gia cách mạng từ thời Tiền khởi nghĩa ở Nam bộ lúc ông mới được 18 tuổi.
Bắt đầu sự nghiệp sáng tác năm 20 tuổi, suốt 70 năm cầm bút, nhà văn Phạm Tường Hạnh đã có những trang ký sự chân thật về số phận của con người, các anh hùng trong chiến tranh và khi đất nước hòa bình. Các tác phẩm của ông được xem là mẫu mực cho phong cách sáng tác ký sự văn học, từ bình thường đến ký sự dài và tiểu thuyết ký sự.
Ông cũng từng viết kịch bản phim nhựa mà trong số đó nổi bật là bộ phim “Ngọn lửa Krông Jung” về đề tài chiến tranh cách mạng do hai đạo diễn Lê Hoàng Hoa, Hồ Ngọc Xum thực hiện. Năm 2007, ông cho ra mắt tập ký sự “Nhân chứng” viết về các nhà lãnh đạo đất nước thời kỳ đổi mới, gây tiếng vang lớn. Nhà văn còn là một cây bút quen thuộc với các bài bình luận sắc sảo trên báo, là cộng tác viên thân thiết của Báo SGGP trong những vấn đề thời sự, văn hóa.
Tang lễ của ông được tổ chức tại Nhà tang lễ Bộ Quốc phòng, số 5 đường Phạm Ngũ Lão, Q.Gò Vấp. Lễ viếng bắt đầu lúc 9 giờ ngày 15-2 (mùng 6 Tết), lễ truy điệu vào lúc 8 giờ 30 ngày 17-2 (mùng 8 Tết) trước khi ông được đưa đi an táng tại Nghĩa trang TPHCM (Thủ Đức).
Theo SGGP