|
Cảnh trong phim “Kong: Đảo đầu lâu”. |
Phim kể về một nhóm các nhà khoa học, kẻ phiêu lưu cùng binh lính nhận nhiệm vụ khám phá và khảo sát địa chất ở một hòn đảo bí ẩn ở Thái Bình Dương. Họ vô tình đối đầu với Kong, vị thủ lĩnh của hòn đảo. Các âm mưu đằng sau vỏ ngoài thám hiểm của chuyến đi dần được lé hộ. Bên cạnh mục đích tốt đẹp của một vài nhân vật là sự hận thù và mù quáng của những kẻ còn lại.
|
Sự kỳ vọng dành cho phim là rất nhiều, nhưng bộ phim chỉ mới làm mãn nhãn mà chưa thật sự đem lại nhiều cảm xúc cho người xem. Cuộc tập hợp lực lượng cho đoàn thám hiểm được kể nhanh chóng trong phần đầu chưa khiến người xem ấn tượng và quan tâm đến từng nhân vật. Và đến khi đoàn thám hiểm vượt qua một vài biến cố ban đầu, người xem bị phân tán về mặt cảm xúc, không biết nên thật sự tập trung vào xem nhân vật nào.
Bên cạnh đó, cảm xúc của các nhân vật dường như cũng có vấn đề rất lớn: họ dường như hoang mang, lo lắng, sợ hãi, tiếc thương, căm giận chưa đủ sau các biến cố. Sự rải rác và dàn trải của những tuyến nhân vật, cùng những trạng trái tâm lý lưng chừng khiến các tuyến nhân vật đánh rơi khán giả.
Gây thất vọng nhiều cho khán giả là nhân vật của Tom Hiddleston. Nam diễn viên nổi tiếng với vai diễn Loki trong loạt phim Thor có tất cả điều kiện cần cho một vai diễn hay: ngoại hình sáng và phong trần, vẻ mặt có chút tinh ranh và ma mãnh của một kẻ từng trải sau nhiều chuyến đi.
Thế nhưng vai diễn của anh có phần thiếu chiều sâu khi khán giả không thật sự thấy được những chuyển biến của anh, từ một người tham gia chỉ vì tiền bạc cho đến khi trở thành một anh hùng thật sự, được cảm hóa bởi lòng trắc ẩn của bản thân. Đôi lúc trong nhiều cảnh quay, người xem có thể cảm giác như Tom đang tạo dáng trước bối cảnh thiên nhiên hùng vĩ mà thiếu hẳn sự gần gũi, “sứt đầu mẻ trán” của một anh hùng thật sự.
Vai diễn của Brie Larson gây nhiều thiện cảm hơn cho khán giả nhưng vẫn đem lại cảm giác thiếu sự phát triển về tình cảm và tâm lý. Một chút cảm phục dành cho Kong chỉ thể hiện bằng một tình huống nhiều sắp đặt. Mọi mối dây cho liên kết thật sự dành cho Kong bị lướt qua. Một chút nảy nở về cảm xúc với nhân vật của Tom Hiddleston cũng hoàn toàn thiếu vắng.
So sánh với bộ phim King Kong (2005) của Peter Jackson, người xem có thể lý giải vì sao Kong: Đảo đầu lâu chưa thực sự thỏa mãn khán giả về mặt cảm xúc. Người xem mong chờ đâu đó một quái vật khổng lồ nhưng rất đời và rất người qua ánh mắt ứa lệ trong cách King Kong nhìn bạn diễn Naomi Watts ở bản phim 2005. Người xem hy vọng sẽ thổn thức qua mối liên kết thật sự giữa vai nữ chính trong phim và Kong. Họ chờ đợi một ánh mắt long lanh đầy cảm hóa, chưa thể gọi là yêu nhưng rất gần thế, xen lẫn chút sợ hãi của Naomi Watts.
Kong: Đảo đầu lâu đôi lúc sắp đem đến những cảm xúc đó, như chi tiết Kong tắm và rửa vết thương ở suối hay trong phân đoạn Kong nhấc chiếc máy bay lên. Chỉ tiếc đâu đó sự tinh tế vẫn chưa đủ để người xem cùng sợ hãi nhưng cùng cảm phục với cách ứng xử của nhân vật.
|
Phim Kong: Đảo đầu lâu gây nhiều thiện cảm với người xem ở những cảnh đẹp Việt Nam tưởng như rất quen mà lại rất lạ. Hình ảnh vịnh Hạ Long xuất hiện sau khi tốp máy bay vượt qua lớp mây mù và sấm sét vùng giông bão, cùng hòn đảo và vách núi xa xa đã được vẽ thêm bởi kỹ xảo, khiến người xem trầm trồ.
Rồi chúng ta lại ngất ngay với những vạt đất xanh ngắt cùng dòng sông uốn lượn trên nền vách núi như ẩn như hiện ở Quảng Bình. Thế nhưng cảnh thật đẹp cùng những cảnh kỹ xảo hoành tráng không vớt vát lại những thiếu hụt của các tuyến truyện và cảm xúc. Phim thiếu quá nhiều chất tình để người xem cảm thấy bất bình tột độ và thương yêu tột độ, để trở thành một bộ phim lớn hơn vỏ ngoài hoành tráng của bối cảnh và kỹ xảo.
Theo TTVH