Huỳnh Trang Nhi chia sẻ về hai lần làm mẹ đơn thân

Thứ năm, 06/08/2015, 11:15
Lần đầu tiên đi sinh, cô cảm thấy mệt mỏi với ánh mắt soi mói của mọi người, còn lần thứ hai thì hạnh phúc đến mức không thể khóc.

Những năm 1990, Huỳnh Trang Nhi là cái tên sáng giá của làng mẫu Việt. Cô sở hữu vóc dáng chuẩn, gương mặt đẹp và cả sự thông minh, sắc sảo của con gái Sài Gòn. Bạn bè của Trang Nhi bây giờ vẫn kể lại rằng: "Hồi đó, cô ấy là mẫu phụ nữ được đàn ông say đắm nhưng không phải ai cũng dám động tới". Còn bản thân cô, khi nói về cuộc đời mình, chỉ gói ghém trọng một câu ngắn ngủi: "Không ai có thể biết trước ngày mai".

Biến cố đầu tiên trong đời của cô người mẫu kiêm diễn viên nổi tiếng là cuộc tình đẫm nước mắt với cây vợt hàng đầu Việt Nam. Chia tay mối tình dài 10 năm, Trang Nhi sang định cư ở Singapore và phát hiện mình có thai. Cô gái trẻ sống ở nơi đất khách quê người vừa đi học vừa phải xoay sở với nhiều công việc, từ bồi bàn, dọn dẹp vệ sinh đến buôn hàng khuyến mãi... Cô vác bụng bầu đi khắp nơi, làm tất cả để bám trụ lại và có đủ tiền sinh con, nuôi con.

Trang Nhi bảo, ở thời điểm đó, khi dư luận còn khắt khe với chuyện "không chồng mà chửa" thì điều khiến cô cảm thấy tủi thân nhất là cái nhìn soi mói của mọi người với cô. Nhưng khi sóng gió trôi qua, Huỳnh Trang Nhi giờ đã là một doanh nhân thành đạt, có trong tay một chuỗi nhà hàng, công ty riêng hoạt động trên cả hai thị trường Việt Nam - Singapore thì cô lại một lần nữa lựa chọn cho mình con đường khó: Làm mẹ đơn thân lần thứ 2. Sau những lúc bộn bề lo toan chuyện kinh doanh, Trang Nhi trở về làm một bà mẹ bỉm sữa đích thực và chia sẻ câu chuyện đời mình.

Huỳnh Trang Nhi bảo chị đang rất hạnh phúc với cuộc sống hiện tại vì khi quay trái hay quay phải đều có hai con nắm tay mình.

- 'Đàn ông vượt biển có đôi, đàn bà vượt cạn mồ côi một mình'. Chị đã hai lần chọn tự sinh con mà không có chồng hay gia đình bên cạnh. Phải chăng chị là người không biết sợ?

- Hai lần sinh con, tôi mang hai tâm trạng hoàn toàn khác nhau. Lần đầu tiên thì còn quá trẻ khi biết mình có thai. Tôi chẳng chuẩn bị gì nên thiếu đủ thứ, thiếu kiến thức làm mẹ, thiếu một chỗ dựa từ người chồng và tất nhiên là thiếu kinh tế. Một mình tôi ở Singapore vừa đi học, vừa đi làm, chịu đựng vất vả miễn sao tích cóp đủ tiền để sinh em bé.

Lúc đó, tôi chỉ nghĩ duy nhất một điều rằng mình phải sinh đứa con này cho chính mình, phải giữ nó bằng mọi cách. "Vượt cạn" dường như là công việc vất vả và nguy hiểm hơn cả với phụ nữ rồi nên khi tôi có thể vượt qua điều khó khăn nhất thì mọi thứ khác đều trở nên bình thường, chẳng thể làm tôi chùn bước.

- Như vậy, có thể nói là lần đầu sinh con, chị ở vào tình thế 'sự đã rồi' nhưng còn lần thứ hai, tại sao chị cứ thích chọn cho mình con đường khó?

- 11 năm sau khi làm mẹ đơn thân, tôi đã trải qua mọi cung bậc cảm xúc, cũng đã biết cách xoay sở với khó khăn và tạo dựng được một chút gì đó cho tương lai của mình. Con gái đầu của tôi là bé Sarah cũng đã lớn và muốn có em bé để không phải lủi thủi một mình. Còn tôi, vì hay tham gia các hoạt động thiện nguyện, tiếp xúc với trẻ em nhiều nên có lẽ bản năng làm mẹ của người phụ nữ trong tôi khiến tôi khao khát có thêm một đứa con.

Nếu như khi sinh bé đầu tiên, trong tôi có ít nhiều sự háo thắng của tuổi trẻ rằng mình sẽ tự làm được tất cả thì với bé thứ hai, tôi bắt buộc phải làm tốt mọi thứ. Tôi sinh bé thứ hai ở Singapore vì không muốn bé và cả tôi lại bị dèm pha, soi mói như lần đầu tiên. Tôi cũng chuẩn bị tâm lý làm chị cho con gái lớn để bé không bị hụt hẫng khi phải chia sẻ mọi thứ với em.

Lần thứ hai đi sinh con, tôi đã cảm nhận được hạnh phúc thực sự vì không còn phải một mình đơn độc, không phải tủi thân trả lời câu hỏi của các bác sĩ rằng "Chồng cô đâu?", "Ai là người ký giấy cam kết mổ đẻ?", "Khi cần thì liên lạc với ai?"... Con gái lớn Sarah luôn ở bên cạnh tôi khi tôi sinh em bé.

Đến bây giờ, tôi vẫn nhớ như in giây phút bé nắm chặt tay tôi trước cửa phòng phẫu thuật, bé nói: "Mẹ đừng có buồn, đã có con dẫn mẹ đi sinh". Tất cả các bác sĩ đều bất ngờ khi biết người lo lắng mọi việc sau sinh cho tôi chỉ là cô bé 11 tuổi. Hạnh phúc của người mẹ đơn thân có lẽ chỉ cần có vậy, khi tôi quay về bên trái hay bên phải đều có các con nắm tay tôi.

Bé Sarah một mình đưa mẹ đi sinh.

- Chị nói về sự chuẩn bị để làm mẹ đơn thân thật tốt. Vậy những thứ đó cụ thể là gì?

- Ngoài những điều đã nói ở trên và các yếu tố như sức khỏe, tâm lý... giống như tất cả các bà mẹ khác thì single mom như tôi cần thêm nhiều thứ. Trước khi sinh, tôi phải sắp xếp công việc, giao trách nhiệm cho nhân viên... nói chung là phải tạm dừng một phần công việc để tập trung cho con. Tôi không được phép nghỉ ngơi hoàn toàn vì công việc tất nhiên không thể quan trọng bằng các con nhưng nó đảm bảo tương lai cho chúng tôi.

Tôi cũng phải lên kế hoạch giải quyết mọi việc hậu sản. Bố mẹ tôi tuy đã bay từ Sài Gòn sang Singapore để đỡ đần tôi nhưng chủ yếu vẫn là tôi tự lo nên chẳng được kiêng cữ gì cả. 6 ngày sau sinh, tôi đã ra đường, bế con đến bệnh viện khám và kiểm tra vết mổ. 14 ngày sau sinh thì tôi phải đi làm thủ tục giấy tờ, hộ chiếu cho con. Khi bé út được 2 tháng, tôi đã bồng con lên quán để kiểm tra công việc... Người ta nói, phụ nữ mới sinh yếu ệp như con cua thay vỏ, còn tôi lại thấy mình có sức mạnh kinh khủng. Các con chính là sức mạnh của tôi và tạo cảm hứng cho tôi ấp ủ thêm nhiều dự định mới.

- Một số bà mẹ đơn thân vẫn hay nói rằng con của họ chỉ cần có mẹ là đủ, không cần có bố. Chị nghĩ gì về điều này?

- Tôi không biết người khác thế nào và cũng không nói bao đồng tất cả nhưng tôi nghĩ chẳng người phụ nữ nào không mong muốn một gia đình hạnh phúc, đầy đủ cả. Khi hoàn cảnh đẩy họ vào tình thế buộc phải đối diện thì chẳng có con đường nào khác. Những người tuyên bố như thế thường là người đã bị tổn thương rất nhiều về mặt tình cảm. Họ chấp nhận làm mẹ đơn thân nghĩa là vừa làm bố, vừa làm mẹ của con mình. Họ giữ thái độ bất chấp tất cả  nhưng trong sâu thẳm, họ vẫn là một người phụ nữ yếu đuối.

Single mom như tôi có "bản năng bảo vệ con" rất lớn và hy sinh mọi thứ vì con. Nếu phải lựa chọn giữa tình yêu của bản thân mình với cuộc sống của con, chắc chắn tôi sẽ đặt con lên trên hết. Nói cách khác là bây giờ tôi chọn bố cho các con tôi chứ không chọn chồng cho mình nữa.

Trang Nhi muốn các con của cô khi lớn lên đều có tính tự lập tốt.

- Vừa làm bố, vừa làm mẹ, chị dạy các con mình như thế nào?

- Tôi muốn các con phát triển tự nhiên và đề cao tính tự lập. Đó là cách mà tôi đã lớn lên. Con gái lớn của tôi nếu muốn có tiền tiêu vặt thì vẫn phải ra cửa hàng làm việc và được trả lương như các nhân viên khác. Tôi chỉ chú trọng đầu tư cho việc học hành của bé để trang bị kiến thức giúp bé tự tin trong tương lai. Còn nếu bạn hỏi tôi để dành được bao nhiêu tiền hay có mở tài khoản nào cho các con không thì tôi trả lời thành thật là "Không". Tôi cũng có dự định lập quỹ mang tên các con tôi nhưng đó là quỹ để sau này, các con thay tôi làm các công việc thiện nguyện như tôi đang làm.

- Chị đã chia sẻ nhiều điều nhưng chẳng thấy chị nói về dự định cho riêng mình, có thể vì bây giờ bé Út mới được 7 tháng tuổi nên chị còn 'bận con mọn'. Nhưng tương lai thì sao?

- Tôi có nhiều kế hoạch lắm, đa phần là mở rộng kinh doanh. Tôi muốn đẩy mạnh lĩnh vực xuất khẩu của công ty, chuẩn bị khai trương một nhà hàng nữa và tiếp tục duy trì đầu tư ở Singapore. Các hoạt động từ thiện vẫn được tôi thực hiện đều đặn. Còn về hoạt động nghệ thuật, tôi xem đó là môn giải trí cao cấp nên nếu có dự án ngắn hạn nào phù hợp thì tôi sẽ tham gia.

- Chị không tìm người đàn ông cho riêng mình sao?

- Nếu gặp được người phù hợp, anh ta yêu tôi, yêu các con của tôi và các con của tôi cũng yêu anh ta thì tôi sẽ lấy làm chồng. Nhưng có lẽ khó (cười).

Theo Ngôi Sao

Các tin cũ hơn