Những chuyện “có một không hai” ở phim Việt

Thứ sáu, 22/05/2015, 09:49
Một biên kịch sáng tác trong quá trình xạ trị ung thư, anh đọc cho con gái chép lại. Kịch bản hoàn tất cũng là khi anh trút hơi thở cuối cùng. Hay, một bộ phim 6 tỷ đồng “biến mất” một cách khó hiểu… Là những chuyện “có một không hai” ở phim Việt.

1. Câu chuyện về biên kịch sáng tác trong quá trình xạ trị ung thư

Đó là câu chuyện về biên kịch Nguyễn Ngọc Đức. Theo thông tin từ đạo diễn Nguyễn Danh Dũng chia sẻ, biên kịch Nguyễn Ngọc Đức đã viết kịch bản phim “Khi đàn chim trở về” phần 3 trong quá trình đang xạ trị ung thư trong bệnh viện. Vừa xạ trị ung thư, biên kịch Nguyễn Ngọc Đức (vốn là một nhà báo Nghệ An) vừa đọc cho con gái chép lại những ý tưởng, nội dung của kịch bản phim “Khi đàn chim trở về” phần 3. Kịch bản hoàn thành cũng là lúc biên kịch Nguyễn Ngọc Đức trút hơi thở cuối cùng.

Một cảnh trong bộ phim "Khi đàn chim trở về" phần 3

Đạo diễn Nguyễn Danh Dũng kể : “Anh Nguyễn Ngọc Đức vốn là một nhà báo phụ trách về mảng Lâm nghiệp ở Nghệ An. Qua nhiều năm tận mắt chứng kiến cảnh chặt phá rừng tàn bạo, những vụ thanh trừng tranh giành địa bàn hoạt động của các lâm tặc, những cuộc buôn bán gỗ lậu xuyên quốc gia, nhà báo Nguyễn Ngọc Đức đã lên ý tưởng kịch bản cho bộ phim “Khi đàn chim trở về”.

Khi kịch bản được lên ý tưởng, cũng là lúc anh Đức phát hiện bệnh ung thư. Anh ấy đã nhờ đến sự hỗ trợ của con gái để hoàn tất được kịch bản phim trong quá trình xạ trị ung thư trong bệnh viện. Tôi vẫn còn nhớ, khi kịch bản được gửi đến VFC, đạo diễn-NSƯT Đỗ Thanh Hải (Giám đốc trung tâm sản xuất phim truyền hình VFC) thẩm định kịch bản xong đã vội vã chuyển tiền đến ngay bệnh viện để anh Đức kịp ký nhận, kẻo thời gian của anh ấy không còn nhiều… Và anh ấy đã ra đi. Anh Đức đã không kịp xem “Khi đàn chim trở về” khi phim lên sóng”.

Được biết, sau khi mua kịch bản “Khi đàn chim trở về” của biên kịch Nguyễn Ngọc Đức, kịch bản này đã được chỉnh sửa nhiều lần, kéo dài trong gần 2 năm, để từ một kịch bản phim hơn 20 tập trở thành kịch bản phim 46 tập, và phim sẽ ra mắt khán giả trong thời gian tới.

2. Câu chuyện về bộ phim 6 tỷ “biến mất”

Đã có nhiều dự án phim từng được các đạo diễn, diễn viên chia sẻ về sự “biến mất” một cách khó hiểu của nó. Nhiều bộ phim sau khi hoàn tất với số tiền sản xuất lên đến hàng tỷ đồng nhưng không hề được phát sóng, được ra rạp với nhiều lý do khác nhau. Trong đó có cả những dự án phim “biến mất” mà không để lại bất cứ lý do nào.

NSND Bùi Bài Bình

NSND Bùi Bài Bình từng chia sẻ về một dự án phim sản xuất hết 6 tỷ đồng nhưng hoàn toàn “biến mất” không dấu vết. Đó là bộ phim “Cây trầu không” của đạo diễn Lê Đức Tiến. NSND Bùi Bài Bình tham gia làm Phó đạo diễn cho dự án phim này. Theo NSND Bùi Bài Bình, bộ phim kể về cuộc đời của một nữ chiến sĩ cách mạng. Phim sản xuất hết 6 tỷ đồng nhưng không hiểu sao lại không được phát sóng. Đến bây giờ, câu chuyện về bộ phim này vẫn là một dấu hỏi lớn với chính NSND Bùi Bài Bình và đoàn làm phim.

3. Câu chuyện về 2 chữ “Tiền” và “Nghệ thuật”

Câu chuyện về chữ “Tiền” và “Nghệ thuật” luôn là đề tài gây tranh cãi đến mức… nóng bỏng trong phim Việt. Đề tài “Tiền” và “Nghệ thuật” cũng khiến báo chí tiêu tốn không biết bao nhiêu giấy mực. Đến bây giờ, vẫn có đạo diễn khẳng định, họ làm phim vì nghệ thuật, và rằng, phim của họ rất ít khán giả hiểu được, nên đừng bắt phim nghệ thuật phải làm nhiệm vụ “kiếm tiền”.

Rằng, thị trường phim Việt sẽ “bát nháo” đến đâu nếu như chỉ “rặt những phim hài, phim giải trí nhảm nhí, câu khách”? Những người làm phim giải trí thì “cãi” rằng, họ làm phim bằng tiền tự đầu tư nên không thể đánh liều. Và nếu cứ cầm tiền nhà nước đi làm phim, họ sẽ có cách làm khác.

Chuyện bán vé cho phim nhà nước vẫn còn là một vấn đề nan giải, chưa có hồi kết

Cứ như thế, bao nhiêu năm đã trôi qua, điện ảnh Việt vẫn “ám ảnh” câu chuyện “Tiền” và “Nghệ thuật”. Thế nên mới có chuyện “Phim triệu đô không bán nổi vé”.

Nhà sản xuất Mỹ- Jon Kuyper khi đến Việt Nam, ông đã bày tỏ quan điểm rằng, “Chúng tôi cũng có phim đề cao tính nghệ thuật, tính tác giả và những phim thuần giải trí. Nhưng dù đầu tư cho dự án phim nào, chúng tôi cũng phải tính đến doanh thu của nó. Không thể bỏ hàng triệu, hàng trăm triệu đô la ra làm phim mà không tính đến chuyện doanh thu, bán vé. Và thật ra, tôi nghĩ rằng, làm phim mà không có ai xem thì làm để làm gì?”.

....

Những câu chuyện chúng tôi kể trên đây mang màu sắc khác nhau, chứa đựng những thông điệp với ý nghĩa khác nhau về hiện thực của người sáng tác, và những tác phẩm ở thị trường phim Việt. Đó đều là những câu chuyện đáng để suy ngẫm.

Theo Dantri

Các tin cũ hơn