Game show Đại náo thành Takeshi vừa kết thúc sau 13 tập phát sóng và bị khán giả phàn nàn là nhảm nhí và nhạt nhẽo dù có những gương mặt nổi tiếng như nghệ sĩ Trung Dân, nghệ sĩ Tự Long và cây hài Trấn Thành.
Phải khẳng định ngay từ đầu, kịch bản chương trình không thu hút thì dù nghệ sĩ có xuất sắc thế nào cũng khó cứu vãn tình thế. Song, cũng không thể đổ lỗi tất cả cho game show bởi nghệ sĩ, đặc biệt với những người đã gây dựng được tên tuổi, càng phải có trách nhiệm với công việc mình đảm nhận.
Vậy, phản ứng gay gắt của khán giả truyền hình sau khi xem show là do “tai nạn” của nghệ sĩ hay sự dễ dãi của họ?
Trong cơn bùng nổ của truyền hình thực tế, các nghệ sĩ phía Bắc có sự tỉnh táo đáng nể. Họ không tham gia game show một cách đại trà mà chọn lọc, tính toán kỹ lưỡng.
Ơn giời, cậu đây rồi! và Đại náo thành Takeshi là 2 chương trình ít ỏi mà NSND Tự Long nhận lời tham gia. Ở Ơn giời, nghệ sĩ Tự Long và Hồng Đào có màu sắc riêng dù không quá nổi bật như Trấn Thành.
Trưởng phòng khó tính thường làm khó khách mời bằng cách khai thác tâm lý, phản ứng của họ trong chủ đề gia đình, tình cảm, mối quan hệ bạn bè. Cách diễn hài của anh không quá chú trọng đến tình huống mà nghiêng về đường dây câu chuyện với sự tinh tế của một người từng trải.
Thế nhưng, ở game show Đại náo thành Takeshi, NSND Tự Long không phát huy được khả năng của mình. Anh vào vai Ballu, một cận thần của lãnh chúa Takeshi (Trấn Thành đóng). Nhân vật này cùng với Kommu (Trung Dân) bày mưu tính kế cho lãnh chúa để ngăn chặn đội quân của Trương Thế Vinh.
Trung Dân và Tự Long là quan văn, quan võ nên đối nghịch nhau. Người này luôn tìm cách hạ bệ người kia trước lãnh chúa nên giữa họ luôn cãi vã, tranh giành công trạng. Phần lớn thời gian, người xem chứng kiến những cuộc đối thoại vô vị giữa 2 nghệ sĩ gạo cội trước vấn đề “cỏn con”.
Sự kết hợp giữa 3 nghệ sĩ tài năng, ăn khách đã không đem lại hiệu ứng như mong đợi. Ảnh: Lê Nhân. |
Nhiều ý kiến cho rằng nhà sản xuất đã đặt NSND Tự Long và nghệ sĩ Trung Dân không đúng vị trí nên họ thể hiện mờ nhạt so với tài năng. Quả vậy, rất khó để 2 nghệ sĩ lão làng trưng trổ vũ khí của mình khi đặt trong ý tưởng “nghèo nàn”.
Dù cố gắng thế nào, họ cũng không thể đi xa hơn nhiệm vụ được giao, mà nhiệm vụ này không tương xứng với tài năng của họ. Vậy, câu hỏi đặt ra là phải chăng NSND Tự Long và nghệ sĩ Trung Dân chọn nhầm game show.
Ơn giời, cậu đây rồi! và Đại náo thành Takeshi đều cùng một nhà sản xuất nên có khả năng có vấn đề “cả nể” ở đây. Song, một vấn đề khác là trách nhiệm của họ ở đâu khi ký hợp đồng với nhà sản xuất.
Nghệ sĩ Trung Dân vốn nổi tiếng bởi sự thẳng thắn, bộc trực khi lên tiếng về các vấn nạn trong xã hội. Ông cũng là nghệ sĩ nổi tiếng về tài năng, mỗi game show ông tham gia đều nhận được những lời khen tích cực.
Thế nhưng, không phải lúc nào nghệ sĩ cũng đong đếm được khả năng thành công của mỗi game show.
Nói về lý do nhận lời chương trình này, nghệ sĩ Trung Dân chia sẻ: “Tôi được biết game show này xuất phát từ Nhật Bản và họ rất thành công nên Việt Nam mới mua bản quyền để Việt hóa. Triều đại Takeshi chịu ơn của ông, cha cận thần Kommu nên tiếng nói của ông ấy rất có trọng lực. Nhưng dĩ nhiên, tôi vẫn dưới quyền của lãnh chúa Takeshi".
"Chúng tôi phải phối hợp làm sao cho bật ra tiếng cười, đôi khi có thể bất hợp lý, có lúc như đang đùa giỡn. Format như vậy nhưng chúng tôi cố gắng hết sức làm cho khán giả thấy những trận chiến của thí sinh bằng các bình luận hóm hỉnh. Show này thuần túy giải trí, cho mọi người tiếng cười vui vẻ để bắt đầu tuần mới tràn đầy năng lượng”, ông cho biết.
Dù vậy, thực tế đi ngược với kết quả mà nghệ sĩ Trung Dân mong muốn.
Trấn Thành giữ vai trò chủ chốt trong game show này, vì thế anh gần như đón nhận mọi lời khen, tiếng chê của khán giả. Không ai phủ nhận tài năng của nghệ sĩ sinh năm 1987, những khó khăn riêng của anh khi bị đặt trong game show nghèo nàn về ý tưởng.
Dù vậy, không thể không nhắc đến trách nhiệm của Trấn Thành. Suốt 45 phút chương trình diễn ra, anh xuất hiện không ít nhưng không gây được nhiều hiệu ứng tích cực.
Ở đây chỉ có những câu thoại vô thưởng vô phạt, màn tung hứng nhạt nhẽo với tiếng cười miễn cưỡng. Thậm chí, màn tương tác của bộ ba NSND Tự Long - Trung Dân - Trấn Thành còn vô vị khi ông xã Hari Won phải tìm cách đùa: “Lần này, nếu ông (đại thần Kommu) mà thất bại nữa, tôi sẽ cắt 2 củ cải trên đầu ông để xào nấu”.
Sự kém duyên trong từng câu thoại làm không ít người xem phản ứng. Đặc biệt, chương trình được phát sóng ở khung giờ vàng của VTV3, nghĩa là có nhiều đối tượng khán giả mà đài truyền hình lại thiếu sự kiểm soát một cách ngạc nhiên.
Ở một vài phân đoạn, Trấn Thành còn cầm dép rượt đánh cận thần. Không ít người ngao ngán vì không biết các nghệ sĩ đang làm trò gì trên sóng truyền hình. Có khán giả còn bình luận rằng nếu không có cuộc tranh luận của bộ ba lãnh chúa, cận thần và khách mời, những trò chơi sẽ trở nên lôi cuốn hơn.
Trách nhiệm của nghệ sĩ ở đâu khi đặt bút ký hợp đồng với nhà sản xuất? Ảnh: Lê Nhân. |
Những cuộc tranh luận này chủ đích mang lại tiếng cười, nhưng thực tế họ bình luận khá vô vị và thường lái câu chuyện sang hướng khác, khiến người xem không thể tập trung.
Điều khá ngạc nhiên là Trấn Thành đã chủ động giảm khối lượng game show nhưng không hiểu vì sao vẫn “lọt” chương trình bị chê nhảm. Sau chương trình, nhiều người bảo Trấn Thành “nhảm nhí” cũng có lý do.
Tất nhiên, một ai đó cũng khó lòng làm hay hơn, nhưng với khả năng của anh, người hâm mộ không mong chờ sự dễ dãi mà anh đã thể hiện.
Thường mọi người nói với nhau rằng làm nhiều show thì thế nào cũng sẽ bị một vài show thất bại. Điều đó không thể phủ nhận được. Nhưng ở một game show tập hợp các nghệ sĩ tài năng như Đại náo thành Takeshi mà cho rằng đây chỉ là “tai nạn” thì chưa đủ sức thuyết phục.
Theo Zing