Có nên dừng chương trình Vietnam Idol sau 10 mùa phát sóng?

Thứ năm, 29/09/2016, 15:18
Mới đây, khi thông tin "American Idol" - một trong những chương trình truyền hình thực tế ăn khách số 1 nước Mỹ và là “lò” đào tạo ca sĩ hàng đầu thế giới sắp bị xoá bỏ đã khiến không ít người hoang mang. Nhiều người cũng đặt ra câu hỏi “Việt Nam có nên xoá sổ chương trình này khi đã không còn hấp dẫn?”

Theo tác giả Daniel D'Addario - người có bài viết về American Idol trên trang Salon thì cuộc thi “Tìm kiếm thần tượng âm nhạc nước Mỹ” đã “hết thiêng” từ đầu những năm thập niên 2010 và kết thúc vào năm 2015 là điều khá hợp lý. Một trong những lý do khiến cho Idol “thất sủng” tại Mỹ là bởi vì format cũ kỹ không còn hấp dẫn người xem. Bên cạnh đó, sự nổi lên của nhiều chương trình truyền hình thực tế hấp dẫn và mới lạ cũng khiến cho American Idol không thể "bám sóng".

Nhiều người cho rằng, trải qua 10 mùa giải, Vietnam Idol đang bị “giảm nhiệt” trầm trọng khi đi theo lối mòn của American Idol khi không có gì mới mẻ ngoài format đã cũ. Ngoài ra, với sự ra đời của những cuộc thi ca hát khác như: Giọng hát Việt, Nhân tố bí ẩn và các chương trình mang tính tạp kỹ… cũng khiến Vietnam Idol cũng bị đẩy vào cuộc chiến tỷ suất người xem và dần lép vế. Trước thực tế này, nhiều người đặt ra câu hỏi: “Phải chăng đã đến lúc Vietnam Idol nên ngừng sản xuất?”.

Vietnam Idol bị cho là đã giảm nhiệt và cần phải xoá bỏ?.

Phóng viên đã liên hệ với bên công ty BHD - Đơn vị sản xuất chương trình này nhưng vẫn chưa nhận được phản hồi chính thức. Tuy nhiên, khi đặt câu hỏi với một số giọng ca từng đạt được ngôi vị cao ở cuộc thi này thì mỗi người đều bày tỏ những quan điểm khác nhau.

Ca sĩ Uyên Linh cho rằng, các chương trình truyền hình thực tế ở Việt Nam nói riêng và các nước trên thế giới nói chung, sau nhiều mùa giải phát sóng đều sẽ rơi vào tình trạng này, không riêng gì Idol. Đặc biệt, Vietnam Idol đã gần được 10 năm thì việc lượng khán giả theo dõi giảm sút và chia sẻ với các chương trình khác là không tránh khỏi.

“Tuy nhiên, truyền hình thực tế là cuộc chơi của các nhà sản xuất, của những CEO, nhà tài trợ… và kèm theo hàng nghìn con người. Giả sử một chương trình nào đó đi đến hồi kết thúc thì có chăng là nó chỉ thay da đổi thịt, mang tên gọi mới, còn bản chất và tính chất giải trí của nó vẫn như vậy. Tôi cho rằng, các nhà sản xuất đủ tỉnh táo và thông minh để "chuyển đổi", giữ vững cho nguồn tiền và thu nhập cho hàng nghìn con người. Họ không phải là những cá nhân đơn lẻ kém xuất chúng. Riêng về Idol, chừng nào có thông báo dừng chính thức, chừng đó chúng ta vẫn chưa biết trước”, Uyên Linh nói.

Quán quân Vietnam Idol 2010 cho rằng, nếu việc “xoá sổ” Vietnam Idol diễn ra trong nay mai thì cô sẽ rất tiếc vì cô theo dõi rất kỹ chương trình này và có những tình cảm riêng dành cho nó.

“BHD đủ thông minh để có những chương trình khác ăn khách hơn. Nhưng hãy nhớ một điều, chúng ta ở bên ngoài đánh giá chủ quan là một lẽ, còn lại có rất nhiều điều chúng ta không biết tường tận. Với tư cách là người hoạt động trong ngành giải trí được vài năm, tôi biết một điều rằng, nếu những nhà tài trợ, những tập đoàn vẫn còn đổ tiền vào thì một chương trình thực tế vẫn tiếp tục duy trì như thường”, Uyên Linh tin tưởng.

Uyên Linh trở thành giọng ca được yêu thích khi bước ra từ Vietnam Idol 2010

Giọng ca này cũng cho rằng, không hẳn mùa giải nào gần đây của Vietnam Idol cũng bị “giảm nhiệt”. Bằng chứng là Vietnam Idol 2015 đã phát hiện ra giọng ca Trọng Hiếu.

“Có một điều không thể phủ nhận là lứa ca sĩ bước ra từ Idol nội lực rất tốt, tính riêng với những mùa giải do BHD sản xuất có Văn Mai Hương, Trọng Hiếu rất thành công về mặt "combo" tức ca sĩ hát hay cộng hình ảnh đẹp. Về mặt giọng hát và hoạt động âm nhạc "tầng sâu" có Hoàng Quyên, Trung Quân, Bích Phương. Tôi nghĩ, quan trọng là khép lại mùa giải, các thí sinh sống được với nghề. Còn so sánh tương quan lượng xem khán giả giữa các chương trình với nhau thì chỉ là một mặt của vấn đề. Có những chương trình rất “hot” nhưng thí sinh sau đó không được khán giả quan tâm”, Uyên Linh nói thêm.

Á quân Vietnam Idol 2012 - Hoàng Quyên cũng cho rằng, Vietnam Idol là một sân chơi cho tất cả mọi người chứ không hẳn là “lò” đào tạo ca sĩ như nhiều nghĩ. Khán giả đến với Vietnam Idol cũng với tinh thần giải trí cao nên chúng ta không nên quá khắt khe về tính nghệ thuật.

Vì lẽ đó, theo Hoàng Quyên, Vietnam Idol vẫn là điều tích cực cho những ai muốn mang giọng hát của mình đến khán giả và cho những khán giả vẫn luôn yêu thích chương trình truyền hình này.

Hoàng Quyên và Thanh Bùi trên sân khấu Vietnam Idol 2012.

“Tôi đã từng đến với Vietnam Idol và đó là một chuyến đi nhiều trải nghiệm. Tôi và các bạn ca sĩ trẻ khác có khán giả của mình từ cuộc thi này. Vietnam Idol cho tôi một sự khởi đầu tốt để tôi đến với hành trình làm nghệ thuật lâu dài. Với tôi, ê-kíp Vietnam Idol là những người giỏi nhất và mong muốn đem đến không gian âm nhạc tốt nhất đến khán giả. Chương trình vẫn tiếp tục chạy trên sóng truyền hình vì đông đảo khán giả vẫn yêu thích. Tôi nghĩ chỉ khán giả của Vietnam Idol mới quyết định số phận của chương trình này, những ai không thích thì lại càng không thể bi quan mà nói rằng “Hãy dừng lại!”, mỗi điều sinh ra đều có nơi để nó thuộc về”, Hoàng Quyên chia sẻ.

Bản thân Văn Mai Hương lại thẳng thắn thừa nhận rằng, đúng là so với những mùa đầu tiên, Vietnam Idol đã không còn quá “hot”. Nhưng là một trong những format tìm kiếm tài năng của nước ngoài được sản xuất đầu tiên tại Việt Nam, với hơn 10 năm phát sóng, rõ ràng chương trình vẫn có dấu ấn và ít nhiều là một thương hiệu giải trí quan trọng.

“Chương trình nào cũng thế thôi, những mùa đầu khán giả hào hứng, mùa sau sẽ bớt nóng và khi càng có nhiều format mới cạnh tranh thì sức hấp dẫn sẽ không đều nữa. Với tiêu chí tìm những gương mặt mới, từ vô danh thành Idol, Vietnam Idol có sự khó khăn khi mà những gương mặt tài năng không nhiều, trong khi lượng thí sinh bị chia sẻ bởi các cuộc tìm kiếm khác. Nhưng những mùa vừa qua, vẫn cho thấy có những nhân tố hấp dẫn, như Trọng Hiếu là một ví dụ”, giọng ca gốc Hà Nội nói.

Văn Mai Hương khẳng định, Vietnam Idol vẫn còn giá trị khi còn khán giả.

Theo Văn Mai Hương, không chỉ Idol, tất cả các cuộc thi khác đều có sự “hên xui” vì nhân tài có thể xuất hiện bất cứ lúc nào nhưng cũng có thể tìm mãi mà không thấy. Điều cô cảm thấy tiếc nuối nhất chính là sau cuộc thi các ca sĩ chưa thực sự có cơ hội để phát triển.

“Vài năm gần đây, các chương trình truyền hình trực tiếp nở rộ nên sân khấu biểu diễn gần như bị bão hòa. Các thí sinh rời cuộc thi là rất chật vật để tìm chỗ đứng trên thị trường âm nhạc. Chỉ có rất ít ca sỹ trẻ có bài “hit” ngay sau cuộc thi để đẩy mình vào guồng quay chung của thị trường, thành ra không hiếm những thí sinh được giải cao rồi vẫn chẳng có show diễn. Tôi nghĩ rằng, việc ngừng sản xuất hay không không phải là vấn đề quá nghiêm trọng. Vấn đề lớn nhất là mỗi format có một tiêu chí và sẽ có lượng khán giả của riêng mình. Nếu còn khán giả thì vẫn sẽ tồn tại được. Quy luật của thị trường rất khắc nghiệt, nếu chương trình không có rating chắc chắn chẳng có nhà sản xuất nào làm và cũng chẳng có nhà tài trợ nào bỏ kinh phí hết. Chúng ta nên nhìn mọi việc ở trạng thái cân bằng, sẽ thấy rằng, cái gì tồn tại cũng đều có những nhân tố hợp lý của nó”, Văn Mai Hương phân tích thêm.

Theo Dân Trí

Các tin cũ hơn