Nghệ sĩ Trung Dân là ai mà khiến Hoài Linh, Trấn Thành phải nể phục?

Thứ hai, 15/05/2017, 10:43
Ghi dấu với hàng loạt vai diễn ấn tượng trên sân khấu, có vốn kiến thức uyên thâm, "quái kiệt làng hài Sài Gòn" Trung Dân khiến nhiều đồng nghiệp phải nể phục.    

Ngày 14/5, showbiz Việt dậy sóng khi nghệ sĩ hài Trung Dân chia sẻ bức xúc vì bị ca sĩ Hương Giang Idol có những lời lẽ xúc phạm trong một game show.

Lập tức, trên trang cá nhân hàng loạt nghệ sĩ Việt bất bình trước lời lẽ thiếu tôn trọng bậc cha chú của ca sĩ chuyển giới. Họ bênh vực hành động của nghệ sĩ hài gạo cội và dành cho anh sự chia sẻ, động viên.

Trung Dân - nghệ sĩ đa tài

Không nổi tiếng như Thành Lộc hay Hữu Châu, không phủ sóng nhiều chương trình như Hoài Linh nhưng Trung Dân có vị trí rất vững chắc trong làng nghệ thuật.

Đồng nghiệp nhắc tới anh là nhớ tới một nghệ sĩ chân chính, giản dị và khiêm nhường. Hơn tất cả, đó là sự trân trọng lớn lao dành cho tài năng và sáng tạo độc đáo của anh trên sân khấu.

Tên tuổi của Trung Dân gắn liền với nhiều vai diễn độc đáo trong các vở kịch nổi tiếng như Dưới bóng cây bồ đềTin ở hoa hồng, Anh chàng xỏ lá, Thuốc đắng giã tật, Bay trên cô đơn

Mỗi vai diễn đều được anh thổi hồn với diễn xuất sinh động và những câu thoại hài hước, thâm thúy. Vì thế Trung Dân từng giành giải thưởng gồm Cù nèo vàng năm 2005, giải HTV Awards 2008 và huy chương vàng tại hội diễn sân khấu kịch nói toàn quốc 2009.

Trên sân khấu nghệ sĩ Trung Dân hoạt ngôn và sáng tạo, còn ngoài đời anh là người chất chứa những suy tư về cuộc sống, nghề nghiệp. Không chỉ hết mình với từng vai diễn, anh còn đau đáu về kiếp sống khó khăn của người nông dân.

Anh nghĩ đến những vụ mùa thất thu, nỗi buồn khi nặn xâm lấn ở Đồng bằng sông Cửu Long... Phải có vốn sống, trải nghiệm cuộc sống phong phú mới giúp Trung Dân có những vai diễn sống động đến nhường ấy.

Không chỉ thể hiện tài năng trong vai trò diễn viên, Trung Dân còn là một cây bút sắc sảo, tinh tế. Anh từng viết nhiều vở kịch lấy nước mắt của khán giả như Lá sầu đâu, Bìm bịp kêu chiều, Tiếng vạc sành

Những vở kịch của anh khai thác câu chuyện đời thường, gần gũi nhưng mang nặng tâm sự nhân tình thế thái, bài học sâu sắc về tình cảm gia đình, tình người.

Trải lòng trong kịch chưa đủ, nghệ sĩ hài còn tìm niềm vui với những trang sách. Gia tài văn chương của anh hiện có thể đủ để in 4-5 tập truyện ngắn, tiểu thuyết.

Đó là những câu chuyện đời thường về người nông dân, văn hóa miền Tây khi anh chứng kiến khi đi diễn, làm việc. Đối với anh viết sách không nhằm mục đích trở thành nhà văn mà thỏa mãn và giãi bày nỗi lòng mình.

Trung Dân tự nhận mình làm nghề ung dung, tự tại, không bon chen và giành giật với ai. Cuộc sống của anh khi tấm màn khung khép lại không hào nhoáng mà đậm chất nông dân. Anh vui thú với mảnh vườn nhỏ trồng đủ loại rau, hoa phong lan trên sân thượng, vườn bưởi ở ngoại thành… Nếu không, anh lại thả hồn mình trong từng nét vẽ, bức tranh.

Ngậm ngùi trước những bất công

Nhiều nghệ sĩ tránh nói đến vấn đề tiêu cực trong showbiz, nhưng Trung Dân không ngại đụng chạm. Anh thẳng thắn nhắc đến điều chướng tai gai mắt bằng giọng ngậm ngùi, xót xa của người yêu nghệ thuật và tận hiến.

Chẳng hạn, đi ra mắt phim Đường đua, chứng kiến đàn em giả tạo khi trước mặt khen Hồng Ánh làm phim hay, sau lưng chê thậm tệ, Trung Dân đã bỏ về ngay lập tức. Anh tự nhủ sẽ không bao giờ dự những sự kiện như thế.

“Thời buổi này phải trẻ, đẹp, xàm thì mới tồn tại. Còn mình già, xấu, không hot, ai dòm, tới sự kiện làm chi?”, anh chia sẻ với Zing.vn về lý do hiếm khi đi dự sự kiện.

Không ít lần bị nhà sản xuất đối xử thiếu tôn trọng như không đưa tên, hình ảnh lên poster phim, Trung Dân cũng chỉ ngậm ngùi: “Mình già, xấu, không hot trên mạng nên người ta lãng quên là điều dễ hiểu”.

Đến khi sang nước ngoài biểu diễn, chứng kiến bầu show săn đón diễn viên trẻ, nổi tiếng, lạnh nhạt với những người qua thời, nghệ sĩ sinh năm 1967 đưa ra quan điểm: "Lúc đó, tôi ví mình chỉ là đám cá con, ròng ròng đi theo cá lớn. Tôi đi để cho biết xứ người ta nhưng sau này thì không bao giờ".

Trước đây, một thời gian dài Trung Dân bị nghi kỵ, hiểu lầm trong câu chuyện ân oán giữa thầy giáo cũ và một đồng nghiệp. Vì thế vợ con anh nhận những cuộc gọi nặc danh uy hiếp, sân khấu Idecaf - nơi anh cộng tác - cũng nhận được những cuộc gọi hăm dọa.

Buồn, suy nghĩ đến bạc tóc, anh không giải thích mà lặng lẽ rời sân khấu. Mỗi lần nhắc đến chuyện cũ, anh cho rằng đó là số phận. “Tử vi nói tôi có nhiều tiểu nhân bên cạnh. Có những kẻ mình không thèm đối đầu với họ. Không phải mình sợ mà thực sự là tôi khinh”, Trung Dân chia sẻ.

Khi đối diện với sự thiếu lễ độ, tôn trọng của Hương Giang Idol, thay vì dùng lời lẽ nặng nề với ca sĩ chuyển giới, Trung Dân xót xa, xấu hổ cho bản thân. "Tôi 50 tuổi rồi, không biết làm được bao nhiêu năm nữa nhưng gặp sự cố này tôi cảm giác bị thoái chí nhiều lắm. Bây giờ tôi chỉ muốn rút vô xó xỉnh nào đó cho yên thân", anh nói.

"Tôi cảm thấy xấu hổ vì game show không thuộc về mình. Được bao nhiêu tiền mà phải rơi vào hoàn cảnh khó xử như thế", nghệ sĩ Trung Dân giãi bày.

Hoài Linh, Trấn Thành nể phục tài năng của Trung Dân

Với lối diễn xuất biến hóa, ngôn từ phong phú và khả năng xử lý tình huống nhanh nhạy, Trung Dân được mệnh danh là "quái kiệt của làng hài miền Nam".

Ở tuổi 50, Trung Dân chứng minh "gừng càng già càng cay", lấn át, làm cho các nghệ sĩ trẻ phải lúng túng, đầu hàng khi tham gia chương trình Ơn giời, cậu đây rồi.

Trong tập 2 của chương trình, Trung Dân phá ngang kịch bản, tìm cách gỡ rối tài tình trước những mưu mẹo của trưởng phòng đầy chiêu trò và biến hóa như Trấn Thành. Từ thế chủ động, Trấn Thành trở thành bị động và biến thành kẻ ngớ ngẩn bởi cách giải quyết tài tình của bậc tiền bối.

Xuất hiện trong tập khác khi Hồng Đào làm trưởng phòng và sự giúp sức của Trấn Thành thì ngay từ giây đầu tiên, Trung Dân đã “cướp” luôn vai trưởng phòng của nữ nghệ sĩ hải ngoại.

Nam nghệ sĩ còn khiến khán giả và Hoài Linh xúc động, như nuốt từng lời khi miêu tả mối tình đẹp với vợ bằng những câu thoại đậm chất văn học.

Giám khảo Hoài Linh giơ hai tay đầu hàng, thú nhận thán phục tài năng của Trung Dân. Nam danh hài còn tỏ lòng ngưỡng mộ kiến thức uyên bác của đàn anh.

Trấn Thành cho biết: "Trung Dân chính là người khơi nguồn mạnh mẽ nhất để tôi bước theo nghề. Tôi thuộc từng chữ trong các vở hài của anh Trung Dân".

Cây hài trẻ không ngại tiết lộ thời chưa học diễn xuất đã bắt chước hoàn toàn cách diễn của nam nghệ sĩ kỳ cựu. Điều này lý giải vì sao khi Trấn Thành đã thành danh, khán giả đôi khi vẫn bắt gặp nét diễn, cách nói, điệu bộ, thậm chí trang phục của Trung Dân ở đó.

Nói về sự hâm mộ, thán phục của Hoài Linh và Trấn Thành dành cho mình, Trung Dân cho biết: "Có thể, tôi có điểm nào đó mà hai người đó không có chăng? Cũng có thể tôi xử lý nhanh hơn họ trong một số tình huống. Đặc biệt tôi thường sử dụng từ địa phương, từ ghép trong chuyện tiếu lâm đưa vào các tình huống kịch khiến tiếng cười thâm thúy hơn".

Theo Zing

Các tin cũ hơn