Công ty quản lý nhóm nhạc: Đầu tư lớn, rủi ro nhiều

Thứ sáu, 03/03/2017, 10:37
Với số lượng thành viên lớn, mô hình nhóm nhạc đòi hỏi chi phí rất cao. Thế nhưng, thu nhập họ nhận được lại không khác ca sĩ solo, dẫn đến nhiều rủi ro trong việc thu hồi vốn.

Một trong những vấn đề gây tranh cãi nhiều nhất trên mạng xã hội những ngày qua là thỏa thuận ăn chia thu nhập giữa công ty quản lý và ca sĩ. Tỷ lệ 1:9 theo Erik tiết lộ khiến phía St.319 hứng chịu khá nhiều chỉ trích từ người hâm mộ.

Nếu chỉ nhìn vào con số thì đây quả là mức chênh lệch lớn. Tuy nhiên, quy trình vận hành của một nhóm nhạc cộng thêm yếu tố bên ngoài, đặc biệt là vấn đề cát-xê sẽ giải đáp cho câu hỏi tại sao lại là 1:9 thay vì tỷ lệ khác ít chênh lệch hơn.

Đầu tư mạo hiểm

Mô hình nhóm nhạc có ít nhất hai thành viên, đồng nghĩa với việc mọi chi phí bao gồm ăn uống, giảng dạy, nơi ở, di chuyển, trang phục… đều sẽ tăng lên so với ca sĩ solo.

Chưa kể, nhóm nhạc còn đòi hỏi sự đồng đều trong biểu diễn, vũ đạo tới phục trang... Để thực hiện được yêu cầu đó cần có quy trình đào tạo khắt khe kèm theo ê-kíp gồm nhiều thành viên như quản lý, người phụ trách truyền thông, trợ lý… đứng sau hỗ trợ.

Và cái giá phải trả cho bộ máy cồng kềnh đó đương nhiên cũng cao hơn so với những ca sĩ solo thường hoạt động đơn lẻ, hay cùng lắm là có thêm một quản lý và trợ lý.

"Nhóm nhạc gồm nhiều thành viên với thời gian hoạt động và tính cách khác nhau. Bởi vậy họ cần phải có một ê-kíp phía sau để kết nối và nắm bắt, sắp xếp lịch trình riêng cho từng người", Ông Cao Thắng nói về khó khăn lớn nhất khi anh quản lý các nhóm LipB và Uni5.

Nhóm nhạc LipB với 4 thành viên đòi hỏi đầu tư lớn về phục trang, chi phí đào tạo. Ảnh: Nguyễn Thành

"Chi phí trang phục nhóm nhạc thường cao vì đòi hỏi quần áo đặc biệt hơn, bao nhiêu người là bấy nhiêu bộ. Nhóm thì phải mặc tương tự nhau và đã mặc hai, ba lần là phải thay đổi. Có tháng phải thay trang phục đến bốn, năm lần", cô A - quản lý của một nhóm nhạc 4 thành viên đã tan rã vào năm 2016 - giải thích.

Báo Herald Economy từng tiết lộ trung bình một công ty Hàn Quốc đầu tư khoảng 2 tỷ won (hơn 40 tỷ VND) cho một nhóm nhạc. Đây là con số tính đến thời điểm ra mắt, còn sau đó công ty sẽ tiếp tục bỏ vốn nhiều hơn vào việc sản xuất sản phẩm mới, marketing, quảng bá cho nghệ sĩ…

Ở Việt Nam, các công ty quản lý cũng đang đi theo mô hình hoạt động của KBiz. Trong đó, công ty của Ông Cao Thắng ngoài huấn luyện các môn bắt buộc là thanh nhạc, vũ đạo và Anh ngữ còn giảng dạy cho thực tập sinh về khả năng tư duy, đàm phán, thuyết trình, giao tiếp trước đám đông… với sự hỗ trợ của đội ngũ giảng viên nước ngoài.

Với trường hợp Lime, công ty còn đưa nhóm đến Hàn Quốc đào tạo trong vòng một năm. Tại đây, nhóm được huấn luyện bằng đội ngũ và phương pháp nghiêm ngắt của nước này.

Các nhà sản xuất của Việt Nam từ chối tiết lộ con số cụ thể, tuy nhiên họ khẳng định số tiền bỏ ra cho một nhóm nhạc là không nhỏ. Thế nhưng đó chỉ là những khoản "hậu trường", còn lớn nhất phải kể đến số tiền đầu tư cho các sản phẩm âm nhạc.

Thu không bù chi

"Tốn kém nhất là chi phí đầu tư sản phẩm, một năm nhóm ra khoảng bốn MV và một album, trong đó mỗi MV tốn ít nhất 100 triệu tiền sản xuất, chưa kể các chi phí khó kể tên khác như quan hệ công chúng, quảng cáo…", quản lý A cho biết.

Thời gian qua, Lime vắng bóng tại Vpop để dành thời gian học tập tại Hàn Quốc. Ảnh: Facebook.

100 triệu là mức thấp nhất, còn trên thực tế có những sản phẩm tốn tới hàng tỷ đồng, ví dụ MV Baby Baby của Monstar hay MV Get on the floor của 365. Và đương nhiên, tất cả những khoản chi nói trên đều do công ty bỏ ra.

“Chúng tôi là công ty đào tạo - quản lý giống mô hình công nghiệp ở một số nước có ngành giải trí phát triển, ví dụ như Hàn Quốc. Có nghĩa chúng tôi đầu tư 100% để tạo ra ngôi sao từ con số 0”, Aiden - đại diện công ty St.319 - nói.

Theo quản lý A, chi phí đầu tư cho nhóm nhạc cao hơn ca sĩ gấp nhiều lần nhưng tiền cát-xê lại không được nhân theo số đầu người. Và đó là khó khăn lớn nhất với các nhóm nhạc.

Thời điểm La Thăng còn khá nổi tiếng năm 2015, cát-xê của nhóm khi hát tại các tỉnh là khoảng 25-30 triệu, còn tại thành phố lớn là khoảng 40 triệu. Với con số này, ông bầu của nhóm là Minh Tuấn cho biết thu nhập các thành viên tạm ổn nếu trừ đi mọi khoản đầu tư.

Tuy nhiên, đó là trường hợp La Thăng chỉ có hai thành viên, hoạt động nhiều năm, lại khá đắt show và lịch trình kín. Còn với những nhóm nhạc mới, cả giá cát-xê, hợp đồng quảng cáo lẫn số lượng show đều có thể thấp hơn con số mà quản lý của La Thăng tiết lộ rất nhiều.

Mới đây, trên trang cá nhân, nhà văn Gào - quản lý cũ của 365 - cho biết trong show đầu tiên, nhóm chỉ nhận được vỏn vẹn 500 nghìn đồng.

Nhóm nhạc 4 thành viên từng trải qua nhiều khó khăn trước khi đến được thành công hiện nay. Ảnh: Nguyễn Thành

Quay lại câu chuyện của giọng hát Sau tất cả, Aiden cho biết ngoài thời điểm cuối năm, Monstar chưa có nhiều lịch trình. Ngay cả thành viên nổi tiếng nhất là Erik cũng chỉ nhận hai, ba show mỗi tuần.

Như vậy, khi so sánh với 100 triệu hay thậm chí 1 tỷ sản xuất MV cùng vô vàn chi phí khác mà công ty bỏ ra, thu nhập các nhóm nhạc mang về trong thời điểm mới ra mắt thực chưa thấm vào đâu.

Đầu tư lớn, rủi ro nhiều

Nhóm nhạc là cuộc đầu tư thực sự mạo hiểm với các công ty quản lý và ăn chia thu nhập theo tỷ lệ 1:9 hoặc không trả lương như ở Hàn Quốc là cách họ hạn chế rủi ro.

Bởi vậy, không chỉ trường hợp đang gây tranh cãi gần đây giữa Erik và St.391, nhà văn Gào khẳng định ngày mới ra mắt, 365 và công ty của Ngô Thanh Vân cũng áp dụng tỷ lệ 1:9.

Thế nhưng, theo chia sẻ của cô, ngay cả khi nắm giữ 90% đó, nhiều công ty vẫn rơi vào tình trạng thua lỗ vì con số thực tế không là bao mà lại phải chia cho quá nhiều người gồm quản lý, nhân viên, giáo viên, trang phục…

Câu chuyện Monstar ra mắt một năm vẫn chưa thu hồi đủ vốn vì thế cũng không mấy kỳ lạ.

Hoạt động khá năng nổ trong năm qua, nhưng nhóm nhạc ba thành viên chưa thể đem về lợi nhuận. Ảnh: Hải An

Tỷ lệ 1:9 chung quy cũng xuất phát từ sự chênh lệch quá lớn giữa tiền đầu tư và thu nhập. Vì lẽ đó khi quyết định bước chân vào một nhóm nhạc, những giọng ca trẻ phải chấp nhận sự hi sinh công sức, nỗ lực trong khoảng một, hai năm đầu để đổi lại sự hỗ trợ của cả ê-kíp "vạch đường chỉ lối" và chăm lo trong mọi khâu.

Như nhà văn Gào viết trên trang cá nhân, vượt qua quãng thời gian "hồi vốn" và bắt đầu có lợi nhuận, các công ty sẽ bàn bạc lại hợp đồng và chia theo tỷ lệ phù hợp hơn. Chỉ có điều nó còn phụ thuộc vào sự kiên nhẫn của các thành viên và mức độ thành công của nhóm.

"Vấn đề quan trọng là 10% của bao nhiêu. Nếu là 10% của 1 tỷ cũng là lớn rồi. Ở showbiz Việt, việc dễ thua lỗ nhất chính là đầu tư nuôi 'gà', vì nghệ sĩ trẻ của chúng ta tính tình nghệ sĩ quá, các hợp đồng ràng buộc lại kém tính pháp lý", Linh Nguyễn - quản lý nhóm nhạc Lime, cho biết.

"Đầu tư vào ca sĩ nghĩa là mỗi năm chi một khoản khổng lồ cho một người/nhóm, chưa kể vận dụng hàng trăm mối quan hệ... Bạn nghĩ đầu tư nhiều rủi ro như vậy, thì công ty quản lý có xứng đáng nhận được nhiều hay không?", Linh Nguyễn đặt câu hỏi.

Theo Zing

Các tin cũ hơn

Liên kết hữu ích