Truyền hình thực tế ở Việt Nam từ lâu không chỉ là món ăn tinh thần, giải trí dành cho mọi nhà mà còn là nơi để các nghệ sĩ khẳng định, hâm nóng tên tuổi hay đưa hình ảnh của mình đến gần hơn với khán giả. Người chơi được lợi, nhà sản xuất chẳng thể thiệt thòi và khán giả cũng được đáp ứng những nhu cầu cần thiết. Chính những điều này đã thôi thúc hàng loạt các gameshow thực tế ngày nay mọc lên như nấm và ngày càng có những sự đa dạng, thu hút người xem, tạo nên nhiều bình luận, tranh cãi đa chiều.
The Face Việt Nam mùa đầu tiên (Ảnh mang tính chất minh họa) |
Tuy nhiên, khác với những mặt giải trí tích cực mà các show giải trí truyền hình mang lại, khán giả cũng đã gần như thuộc nằm lòng những "chiêu thức", ý đồ mà các nhà sản xuất chương trình mang lên sóng truyền hình, trong đó bao hàm cả việc người chơi "thật thật – giả giả" với tính cách của mình trước ống kính.
Không ít các cá nhân nghệ sĩ vốn được biết đến với hình tượng sạch sẽ, ưu tú trong mắt khán giả bỗng bị méo mó hình ảnh của mình vì các gameshow thực tế. Trái lại, những gương mặt vốn không mấy ấn tượng hay từng bị chỉ trích từ trước lại được nhiều người yêu thích khi lên sóng truyền hình.
Bất cứ chuyện khó hiểu nào cũng có thể xảy ra với cuộc chơi mang tên Truyền hình thực tế. Vì thế, câu hỏi mà nhiều người đặt ra là, nghệ sĩ Việt – cũng là những người trong cuộc có thực sự sống thật trước ống kính ghi hình? Hay có không sự công bằng đến từ các chương trình truyền hình thực tế trong suy nghĩ của sao Việt?
Trang Pháp: "Không có sự công bằng tuyệt đối trong các chương trình thực tế"
Từng là gương mặt vốn không quá nổi trội trong showbiz Việt, tuy nhiên, sau khi tham gia chương trình "Cuộc đua kỳ thú", Trang Pháp – đội nâu chiếm được không ít tình cảm của khán giả truyền hình. Giải đáp cho những thắc mắc về tính cách thật sự của nghệ sĩ khi tham gia gameshow, nữ ca sĩ cho biết do mỗi chương trình thực tế có những tính chất riêng và cách xây dựng nội dung riêng nên người nghệ sĩ sẽ có những chiến lược của chính mình để phù hợp với chương trình đó.
"Đối với cá nhân Trang, đã tham gia THTT thì cách đơn giản nhất là "cứ là chính mình" và "chấp nhận hoàn cảnh". Vì để ghi dấu ấn được tại một chương trình THTT phụ thuộc vào rất rất nhiều yếu tố, từ khả năng của bản thân, tới đối thủ, giám khảo, khán giả, nhà sản xuất, cách quay, cách edit, may mắn... Vì vậy, thiên thời địa lợi nhân hoà vẫn là điều quan trọng nhất. Trang luôn mang câu chuyện thật của mình để kể cho khán giả. Tuy vậy, đó là chiến lược của Trang trong những chương trình cụ thể, những nghệ sĩ khác trong những chương trình khác nhau có thể sẽ có những chiến lược khác nhau" – Trang Pháp chia sẻ.
Nói về việc có hay không sự công bằng trong những cuộc chơi trên màn ảnh nhỏ, Trang Pháp khẳng định sự công bằng tuyệt đối là chuyện hoàn toàn không thể xảy ra bởi nó còn phụ thuộc vào các yếu tố chủ quan, khách quan và "thiên thời, địa lợi nhân hòa". Với 6 yếu tố: bản thân người chơi, đối thủ, giám khảo, khán giả, nhà sản xuất và may mắn. Quán quân cần là người hội tụ nhiều nhất các yếu tố trên.
"Trang nghĩ một mình đội chơi, hay một mình nhà sản xuất không thể quyết định được số phận cuộc chơi. Khán giả sẽ sớm nhận ra rằng mình đang bị cuốn hút vào chương trình chính vì sự bất ngờ, đôi khi khó hiểu và không thể đoán trước của chương trình. Bản thân nhà sản xuất và người chơi như Trang trong Cuộc đua kỳ thú 2015 đã không thể tự đoán trước kết quả của mình. Chúng ta nên xem và hưởng thụ điều đó, vì hãy tưởng tượng, một chương trình mà mới xem bạn biết ngay ai là người chiến thắng thì sẽ nhàm chán biết bao" – Trang Pháp nhận định.
Diệu Nhi: "Bê nguyên si con người thật lên sóng truyền hình"
Diệu Nhi – thí sinh từng khiến nhiều người tiếc nuối khi dừng chân sớm tại cuộc thi "Bước nhảy hoàn vũ 2015" cho biết, nếu đã là tên gọi gameshow truyền hình thực tế thì ít nhất phải có gì đó thực tế một chút, còn không thì hãy đặt một cái tên khác. "Tính cách Nhi như thế nào thì Nhi "bê" lên đúng như vậy, đôi khi phải kiềm chế lại bớt vì hơi tăng động quá khán giả sẽ bị sốc". Nữ diễn viên cho biết vì cô hiểu được khán giả cũng tò mò về tính cách thật của người nghệ sĩ nên họ sẽ thể hiện đúng con người của mình để được người khác thấu hiểu.
Nói về yếu tố cắt cúp, dàn dựng hay tính công bằng trong các cuộc thi, Diệu Nhi khẳng định: "Không chỉ truyền hình thực tế mà trong mọi cuộc chơi, nếu bạn đã chấp nhận tham gia thì không được nói là công bằng hay bất công với mình. Tại vì trong các cuộc chơi, ngoài yếu tố thắng thua thì còn có sự may mắn. Có thể bạn giỏi nhưng kém may mắn thì vẫn thua và ngược lại". Ngoài ra, việc nhà sản xuất sắp xếp, dàn dựng chương trình là điều hợp lý vì nó sẽ mang lại sự bất ngờ, hấp dẫn, khó đoán để thu hút người xem, tuy nhiên chắc chắn sẽ phải dựa trên tính cách thật của người chơi chứ không thể làm sai sự thật.
Trang Trần: "Kết quả phụ thuộc vào nhà sản xuất"
Sau những vấn đề đang gây tranh cãi trong chương trình "The Face", Trang Trần vừa chia sẻ lên trang cá nhân đoạn livestream nói về những sự khắc nghiệt mà cô từng nếm trải trong các chương trình thực tế Việt. Cô cho biết, thời điểm nhận lời tham gia chương trình "Cuộc đua kỳ thú 2014", cô đã biết mình không thể là quán quân vì chương trình chọn ai là quán quân thì sẽ là người đó. "Tất cả huấn luyện viên hay thí sinh đều chỉ là quân cờ của nhà sản xuất thôi, không bao giờ có chuyện mình có thể đi ngược lại ý muốn của nhà tài trợ cũng như quy luật của showbiz: có tiền là có quyền, đẹp là có quyền, có nhiều mối quan hệ là có quyền".
Ngoài ra, cô còn gửi lời khuyên đến khán giả hãy xem chương trình với tâm thế thoải mái vì dù sao kết quả cũng phụ thuộc vào nhà sản xuất và tài trợ. Việc các đoạn ghi hình được cắt ghép thì thí sinh phải chấp nhận, nếu không sẽ bị vi phạm hợp đồng với những số tiền rất lớn. Vì thế, những người tham gia chương trình vô tình dễ trở thành những "diễn viên" ác khi trở thành "quân cờ" của ban tổ chức.
Thanh Duy: Không thể "show" hết tính cách con người thật của mình với khán giả
Thanh Duy là một trong những nghệ thành công và được lòng công chúng khi bước ra từ chương trình truyền hình thực tế. Chia sẻ về những kinh nghiệm từng trải của mình, nam ca sĩ cho biết: "Bất cứ nghệ sĩ nào khi xuất hiện trên truyền hình sẽ không thể "show" hết tính cách con người thật của mình với khán giả mà sẽ giữ lại một phần cho riêng mình. Trên tivi, Duy thường thể hiện khoảng 80-90% con người mình và giữ lại 10%, bởi vì người ta thường nói "tốt khoe xấu che". 10% còn lại chưa chắc gì khán giả đã thích nên, cho Duy giữ riêng Duy biết vậy (cười)".
Nói về vấn đề cắt ghép các chương trình thực tế, anh cho biết điều này còn phụ thuộc vào từng nhà sản xuất, nếu có tâm thì họ sẽ không để xảy ra những chuyện gây thiệt thòi cho người chơi hay nghệ sĩ.
"Truyền hình thực tế là con dao hai lưỡi, tham gia vào nó thì mình sẽ được gần khán giả hơn nhưng bù lại không phải ai cũng hợp với truyền hình thực tế. Có những người có lý lịch tốt nhưng khi tham gia show, xuất hiện nhiều và phô diễn những tính cách không như khán giả trông đợi từ trước thì sẽ dễ bị ném đá. Tuy nhiên tôi nghĩ, bộc lộ tính cách của mình trên truyền hình thực tế vẫn là điều tốt vì mình sẽ không phải sống mãi trong hình ảnh không phải là mình.
Bạn sẽ phô diễn được những điều còn ẩn giấu phía sau, nhưng việc được khán giả đón nhận thế nào thì khó lòng kiểm soát được. Trong showbiz Việt hiện tại, Duy thấy Hương Giang Idol và Hòa Minzy là hai trong số những trường hợp thành công với truyền hình thực tế. Nghĩa là trước đó họ chưa được công chúng đón nhận bằng khả năng thực sự của mình nhưng nhờ các gameshow ấy mà cả 2 ngày càng được nhiều người yêu quý hơn" – quán quân "Gương mặt thân quen 2015" cho biết.
Theo Tri Thức Trẻ