Thanh Bình kể về giây phút Ngọc Lan từ chối đẻ mổ con trai 4kg

Thứ sáu, 10/02/2017, 10:07
Đau chuyển dạ hơn một ngày nhưng cô vẫn quyết sinh thường.

Ngọc Lan chịu đựng cơn đau chuyển dạ kéo dài một ngày rưỡi để sinh thường con trai nặng 4kg. Ảnh: NVCC.

- Con trai chào đời đã được vài ngày tuổi, cảm xúc làm cha của anh bây giờ như thế nào?

- Từ khi biết vợ có em bé, tôi rất hạnh phúc và đã chuẩn bị tâm lý để làm cha. Tuy nhiên, đến lúc tận mắt nhìn thấy con chào đời, tôi có cảm giác từ trước đến nay chưa hề trải qua: hãnh diện, vỡ oà và rất thiêng liêng. Tôi biết bắt đầu từ giây phút ấy, hai vợ chồng không chỉ đơn giản là yêu nhau nữa mà còn có trách nhiệm chung đến hết cuộc đời.

- Hiện tại, sức khỏe của vợ và con trai anh ra sao?

- Hai mẹ con rất khoẻ và đã xuất viện. Lan vẫn được bác sĩ theo dõi và đã bắt đầu cho em bé bú sữa mẹ. Sinh thường nên mẹ con Lan ở hai đêm trong viện là được về nhà. Bên đó họ ít kiêng cữ như ở Việt Nam và chỉ dặn Lan không khiêng vác nặng trong 6 tuần sau sinh. Em bé do nặng cân nên chỉ mới vài ngày mà trông cứng cáp như ngoài tháng. Cá nhân tôi thấy con có nhiều nét cau có nhíu mày giống mẹ, còn Lan lại cho rằng bé rất giống ba. Phải chờ bé ra tháng mới nhận xét kỹ xem bé giống ai nhiều hơn.

Ngay từ khi con mới sinh và vẫn trong bệnh viện, tôi đã quan sát cách các hộ lý, y tá ở đây chăm sóc bé rồi bắt chước. Tôi cũng tìm hiểu trên mạng để bổ sung kiến thức chăm mẹ và bé. Tôi muốn tự tay thay tã, quấn khăn ngủ cho em bé. Do là người tỉ mỉ nên tôi thấy việc này không khó như lúc đầu tưởng tượng. Duy có điều, giờ giấc thay đổi nên đã ba ngày đêm, tôi chưa ngủ giấc nào quá hai tiếng. Đúng là hơi vất vả nhưng tôi phải tập làm quen thôi.

- Trong chia sẻ trên Facebook, anh viết hai vợ chồng đã lo lắng suốt 36 tiếng trong bệnh viện, đến nỗi Ngọc Lan phải tiêm thuốc giảm đau trước một ngày, còn anh thức trắng đêm để chăm sóc vợ. Hành trình đi đẻ của vợ chồng anh còn những gian nan gì?

- Lan bắt đầu chuyển dạ cho tới lúc sinh là 36 tiếng. Em bé khá to khiến Lan đau hơn những ca sinh thường khác. Chúng tôi nghĩ sinh thường sẽ tốt cho bé nên trước đó, hai vợ chồng bàn bạc là hãy để mọi thứ tự nhiên nhất có thể. Thấy Lan quá đau, tôi có ý định chuyển qua sinh mổ, nhưng cô ấy nhất quyết sinh thường. Trước đây, tôi nghĩ Lan chịu đau không giỏi, nhưng sau lần này, tôi tin một điều, cô ấy rất bản lĩnh.

Tôi xót khi thấy vợ đau đớn quá lâu do quá trình chuyển dạ kéo dài một ngày rưỡi. Ông chồng nào rồi cũng trải qua cảnh chăm sóc bà bầu, rồi thức đêm chờ con ra đời, chỉ khác là chuẩn bị tâm lý thế nào để chuyện đó thật ý nghĩa. Riêng tôi thấy 36 tiếng chờ đợi có mệt nhưng rất đã.

Thanh Bình cho biết con trai mới vài ngày tuổi nhưng trông cứng cáp như ngoài tháng. Ảnh: NVCC.

- Năm 10 tuổi, anh từng chứng kiến mẹ một mình sinh nở, giờ là ở bên vợ lúc vượt cạn. Nhìn vợ chịu đựng và vượt qua những cơn đau, là người chồng, người cha, anh muốn chia sẻ điều gì?

- Phụ nữ mang thai hơn 9 tháng đã nặng nề, kiêng khem đủ thứ, đến lúc chuyển dạ sinh con lại đau đớn thể xác kinh khủng lắm. Nên là đàn ông, đã là chồng, hãy hiểu rõ điều đó. Tôi tin khi đã thấu hiểu sự hy sinh của người phụ nữ, chẳng có lý do gì chúng ta không trân trọng và yêu thương họ hơn.

- Ấn tượng về bệnh viện ở Mỹ, nơi vợ anh vượt cạn, là gì?

- Tôi chưa có kinh nghiệm nên cũng khó đưa ra nhận xét nhưng có nhiều điều hoàn toàn trái ngược với kinh nghiệm dân gian mà trước đó tôi đọc được khi còn ở Việt Nam. Đến lúc Lan chuyển dạ, tôi chỉ nghĩ đến sức khoẻ của vợ nên không để ý nhiều xung quanh. Tôi nghĩ bệnh viện nào cũng đều muốn tốt cho bệnh nhân của họ.

Bác sĩ ở bệnh viện nơi Lan sinh kỹ càng lắm. Sau khi Lan vượt cạn, cách hai tiếng họ lại vào kiểm tra mẹ và bé. Chuyên gia về sữa tư vấn, hướng dẫn các vấn đề liên quan đến sữa mẹ; bác sĩ của bé kiểm tra tổng quát, còn tiêm phòng lại là người khác phụ trách. Có đến 10 người thay phiên nhau chăm sóc sản phụ. Mấy ngày đầu Lan chưa có sữa, họ nhất quyết không cho bé bú sữa dặm. Họ theo dõi và biết Lan sắp có sữa về nên cứ kêu cho em bé bú. Lan đi sinh chỉ mặc một bộ đồ, còn lại tất cả đều có trong bệnh viện. Tôi ở đây để động viên vợ con về mặt tinh thần vì mọi việc đã có bệnh viện lo.

- Trước khi sinh, Ngọc Lan sang Mỹ để dưỡng thai. Trong thời gian ở Mỹ, cô ấy được chăm sóc như thế nào?

- Từ khi qua đây, Lan mới thực sự được dưỡng thai vì khi ở Việt Nam, bà xã vẫn phải quay liên tục để hoàn thành vai diễn dang dở. Chúng tôi lên kế hoạch rõ ràng, rảnh rỗi thì đọc sách, lên mạng tìm hiểu thêm kinh nghiệm. Họ hàng ở Mỹ của tôi đông lại rất thương vợ chồng tôi. Khi chúng tôi qua đây thăm gia đình kết hợp nghỉ dưỡng thai, họ dành gần như tất cả những điều kiện tốt nhất cho hai vợ chồng.

- Anh chị chuẩn bị gì trước khi đón con ra đời?

- Lan hầu như bị stress trong giai đoạn cuối. Cô ấy là người lo xa, đôi khi một cách bất thường. Tuy nhiên, tôi nghĩ tâm lý người sắp làm cha mẹ lúc nào cũng vậy. Cũng giống như bao người khác, chúng tôi dành mọi thứ tốt nhất cho thiên thần sắp chào đời, từ quần áo đến vật dụng. Với cá nhân tôi, điều quan trọng nhất là chuẩn bị tinh thần cũng như trách nhiệm để bắt đầu bước ngoặt lớn trong đời, đó là làm cha làm mẹ.

- Vợ chồng anh dự định sẽ ở Mỹ bao lâu mới đưa con trai về Việt Nam ra mắt người thân và họ hàng?

- Trong chuyến đi vừa rồi, chúng tôi có những dự định về công việc nên hiện giờ tôi sẽ sắp xếp thời gian để đưa em bé về sớm nhất có thể. Tuy nhiên, em bé cần cứng cáp hơn mới có thể bay chặng dài được.

Từ lúc con chào đời, ông bố trẻ chưa ngủ giấc nào quá hai tiếng. Ảnh: NVCC.

Theo Ngôi Sao

Các tin cũ hơn