Cảnh sát hình sự là loạt phim truyền hình, bắt đầu lên sóng từ năm 1997, xoay quanh đề tài phòng chống tội phạm và phác họa lại những thủ đoạn của thế giới ngầm. Một trong những nhân vật giang hồ được nhắc đến nhiều nhất trong loạt phim này Bắc Đại Bàng do nghệ sĩ Chu Hùng thủ vai.
Nhắc đến Bắc Đại Bàng trong Nước mắt của mẹ, khán giả sẽ nhớ ngay tới hình ảnh một tên tội phạm với khuôn mặt dữ dằn, điệu cười đáng sợ nhưng vẫn còn chút lương thiện cuối cùng khi trở về vòng tay người mẹ ruột. Chu Hùng cho biết vai diễn này thành công tới mức ông mất luôn tên thật của mình.
Chu Hùng nổi tiếng với vai Bắc Đại Bàng trong Nước mắt của mẹ. Ảnh: Quang Đức. |
- Phim cảnh sát hình sự "Nước mắt của mẹ" đã phát sóng được tròn 20 năm. Hiện tại, nhìn lại vai diễn Bắc Đại Bàng gây chấn động màn ảnh thuở ấy, ông có cảm nghĩ gì?
- Nhiều lúc, tôi vẫn xem lại những hình ảnh của phim để nhớ về một thời tuổi trẻ, nhiệt huyết, yêu nghề và cực kỳ sung sức. Đó là câu chuyện của rất nhiều năm về trước, ngày ấy, tôi trẻ hơn bây giờ rất nhiều, dãi gió dầm mưa với nghề, không nghĩ đến khó khăn, khổ cực.
Tôi cùng đạo diễn Trọng Trinh và các anh em trong đoàn làm phim đi về vùng nông thôn để quay, từ bờ sống đến cánh đồng. Mỗi khi nhớ lại, vẫn thấy rất mới dù phim đã phát sóng được 20 năm, và từ đó đến nay, biết bao bộ phim đã lên sóng, biết bao diễn viên đã trưởng thành.
- Trong quá trình làm phim có câu chuyện hậu trường nào mà 2 thập kỷ trôi qua ông vẫn không thể quên?
- Hậu trường thì nhiều lắm, không thể nhớ hết và cũng thể kể hết được. Nhưng có tình huống mà tôi không thể quên, đó là cảnh quay Bắc Đại Bàng bị công an bao vây.
Cảnh này quay ở khách sạn nhỏ, nôm na gọi là nhà nghỉ. Nhưng thời đó, không đủ điều kiện để thuê cả khách sạn nên mình vẫn quay còn khách sạn vẫn hoạt động bình thường.
Nhưng nhiều cặp đôi đến thuê khách sạn, vừa mới đỗ xe đã thấy xe công an rú còi, cầm súng bao vây khách sạn. Thấy vậy, ngồi ngay lên xe và phóng ra ngoài vì tưởng khách sạn bị bao vây thật.
- Vai diễn Bắc Đại Bàng đã ảnh hưởng đến cuộc sống của ông như thế nào?
- Tôi xuất thân là một diễn viên sân khấu nhưng khi chuyển sang điện ảnh và truyền hình thì được đông đảo khán giả biết đến. Trước Nước mắt của mẹ, tôi đã đóng vai phản diện trên màn ảnh. Nhưng đúng là với vai Bắc Đại Bàng, tôi trở thành một hình ảnh ám ảnh đối với người xem.
Tên Chu Hùng của tôi bị mất vì ai gặp ngoài đời cũng gọi là Bắc Đại Bàng. Nhưng đó là niềm hạnh phúc của người làm nghệ thuật vì đâu phải vai diễn nào cũng được khán giả nhớ đến.
Ngày đó, điện ảnh – truyền hình chưa phát triển như bây giờ nên khán giả nhớ mình làm, nó trở thành ký ức không thể quên được đối với họ. Ngày ấy, nhiều người còn tìm đến tận nhà tôi cho quà và bảo “Tao yêu mày quá”.
Hàng ngày, nam diễn viên gạo cội dành thời gian đạp xe quanh khu phố. |
- Ông có bao giờ gặp phải tình huống khó xử khi tên “cha sinh mẹ đẻ” của mình lại bị chuyển thành tên một vai diễn?
- Không có nhiều tình huống khó xử nhưng có một câu chuyện thế này, đó là khi tôi đến viếng đám tang của một người em quá cố. Thân nhân của người quá cố đã ôm chầm lấy tôi và khóc “Anh Bắc Đại Bàng ơi, vậy là em ấy đi rồi”.
Trong lúc đau thương và bối rối nhất, người ta vẫn chỉ gọi tên Bắc Đại Bàng mà quên tên thật của tôi. Đó là dẫn chứng cụ thể nhất cho tình cảm và sự ghi nhớ của người xem đối với nhân vật Bắc Đại Bàng.
- Theo ông, điều gì ở gã giang hồ cộm cán này khiến khán giả không thể quên?
- Bắc Đại Bàng là giang hồ cộm cán. Nhưng cuối phim, gã giang hồ này đã thức tỉnh vì người mẹ của mình.
Lựu đạn đã rút chốt cầm tay, không ai có thể thuyết phục được nhưng giọt nước mắt của người mẹ đã kêu gọi được chút lương tri cuối cùng trong con người hắn. Và Bắc Đại Bàng đã từ bỏ con đường tội lỗi để về với mẹ.
Tình mẫu tử là thứ tình cảm căn bản của con người. Phim Nước mắt người mẹ đã khơi gợi được tình cảm chân thành đó, là lý do khán giả phải rơi nước mắt vì xúc động, ngay cả khi xem lại bộ phim nhiều lần.
- Ông có nghĩ mình bị đóng đinh cho những vai phản diện từ thành công của vai Bắc Đại Bàng?
- Thực ra, tôi là một diễn viên chuyên nghiệp. Vai gì tôi cũng có thể làm được. Nhưng ở Việt Nam, không phải đạo diễn nào cũng dám thử thách diễn viên. Mọi người phải hiểu là khi diễn viên đã làm tốt một dạng vai nào đó, đạo diễn sẽ mời luôn cho những phim sau thay vì mời họ cho dạng vai mới.
Nhưng trong điều kiện phát triển của điện ảnh – truyền hình Việt Nam, điều này cũng rất khó tránh. Tôi đã đóng không biết bao nhiêu vai phản diện không nhớ hết được cũng vì sự đóng đinh này của đoàn làm phim.
Gần đây, tôi có nhận được lời mời vào một vai chính diện, một hình ảnh khác hẳn với chất mà tôi từng đóng. Họ năn nỉ tôi, tôi đã đến thử vai, thậm chí diễn thử nhưng cuối cùng đoàn làm phim này lại lật lọng mà không thông báo lại lý do.
Chu Hùng cảm thấy thanh thản với cuộc sống hiện tại. |
- Đằng sau màn ảnh, cuộc sống của ông diễn ra như thế nào?
- Tôi vui vẻ ở nhà với công việc gia đình. Nghỉ hưu đúng nghĩa và cảm thấy rất thanh thản. Nếu không trông cháu thì đi xe đạp quanh quẩn gần nhà, ăn bát mỳ, uống cốc cà phê, thăm nom mọi người.
Tối đến nếu không việc gì đột xuất, tôi đến sinh hoạt ở các câu lạc bộ điện ảnh. Nói là hướng dẫn cho các bạn trẻ thì không hẳn nhưng mình đến đó là trao đổi, chia sẻ và tiếp lửa nghề cho các bạn ấy.
Phim ảnh, tôi bắt đầu ít tham gia. Sau phim Người phán xử, quay hơn một năm, tôi chưa nhận dự án nào mới. Năm tháng cống hiến cho nghệ thuật như vậy là đủ rồi, giờ tác phẩm nghệ thuật nào thực sự thích, tôi mới nhận lời tham gia.
- Thấy ông sử dụng điện thoại di động, mạng xã hội rất thành thạo. Ông dành thời gian cho thú vui này như thế nào?
- Tôi bị đám đàn em lên án là không chịu tham gia mạng xã hội (cười). Về nhà, các con cũng bảo là “Bố lập một cái Facebook đi”, tôi thấy cũng hay nên lập thử xem thế nào.
Hàng ngày, lúc nào rảnh thì vào xem người thân, bạn bè chia sẻ những gì. Gần đây, tôi đóng vai Thế Chột trong Người phán xử, bạn bè trên mạng thường xuyên chụp ảnh màn hình gửi cho, thấy cũng thú vị.
Theo Zing