Giới nghệ sĩ thường gọi Tấn Beo bằng cái tên thân mật “anh Ba”, ngoài sự thân thuộc, gần gũi thì cụm từ ấy còn gắn liền với thứ “quyền lực ngầm” mà ai cũng trân trọng anh.
Mỗi khi ai gặp chuyện không giải quyết được, họ thường được nghe “gọi anh Ba Beo đi”. Cũng bởi vậy, nghệ sĩ sinh năm 1970 nghiễm nhiên có biệt danh “đại ca hè phố”.
Tấn Beo sống bình dị, thân thiện nên người bán vé số cũng thân thiết với anh. Ảnh: Nguyễn Bá Ngọc. |
- Người trong giới bảo anh sống rất nghĩa hiệp nên mới có biệt danh “anh Ba Beo”, điều này cũng ngầm thể hiện “quyền lực” của anh trong showbiz. Anh nói thế nào về chuyện đó?
- Tính tôi từ xưa đến giờ vẫn vậy, không thích màu mè hay phô trương. Nghệ sĩ diễn trên sân khấu vốn đã không thật rồi, về nhà phải cởi vẻ ngoài ra để cuộc sống thoải mái hơn. Tôi nhớ ngày xưa diễn xong ra dắt chiếc xe đạp về, bà con vỗ tay khen quá trời, mình về mất ngủ cả đêm vì hạnh phúc.
Tôi có thể tự tin nói, từ anh em nghệ sĩ đến khán giả, tôi chưa hề mích lòng ai. Giới đồng nghiệp, từ đàn anh đến đàn em, nếu gặp khó khăn tôi đều sẵn lòng giúp đỡ. Tôi không thích lên báo vỗ ngực xưng danh về điều đó, nhưng cách tôi làm lại thiết thực hơn.
Khán giả cũng thường xuyên gọi cho tôi, họ bảo ngày xưa Tấn Beo lưu diễn có ăn cơm nhà anh chị, nay họ vào Sài Gòn làm ăn và gặp khó khăn nên tìm đến tôi. Có thể tôi không giúp họ được nhiều, nhưng phải gặp và mời họ miếng cơm.
Ngày xưa mình ăn được thì giờ phải trả tử tế. Có nhiều người tôi còn không nhớ nhưng họ đã tìm đến mình thì nhất định mình phải làm tròn ơn nghĩa ấy.
Có thể tôi không giàu tiền bạc bằng người ta nhưng tình nghĩa đủ nuôi sống tôi cả đời này. Song, tôi không thích kiểu bành trướng thế lực, ép nhà sản xuất hay nghệ sĩ phải làm theo ý mình. Tôi sống thế nào, mọi người đáp lại thế đấy, khi gặp nhau ai cũng gọi bằng “anh Ba Beo” là vì thế.
- Trước khi Hoài Linh về nước, Tấn Beo vẫn là nghệ sĩ hài được yêu thích nhất lúc bấy giờ. Mối quan hệ của 2 người thế nào khi cạnh tranh trong cùng lĩnh vực?
- Thời điểm Hoài Linh về nước, tôi luôn sát cánh từ công việc đến cuộc sống. Hàng ngày, tôi vẫn chở Hoài Linh đi diễn bằng xe máy, tìm mảnh đất mua nhà vì Linh muốn định cư ở Việt Nam.
Hoài Linh vẫn thường nói luôn kính trọng “anh Ba” dù sau này anh em ít gặp lại. Nhưng không riêng gì Hoài Linh đâu, Vân Sơn hay Quang Minh – Hồng Đào khi về nước cũng tìm đến tôi. Lúc đó và bây giờ, tiếng nói của tôi vẫn có giá trị nên làm việc gì cũng thoải mái.
Những người thân thiết đều gọi anh bằng tên thân mật "anh Ba Beo". Ảnh: Nguyễn Bá Ngọc. |
- Nhưng ngày trước khi anh tuyên bố trả nợ cho Phước Sang, người ta bảo đó chỉ là nói đùa. Anh giải thích thế nào?
- Tôi với Phước Sang quen nhau từ thuở còn cơ hàn, nhóm chúng tôi khi đó còn có Lê Công Tuấn Anh và Lê Tuấn Anh. Mối quan hệ của chúng tôi hơn tình bạn, có thể nói tình thân như thủ túc. Khi Phước Sang phất lên, tôi mừng cho em út, vì tôi cũng góp phần giúp nó làm nên sự nghiệp. Sau này thất bại, tôi cũng không bỏ rơi em út khi hoạn nạn.
Ban đầu khi nghe câu này tôi rất khó chịu, không biết người nói câu đó là ai. Nhưng tôi có giúp được Phước Sang hay không thì chỉ cần tôi, chủ nợ và nó biết được rồi. Tôi không có 2 tỷ đồng giúp Phước Sang trả nợ ngay tức khắc nhưng tôi trả dần và mong muốn chủ nợ đừng làm phiền nó nữa. Tôi giúp đỡ trong khả năng của mình, với người khác cũng vậy, tôi san sẻ một ít chứ không gánh hết được.
Tấn Beo giờ chuyển sang làm phim cùng với những người bạn. Ảnh: Nguyễn Bá Ngọc. |
- Vậy còn việc Tấn Beo được mệnh danh là cứu cánh của đoàn phim khi vào phút cuối mà có ai bỏ vai, anh sẵn sàng đóng thế vai đó?
- Tính tôi khá thoải mái, vì ngoài việc đóng phim có thu nhập, mình cũng sống nghĩa tình. Tôi thường nhận vai khi diễn viên kẹt show hoặc từ chối vì vai khó. Nhưng tôi nghĩ điều đó cũng đâu quá nghiêm trọng.
Theo Zing