Độc chiếm nghệ sĩ

Thứ hai, 09/03/2015, 23:11
Chiếm sóng truyền hình và nghệ sĩ để tạo sức mạnh cạnh tranh của các công ty truyền thông “đại gia” là xu hướng đang gây trở ngại cho hoạt động văn hóa nghệ thuật chung

Giới kinh doanh giải trí than với nhau rằng bây giờ làm ăn rất khó bởi tình trạng “cá lớn nuốt cá bé”. Ai có sóng truyền hình giờ vàng và nghệ sĩ ăn khách là có “sức mạnh”. Đó là con đường cạnh tranh để giành thế độc tôn của các “ông trùm” kinh doanh truyền thông giải trí hiện nay nên mọi việc liên quan đều phải tuân theo luật chơi mà không cần văn tự.

Mối quan hệ cùng có lợi

“Muốn lên hãy về bên anh”, một đề nghị vừa mang tính mời gọi vừa có chút áp lực mà MC A. nhận được khiến anh phân vân không biết nên chọn bên nào để ký hợp đồng hợp tác. “Chương trình nào cũng rất nổi tiếng và quan trọng nhất là nhận làm chương trình nào thì cơ hội quảng bá thương hiệu cho mình cũng rất cao” - MC A. nói. Đây là một trong nhiều kiểu tìm cách “sở hữu độc quyền nghệ sĩ” hiện nay của các công ty kinh doanh truyền thông giải trí thuộc hàng “ông trùm” ở showbiz Việt.

Khái niệm “sỉ” và “lẻ” bắt đầu có trong thị trường showbiz Việt từ khi các chương trình diễn định kỳ tuần, tháng, năm trên sóng truyền hình. Hiện nay, một công ty kinh doanh giải trí có máu mặt sở hữu hàng chục chương trình truyền hình giải trí rải đều các kênh truyền hình ăn khách và nhiều kênh truyền hình phát lại miễn phí. Nghệ sĩ nào được chọn vào hàng diễn “sỉ” của công ty là một đặc ân. Dù thù lao các nghệ sĩ diễn “sỉ” được trả quá thấp nhưng họ vẫn chấp nhận bởi mật độ xuất hiện dày ở các chương trình truyền hình lớn, ăn khách sẽ giúp kiếm tiền nhiều hơn ở nơi khác.

Ca sĩ Giang Hồng Ngọc trình diễn trong chương trình Hòa âm và ánh sáng của Công ty Cát Tiên Sa Ảnh: LÝ VÕ PHÚ HƯNG
Ca sĩ Giang Hồng Ngọc trình diễn trong chương trình Hòa âm và ánh sáng của Công ty Cát Tiên Sa Ảnh: LÝ VÕ PHÚ HƯNG
Không khó để nhận ra nhiều nghệ sĩ được đóng mác “gà nhà” của một công ty sản xuất các chương trình giải trí. Tức là trong bất cứ chương trình nào do đơn vị này thực hiện, họ đều xuất hiện với một vai trò nào đó, thậm chí trái chuyên môn.

Xu hướng độc quyền nghệ sĩ của các công ty ngày càng hiện rõ. Cứ nhắc đến tên một nghệ sĩ nào đó, người trong nghề nghĩ ngay đến đơn vị mà nghệ sĩ này sẽ hợp tác, giống như hình thức ê-kíp trước đây nhưng tinh vi và chuyên nghiệp hơn hẳn.

Sự phân vùng vô lý

Thật ra, việc hợp nhau và trở thành cộng sự thường xuyên là lẽ thường tình. Chế độ hậu đãi, sự thoải mái trong cung cách hợp tác và cả việc phù hợp với định dạng hay ý tưởng sáng tạo của một chương trình nào đó chính là nguyên nhân hình thành những cuộc hợp tác giữa nghệ sĩ và nhà sản xuất. Thế nhưng, hiện tượng “hợp tác” thường thấy hiện nay dường như không giản đơn như vậy.

Thâu tóm được nhiều sóng truyền hình giờ vàng và nghệ sĩ ăn khách là chiến lược cạnh tranh triệt hạ nhau của các công ty kinh doanh truyền thông thuộc hàng “đại gia”. Chiêu dụ và ràng buộc nghệ sĩ bằng sợi dây vô hình cả lý và tình, mỗi công ty đều tạo cho mình một vòng vây khép kín dần các đối thủ còn lại.

Hệ quả, khán giả liên tục thấy những gương mặt quen thuộc xuất hiện hết chương trình này đến chương trình khác của một công ty với đủ các vai trò: diễn viên, MC, giám khảo... Nhàm chán đối với người xem cũng là chuyện dễ hiểu bởi ít có nghệ sĩ đa tài đủ sức lôi cuốn khán giả ở nhiều vai trò khác nhau.

“Sợ” là tâm lý chung của các nghệ sĩ khi hợp tác với những ông trùm truyền thông hiện nay của showbiz Việt nên dù ý thức rõ không hẳn phù hợp với chương trình mình đang được mời tham gia nhưng nhiều nghệ sĩ vẫn làm để “lấy lòng” đối tác. Đã ở với công ty này thì chớ có bước chân vào chương trình của công ty đối thủ vì như vậy sẽ không còn cơ hội quay về.

Nhưng có lẽ điều đáng nói là xu hướng độc quyền thâu tóm này đang gây trở ngại cho hoạt động văn hóa nghệ thuật chung. Những người làm chương trình hay tổ chức sự kiện lẻ tẻ đang đối diện với một thực tế khó khăn là không tổ chức được vào những ngày cuối tuần vì luôn đụng đến các chương trình quy tụ nhiều sao đang diễn ra trực tiếp trên sóng truyền hình. Có nhiều trường hợp nghệ sĩ bỏ ngang chương trình đã nhận lời vì phải tham gia chương trình của các công ty truyền thông giải trí “đại gia” bởi lợi ích lâu dài.

“Xuất hiện nhiều trong chương trình truyền hình lớn, nhiều nghệ sĩ cũng tự cho mình thành sao, đẩy giá thù lao lên cao” - đại diện một đơn vị tổ chức biểu diễn than  thở.

Theo NLĐ

Các tin cũ hơn