Ngày 25/5, Bộ Văn hóa Thể thao và Du lịch họp về vấn đề thu phí tác quyền âm nhạc khi mở tivi tại các khách sạn ở Đà Nẵng đang được dư luận quan tâm.
Ngay sau cuộc họp, ông Bùi Nguyên Hùng - Cục trưởng Cục Bản quyền tác giả - đã giải đáp một số thắc mắc của truyền thông.
Ông Hùng khẳng định theo Luật Sở hữu trí tuệ, các quy định hướng dẫn và công ước Berne, việc triển khai thu tiền tác quyền tại Đà Nẵng của Trung tâm Bảo vệ quyền tác giả âm nhạc Việt Nam (VCPMC) là hoàn toàn đúng với quy định của pháp luật.
Tuy nhiên, ông Hùng đề nghị VCPMC phải thực hiện theo đúng quy trình, đúng pháp luật và phải có lộ trình phù hợp đối với từng hình thức khai thác sử dụng âm nhạc để bảo vệ quyền lợi tác giả, quyền lợi bên khai thác sử dụng và lợi ích hưởng thụ của công chúng.
Nhạc sĩ Phó Đức Phương - Giám đốc Trung tâm Bảo vệ quyền tác giả âm nhạc Việt Nam. |
Về phía Trung tâm Bảo vệ quyền tác giả âm nhạc Việt Nam, nhạc sĩ Phó Đức Phương cũng cho biết việc thu tiền sử dụng âm nhạc ở các khách sạn tại Đà Nẵng đã được tiến hành từ 3,4 năm nay. Riêng Hà Nội và TP.HCM đã được thu hơn 10 năm.
“Tivi mà dùng riêng ở gia đình thì không có vấn đề gì nhưng ở đây là dùng trong kinh doanh thì phải trả tiền tác quyền. Chỉ cần làm một phép so sánh thế này, nếu không có tivi, dịch vụ của khách sạn sẽ bị giảm. Việc sử dụng tivi là để nâng cao chất lượng dịch vụ. Qua tivi có âm nhạc thì có nghĩa là âm nhạc đã được các chủ khách sạn sử dụng vào mục đích kinh doanh. Như vậy việc phải trả tiền tác quyền là đương nhiên”, ông Phương nhấn mạnh.
Ông Nguyễn Hoàng Giang - Giám đốc khu vực miền Bắc VCPMC - cũng đồng quan điểm cho rằng: "Truyền hình đã và đang tiến hành thanh toán tiền bản quyền cho chúng tôi thì đó là họ thanh toán quyền phát sóng tác phẩm đến công chúng. Đối với việc thu tiền từ các tivi ở khách sạn là thu tiền từ các tivi có sử dụng vào mục đích kinh doanh chứ không phải là thu tiền của người xem là người dân bình thường".
Ông Giang cho biết thêm hiện nay Trung tâm không thể kiểm soát được lượng ca khúc mà khách sạn sử dụng, cũng như số đầu tivi có trong khách sạn mà chủ yếu là dựa trên số liệu mà khách sạn cung cấp. Do đó việc rạch ròi tác quyền cho các tác giả có tác phẩm được khách sạn đang sử dụng vẫn ở mức tương đối, tức là chưa thực sự công bằng.
Lãnh đạo VCPMC mong muốn trong tương lai sẽ xây dựng được phần mềm hỗ trợ để kiểm soát được tần suất sử dụng ca khúc tại những đơn vị kinh doanh này thì việc thu và phân phối tác quyền sẽ minh bạch hơn.
VCPMC khẳng định dù thế nào họ cũng sẽ kiên trì thuyết phục để các chủ kinh doanh khách sạn nói riêng và cộng đồng hiểu rõ hơn về việc thực thi tác quyền.
Ngày 24/5, trao đổi với Zing.vn, chủ nhiều khách sạn ở Đà Nẵng bức xúc trước việc họ bị Trung tâm Bảo vệ quyền tác giả âm nhạc (VCPMC) yêu cầu trả tiền sử dụng quyền tác giả khi sử dụng tác phẩm âm nhạc.
Sự việc xảy ra ngày 28/4, ông Đinh Trung Cẩn, Giám đốc VCPMC chi nhánh phía Nam ký văn bản số 177 gửi các khách sạn ở Đà Nẵng.
Trong nội dung văn bản, VCPMC yêu cầu chủ các cơ sở kinh doanh khách sạn ở Đà Nẵng phải trả tiền khi sử dụng những tác phẩm âm nhạc. "Việc thực hiện nghĩa vụ trả tiền được thực hiện từ ngày 10/5", văn bản nêu.
Văn bản do VCPMC ban hành còn nhấn mạnh nếu chủ doanh nghiệp không trả tiền sẽ bị các cơ quan chức năng kiểm tra, xử phạt hành chính theo Nghị định 131 của Chính phủ.
Theo Zing