Anh trai nghệ sĩ Thành Lộc - Bạch Long sinh ngày 15/1/1960. Lọt lòng chưa được bao lâu, anh được ba gửi cho người cô ruột của ông nuôi dạy.
"Về vai vế họ hàng, lẽ ra tôi phải gọi mẹ nuôi là bà 6 nhưng vì ở với bà nên gọi bằng mẹ và gọi ba mẹ là anh 2 chị 2. Để dễ nuôi, mẹ nuôi gọi tôi là Bé 5.
9, 10 tuổi tôi được cậu cho làm trong ban nhạc của đoàn cải lương Hồ Quảng Khánh Hồng - Minh Tơ. Mười mấy tuổi tôi được làm diễn viên, hát các vai phụ, kép con", nghệ sĩ Bạch Long kể lại.
Anh tiếp lời: "Tôi nghĩ thực tế chứ không hề nghĩ quẩn. Người ta có thể giúp mình 1 lần chứ không ai giúp hoài. Mình cũng không nên làm gánh nặng cho người khác.
Bây giờ người tôi rệu rã lắm rồi. Tôi bị vôi hóa một đốt sống cổ, máu không lên não được, thỉnh thoảng lại thiếp đi, chân tay tê cứng. Bác sĩ nói, tôi có thể bị mất trí nhớ. Nghệ sĩ có cái trí nhớ để học tuồng mà mất thì thôi sống làm gì. Mình mẩy xương cốt còn đau nhức...
Có lúc tôi hét lên: "Có ông thần nào đi qua, rước tôi luôn đi, tôi cám ơn". Tôi đã nghĩ rồi, nếu một mai tôi phát hiện mình mắc một bệnh nào đó nặng, tôi sẽ tự giải quyết bằng một sợi dây.
Cuộc đời tôi không có gì chua chát hết! Cũng có người hỏi, tôi có em trai nổi tiếng giàu có, sao tôi không về ở cùng, nhưng tính tôi đó giờ không muốn phiền em út. Lúc mình khỏe mạnh không giúp được gì, lúc ốm đau sao lại phiền người ta?
Lộc thương anh trai nhưng tôi không muốn làm gánh nặng cho em mình. Lộc còn phải lo cho bản thân, cho gia đình. Giả dụ bây giờ Lộc nghèo, cần tôi giúp, tôi cũng có tiền đâu mà giúp Lộc nên lúc nào tôi cũng cầu nguyện cho người thân giàu hết.
Mỗi khi có người chết, tôi nghĩ "mừng cho họ thoát được một kiếp người"! Ai nói làm người sướng chứ tôi không thấy sướng, ngày ăn có 2 bữa cơm mà chật vật với cuộc sống quá!
Tử vi nói tôi 60 tuổi có một đại hạn, nếu qua được thì thọ 71 nhưng lúc nào tôi cũng mong được chết ở tuổi 60, cái tuổi còn được khán giả nhớ.
Tôi ước vừa diễn xong còn đang mặc phục trang sân khấu thì đi luôn như má Kim Ngọc. Tôi thích kiểu chết đó, nhẹ nhàng, không phiền hà ai.
Ai cũng có số phận, định mệnh của mình. Dẫu biết cái số mình nó thế, buồn cũng không giải quyết được gì nhưng cũng có lúc tôi ngồi khóc một mình".
Nghệ sĩ Bạch Long cùng em trai, nghệ sĩ ưu tú Thành Lộc, mẹ và ba - cố nghệ sĩ nhân dân Thành Tôn. |
Không ai cãi được định mệnh, tôi cũng không ngoại lệ!
Hồi nhỏ, tôi có nhiều trò vui lắm. Lúc 11, 12 tuổi, tôi lấy thùng carton vẽ làm sân khấu có cánh gà. Tôi vẽ hình vua, công chúa, hoàng hậu, quân sĩ dán vào các que giống rối que, một mình tôi nghĩ tuồng và hát luôn.
Vé xem hát là 3 cọng thun. Tôi bắt mấy đứa con nít trong xóm muốn coi thì phải mua vé như vậy. Cũng có lúc tôi tập trung tụi nó phân vai cho tụi nó hát.
Ba tôi là một nghệ sĩ lừng danh nhưng người thầy dạy tôi hát là hai cậu Thanh Tòng, Minh Tơ. Nghệ sĩ Út Trông dạy tôi hát ca cổ.
Năm 1982, tôi nổi tiếng nhờ vai Phù Đổng Thiên Vương, sau đó là vai cậu bé Kim Đồng, Trần Quốc Toản… Cũng năm đó, tôi giành 2 huy chương vàng tại Hội diễn thiếu nhi toàn quốc.
Năm 1990, Đồng Ấu Bạch Long xuất hiện. Chị Kim Hà đưa kịch bản "Cóc kiện trời" nhờ tôi dàn dựng cho mấy bé là con anh em nghệ sĩ trong đoàn để phục vụ đêm Trung thu.
Kịch bản đó là kịch nói, tôi xin chị cho viết lại sang cải lương tuồng cổ. Vở diễn được khen ngợi. Sau đó, tôi viết thêm "Cầu vồng đỏ", "Con ngựa và củ cải khổng lồ", "Hầu nhi cứu chủ", "Trần Quốc Toản ra quân", "7 hành tinh xa xôi"... đều được phát sóng trên đài truyền hình.
Năm 1991, giám đốc rạp Đại Đồng là anh Tài mời nhóm cải lương Đồng Ấu Bạch Long biểu diễn tại đó vào sáng chủ nhật hàng tuần. Khán giả đến rất đông... từ đó tôi mới đào tạo ra Quế Trân, Trinh Trinh, Tú Sương, Trấn Cường, Bình Tinh, Trinh Nhân, Ái Hằng, Tâm Tâm...
Cuộc đời tôi ngộ lắm. Tôi rất thích chữ nhẫn của nhà Phật. Hồi đó tôi biết người hại Đồng Ấu tan rã là ai nhưng tôi không quan trọng.
Khi con của họ vô Đồng Ấu học hát, tôi dạy nó hát, lúc đó nó 18,19 tuổi. Tôi giới thiệu nó đi đoàn này đoàn kia biểu diễn. Nó mời tôi đi uống cafe và kể tối nào ba mẹ nó cũng nói xấu mình.
Thế mới thấy chữ nhẫn của nhà Phật hay. Biết người ta hại mình, nhưng mình vẫn mở lòng để dạy cho con họ. Rồi chính con họ lại tôn trọng mình. Bản thân ba mẹ nó sau này cũng hối hận.
Cuộc đời mà, nếu không có Lý Thông thì làm sao thấy Thạch Sanh tốt. Cứ coi như mình và họ kiếp trước có dây nghiệp với nhau nên kiếp này họ phải trả thù mình.
Khi Đồng Ấu tan rã (1996 - pv), học trò tôi về đoàn này đoàn kia, đều là những ngôi sao cả. Sau này có nhà báo phỏng vấn cũng hỏi tôi: "Học trò anh đã có người là nghệ sĩ ưu tú, đạt huy chương này huy chương kia còn anh vẫn chật vật với cuộc sống. Có khi nào anh trách học trò hay buồn vì mình vẫn chưa được phong tặng danh hiệu gì"?
Tôi nghĩ, chắc ông tổ chỉ cho mình tới đó.
Nghệ sĩ Bạch Long - ảnh trong bài do nhân vật cung cấp. |
Tôi không trách. Tụi nó con nít biết gì. Thời của nó, đứa nào chả ham diễn ham hát. Thầy không hoạt động thì nó phải sang đoàn khác thôi. Lúc đó Đồng Ấu bị ngưng hoạt động 1 thời gian, đoàn khác mời, tụi nó về xin tôi cho đi.
Tụi nó là con cá quen dòng nước nhỏ, được bơi thỏa chí với sức nó. Tới vùng nước lớn bơi không nổi. Bên đây đồng trang lứa, diễn đã lắm. Qua đoàn người lớn phức tạp.
Ở bên đây thầy sắp xếp cho hết, đứa này hát cái này, đứa kia hát cái kia. Nó chỉ biết tập trung cho vai diễn thôi. Qua kia phải ứng phó với đời nữa, chịu không nổi, bị họ dập. Vũ Luân đi ra ngoài bị dập về méc tôi.
Học trò tôi ai cũng tôn sư trọng đạo. Với lại tôi không đòi hỏi gì về vật chất, chỉ cần 20/11 cầm cái phone hỏi thăm thầy 1 tiếng là được. Ra ngoài, có người hỏi, tụi nó còn nhớ là học trò của ông thầy Bạch Long. Vậy là tôi vui rồi!
Còn chuyện nghệ sĩ ưu tú hay nhân dân, thực lòng tôi không quan trọng. Cuộc đời tôi đi hát chỉ quan tâm và sợ mất một điều thôi, đó là cái duyên sân khấu.
Tôi rất sợ bước ra sân khấu mình không còn duyên, mình nói không ai cười. Tôi đi ăn, có người khách ái mộ trả tiền cho tôi hồi nào không biết. Cái đó mới quý, vì mình sống trong lòng người dân, họ thương mình. Danh hiệu chỉ là ảo thôi, có cũng được, không có cũng không sao.
Những lần tôi đi tỉnh hát, về Châu Đốc, Tiền Giang, Cai Lậy, Cần Thơ… tới đâu cũng được bà con yêu mến.
Có lần tôi hát ở một ngôi chùa nghèo tại Sa Đéc, Đồng Tháp - đó là kỷ niệm tôi nhớ hoài. Lần đó, tôi bỏ tiền nhà để mướn xe, âm thanh đưa tụi nhỏ xuống hát.
Kế chùa có dòng sông và cây cầu tre. Tối khán giả đứng nghẹt sân chùa, cầu, dưới sông là ghe. Tối đó không diễn được vì chính quyền sợ gẫy cầu, cứu không kịp vì toàn bà già con nít nhiều lắm… phải chuyển qua diễn buổi sáng ngày hôm sau.
Khán giả không chịu về. Họ bảo cho họ vô gặp Quách Hải Thọ (cậu bé nuôi bà mẹ bị mù - vai diễn nổi tiếng của nghệ sĩ Bạch Long những năm thập niên 80-90 thế kỷ trước - pv).
Lúc đó tôi ngồi trong phòng mấy ông sư, có cửa sổ. Khán giả xếp hàng đi vòng qua cửa sổ chỉ để nhìn tôi và cho quà như chuối, bánh tét.. rồi về.
Mấy cô bác lớn tuổi bẹo má nựng tôi rồi hỏi, mày ở ngoài có hiếu giống trên ti vi không? Dễ thương lắm. Mấy anh thanh niên dẫn tôi tới nhà họ ăn uống, thịt gà vịt thiết đãi nồng hậu, vui lắm. Lúc về họ khóc luyến tiếc…
Nghệ sĩ Bạch Long thời trẻ. |
Chuyện về người đàn bà được… ma nuôi
Đồng Ấu tan rã năm 1996, năm 2000 tôi về Idecaf theo lời mời của ông bầu Huỳnh Anh Tuấn. Lúc đó tôi thất nghiệp 4 năm trời. Tiền trong nhà ra hết. Tôi đắp hết vào Đồng Ấu nên trắng tay. Tôi tháo cái đồng hồ đưa đệ tử đi cầm. Nó đem về cái đồng hồ và để 300.000 đồng trước mặt tôi.
Nó nói con mới đi làm bảo vệ được 500.000 đồng, thầy cứ lấy 300.000 xài đỡ, chừng nào thầy có thầy trả con.
Nó bước ra là tôi ngồi khóc. Sao cuộc đời tôi nó bi kịch vậy. Tôi đốt nhang bàn thờ Tổ và khấn: "Ông Tổ ơi, ông cho con cái nghề hát, con chỉ biết làm cái nghề này thôi, ngoài ra con không biết làm một cái gì hết. Giờ con không đi hát, con lấy tiền đâu con ăn, tiền đâu con sống. Ông Tổ mà không cho con đi hát thì con tự vẫn. Con xài hết 300.000 này con trắng tay rồi"! Lúc đó trong đầu tôi nghĩ quẩn là sẽ tự vẫn…
Cuộc đời tôi ngộ lắm, tôi muốn gặp người đàn bà này mà không gặp được. Tôi nghĩ là Phật sống giục người đàn bà đó tới cản tôi tự tử.
Hồi đó tôi ở trong đình Thái Hưng (nay là góc đường Trần Hưng Đạo – Yersin). Lúc đó có người đàn bà tới kiếm tôi. Bà ấy kéo ghế ngồi trước mặt tôi. Bà ấy chỉ thẳng vô mặt tôi nói: "Thôi nha, đừng có suy nghĩ bậy bạ. Cuộc đời cậu còn sáng lắm, cậu không khổ bằng tôi đâu".
Rồi bà ấy kể cuộc đời bả: Tôi có bầu, chồng tôi nghe lời mẹ chồng nói cái bầu đó không phải của chồng, biểu chồng ly dị tôi. Chồng tôi nghe lời ly dị.
Tôi tứ cố vô thân, không có bà con họ hàng nào ở đất Sài Gòn này. Tôi sinh con xong, đem con vô gò mả ở. Tối ma nó nhát tôi. Tôi nói, thôi mày giết chết mẹ con tôi đi khỏi nhát, tôi chán đời lắm rồi.
Ma nuôi mẹ con tôi. Tối ma nó lấy đồ người ta cúng đem cho mẹ con tôi ăn. Cậu không khổ hơn tôi đâu. Một hôm ra đường, tôi thấy ánh đèn tuýp nhỏ xíu, tôi theo đó đi tới, thấy xe hủ tíu, tôi lại xin người ta cho tôi rửa chén để tôi nuôi con. Người ta chấp nhận.
Giờ con tôi học đại học, có công ăn việc làm. Gia đình tôi cũng không đến nỗi nào. Tôi nói vậy thôi, cậu phải hiểu... Rồi bà đó đi ra.
Tôi ngồi nghĩ, sao bà đó đọc được suy nghĩ mình muốn tự vẫn. Không lẽ Phật sống cho bà ấy tới khuyên mình? Từ đó tôi quên đi chuyện tự vẫn.
Trải qua nhiều mối tình, nghệ sĩ Bạch Long giờ sống một mình trong một ngôi nhà thuê ở quận Bình Thạnh. |
Những cuộc tình dang dở…
Đời tôi không chỉ gặp nhiều rủi ro trong nghề nghiệp mà tình duyên cũng không ít trắc trở. Yêu ai cũng không thành và thú thật, các cuộc tình của tôi đều chia tay một cách… "lãng xẹt"!
Mối tình đẹp nhất trong đời tôi là năm 20 tuổi. Cô gái ấy bán café trước rạp Long Phụng (giờ là rạp Công Nhân – Trần Hưng Đạo). Hồi đó tôi toàn đóng vai quân sĩ chạy cờ, lương không bao nhiêu.
Cô ấy để ý thương tôi, lân la tìm hiểu rồi qua nhà chơi với mẹ tôi, chăm sóc mẹ tôi như mẹ cô ấy vậy. Từ cái nghĩa tình đó mà 2 đứa yêu nhau.
Năm tôi 24 tuổi mẹ tôi bệnh nặng lắm. Nhà tôi không có tiền, cô ấy phải đập ống heo để dành làm đám cưới để chữa bệnh cho mẹ tôi. Sau đó mẹ mất, tôi cảm thấy cô đơn lắm vì nhà chỉ có 2 mẹ con.
Đùng một cái, ba cô ấy xuất hiện và mời tôi đi uống café. Ba cô ấy nói: "Cậu lấy con tôi, cậu làm gì nuôi nó. Tôi không đồng ý cho cậu lấy nó". Ông ấy nói đúng, cha mẹ nào không lo cho con mình.
Lúc đó tinh thần tôi suy sụp rồi nhưng nghĩ may mắn còn có người yêu nhưng cũng mất luôn.
Tôi nói chuyện với cô ấy. Lúc đầu cô ấy không chịu chia tay nhưng đùng một cái, cô ấy mang thiệp cưới tới mời. Lúc đó tôi đau thật, đau lắm!
Mất mẹ, mất luôn người yêu, tôi có nhà mà vẫn bơ vơ. Tối đó đi diễn làm mặt mà nước mắt tôi cứ chảy hoài, tôi phải làm đi làm lại 3 lần.
Tôi tự an ủi rằng cô ấy nợ mẹ tôi chứ không phải tôi. Trời Phật khiến duyên cô ấy gặp tôi nhưng khi cô ấy trả xong cho mẹ tôi rồi là thôi.
Tuy chưa cưới nhau nhưng chúng tôi sống với nhau như vợ chồng. Vậy mà chỉ còn có chút xíu thôi, sao cô ấy không cố vượt qua mà để cuối cùng 2 đứa phải chia tay?
Năm 30 tuổi, tôi mới quen 1 người khác nhưng rồi cũng chia tay một cách vô lý lắm. Đang quen nhau tự nhiên bẵng đi vài tháng không liên lạc, người ta làm đám cưới với người khác.
Tôi quen ai cũng đều chia tay kỳ cục và lãng xẹt như thế. Tôi nghĩ, cái số tôi nó thế thì đành chịu chứ biết làm sao!
Tử vi nói tôi không có "ngôi gia", tôi thấy đúng. Hồi đó mẹ tôi có cái nhà mặt tiền, sau bị giải tỏa, mất nhà. Tôi cũng không có một gia đình đúng nghĩa.
Đến bây giờ, tôi không có gì để nuối tiếc hết. Nhà cửa không, vợ con không, sống vậy tiếc làm chi! Phải chi có vợ con, của cải… Đằng này, tôi chẳng có gì!
Theo Tri Thức Trẻ