Trên trang cá nhân, BTV Mỹ Linh đau buồn trước sự ra đi bất ngờ của bố. Chị viết: "Thương bố nhất là vì không bao giờ yêu cầu gì ở con cái. Mời đi chơi cũng nói mãi mới đi, mua gì biếu cũng chỉ là thứ nhỏ nhỏ xinh xinh... Đừng hỏi xem con có mệt không, cũng đừng nói 'con giúp bố nhé, phiền con quá'. Dứt khoát mình sẽ về Hà Nội bố ạ".
Liên lạc với MC chương trình Văn hóa Sự kiện Nhân vật, chị cho biết, NSND Đình Quang qua đời vì tuổi cao sức yếu. Ông trút hơi thở cuối cùng trong chuyến đi cùng với các cháu vào Hội An, một trong những địa điểm ông dành rất nhiều tình cảm của đất nước. Gia đình đang di chuyển linh cữu ông từ Đà Nẵng về Hà Nội và chuẩn bị tang lễ chu toàn cho người nghệ sĩ.
"Cả cuộc đời ba tôi dành để cống hiến, ông đi tới rất nhiều nơi của mảnh đất hình chữ S và yêu đất nước vô cùng. Không ngờ, ông lại ra đi trong hành trình cuối cùng trong cuộc đời. Ba tôi sẽ ngược từ miền Trung ra miền Bắc bằng đường bộ trước khi trở về với đất mẹ vĩnh hằng" - BTV kỳ cựu của nhà đài chia sẻ.
NSND Đình Quang và con gái - MC, BTV Mỹ Linh. |
NSND Đình Quang sinh năm 1928 tại Hà Nội trong một gia đình có truyền thống hiếu học. Trong kháng chiến chống Pháp, ông nhập ngũ rồi trở thành diễn viên, giữ chức Trưởng đoàn kịch trung đoàn 77, Trưởng đoàn văn công Sư 325 tại mặt trận Bình Trị Thiên. Ông là cánh chim đầu đàn của nền sân khấu nước nhà, được đào tạo bài bản về sân khấu tại Học viện Hý kịch Trung ương Bắc Kinh. Sau đó, ông tiếp tục tu nghiệp bằng tiến sĩ ở Đại học Humboldt ở Berlin, Đức.
Giáo sư Đình Quang là hiệu trưởng đầu tiên của Phân hiệu kịch nói và Trường Đại học Sân khấu điện ảnh với những học trò lừng danh như NSND Trọng Khôi, NSND Doãn Hoàng Giang, NSND Đoàn Dũng, NSƯT Minh Ngọc, NSND Thế Anh, NSƯT Mỹ Dung, NSND Doãn Châu…
Ông cũng là nhà lý luận với những công trình như Mấy vấn đề về nghệ thuật biểu diễn (1962), Kỹ thuật tâm lý diễn viên (1968), Nghệ thuật biểu diễn hiện thực tâm lý (1978)..., là một nhà văn hóa với các công trình như Còn văn hóa còn nhân loại, Văn hóa và sự phát triển nhân cách, Nhận thức và xử lý văn hóa trên thế giới.... Ông đã dàn dựng hàng chục vở diễn được khán giả yêu mến như Hão, Bệnh sĩ, Đại đội trưởng của tôi…
Ngoài diễn kịch, ông còn là nghệ sĩ ngâm thơ với những bài thơ nổi tiếng: Đêm nay Bác không ngủ (Minh Huệ) và Ta đi tới (Tố Hữu) và là tác giả của nhiều vở kịch kháng chiến như Người anh (1947), Bên kia (1949), Lối vườn hoa (1950), Hạt vàng (1951), Khăn tang kháng chiến (1952)... NSND Đình Quang tâm sự, nghệ thuật kéo người ta lại gần nhau hơn, cũng chính nghệ thuật đã cho ông gặp nhiều kẻ sĩ có nhân cách lớn để học hỏi, ứng xử trong cuộc đời, để bày dạy cho con cháu mai sau.
NSND Đình Quang và vợ. Ảnh: FB Mỹ Linh. |
Trong công tác lãnh đạo, ông từng giữ các chức Ủy viên Thường trực Ban chấp hành Hội Nghệ sĩ Sân khấu Việt Nam, Chủ tịch Hội đồng Nghệ thuật Hội Nghệ sĩ Sân khấu Việt Nam. Ông là Thứ trưởng Bộ Văn hóa - Thông tin (nay là Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch) từ năm 1984 tới 1993.
Ông được Nhà nước trao tặng danh hiệu NSND năm 1993, Giải thưởng Hồ Chí Minh về văn học nghệ thuật đợt 3 năm 2007.
Theo Zing