Thái Phiên: "Tôi sẽ bị ăn tát nếu mời ai đó cởi quần áo để chụp nude"

Thứ bảy, 21/07/2018, 10:16
Trong số hàng trăm người mẫu nude đã chụp suốt 26 năm qua, Thái Phiên cho biết chưa bao giờ chủ động mời ai đó chụp và cũng không tiết lộ từng chụp ai.

Cuộc triển lãm ảnh khỏa thân nghệ thuật do Cục Mỹ thuật, Nhiếp ảnh và Triển lãm thực hiện, khai mạc lúc 17h ngày 20/7. Sự kiện diễn ra trong vòng một tuần, từ ngày 20/7 đến 27/7 tại Trung tâm Giám định và Triển lãm tác phẩm Mỹ thuật, Nhiếp ảnh, 29 Hàng Bài, Hà Nội.

Đây được xem là triển lãm ảnh nude nghệ thuật đầu tiên tại Hà Nội. Nghệ sĩ Thái Phiên, một trong 10 tác giả có tác phẩm ở sự kiện, tiết lộ chuyện nghề với PV trước ngày khai mạc.

Thái Phiên chưa từng tiết lộ mình đã chụp ai trong số hàng trăm người mẫu nude.

"Cởi trói" cho nhiếp ảnh khỏa thân nghệ thuật

Cảm xúc của anh thế nào khi lần đầu được đưa tác phẩm ấp ủ của mình bao năm qua ra Hà Nội triển lãm?

Cục Mỹ thuật Nhiếp ảnh và Triển lãm là đơn vị quản lý văn hóa cao nhất tổ chức cuộc triển lãm ảnh khỏa thân như này là động thái đánh tan rào cản ảnh nghệ thuật khỏa thân với công chúng trước đây. Sự kiện còn khiến suy nghĩ bảo thủ về vấn đề ảnh khỏa thân trước đây vỡ vụn ra. Người ta không còn suy nghĩ có sự đồi trụy, dâm ô khi người mẫu làm việc, lao động với bộ môn ảnh khỏa thân nghệ thuật.

Như vậy, bộ môn ảnh khỏa thân nghệ thuật đã được cởi trói. Không, phải nói chính xác là cởi mở. Nếu mà nói "trói" thì đợt triển lãm cá nhân của tôi tại TP.HCM hồi tháng 6 đã là cởi nút rồi. Tôi tin chắc sau cuộc triển lãm này, sẽ có các cuộc triển lãm ảnh nude khác ở cấp địa phương.

Tuy nhiên đừng nghĩ khi được cởi mở như thế thì nhà nhà chụp khỏa thân, người người chụp khỏa thân. Vì bạn muốn đưa tác phẩm của mình ra công chúng thì chắc chắn phải có Hội đồng thẩm định về chất lượng. Đồng ý sự cởi mở này là tín hiệu tốt nhưng cần chừng mực, trong phạm vi cho phép của nhà quản lý văn hóa.

Trong số 10 tác giả và 52 tác phẩm, tôi may mắn là người được lựa chọn nhiều tác phẩm triển lãm nhất với 8 bức ảnh.

Tác phẩm Bước thời gian, một trong 8 bức ảnh của Thái Phiên tại triển lãm.

Trong suốt quãng đời làm nghề, anh đã chụp bao nhiêu tác phẩm khỏa thân nghệ thuật. 8 bức ảnh tại triển lãm lần này khác gì so với những bức còn lại của anh?

Tôi chụp ảnh khỏa thân đã 26 năm nay, không thể ngồi đếm được có bao nhiêu tác phẩm nhưng chắc chắn khoảng 400 bức đạt yêu cầu.

8 tác phẩm tại triển lãm được lấy từ trong hai cuốn sách Xuân thì (71 bức) và Miền cổ tích (95 bức) bởi nó đã được phát hành, qua sách báo rồi nên có độ an toàn cao.

Bức chụp gần nhất cách đây đã 2 năm. Có nhiều tác phẩm khác mới sáng tác tôi chưa dám công bố vì còn nhiều rào cản lắm. Đến bao giờ Cục Mỹ thuật Nhiếp ảnh và Triển lãm đề nghị tổ chức lần thứ hai, hy vọng lúc đó tôi sẽ đưa ra những bức ảnh mới mẻ hơn, táo bạo hơn.

Không thể so sánh ảnh nude Việt Nam với thế giới

Qua triển lãm lần này, anh đánh giá thế nào về ảnh khỏa thân nghệ thuật của Việt Nam so với thế giới?

Ảnh khỏa thân Việt Nam so với thế giới như bản hòa tấu chưa mở đầu. Nó còn nhiều vấn đề lắm, so sánh thế này là hết sức khập khiễng.

Văn hóa của phương Đông và phương Tây không cùng nguồn để so sánh. Có thể nói Á Đông mang tính ấp ủ, e lệ, ẩn mà hiện, gợi mà không mở nhưng ở Tây là rõ ràng, đâu ra đó. Cái nhìn văn hóa của phương Tây khác xa so Á Đông.

Tôi là người Huế, mà con gái Huế thì kín đáo lắm. Trước năm 1975 khi đi chợ, phụ nữ thường diện áo dài. Thậm chí những người bán cá, dưa, cà ở chợ cũng mặc áo dài.

Bạn bè hỏi tôi là vì sao người Huế kín đáo thế mà anh lại mở toang ra thế này. Không, tôi bảo rằng ảnh của tôi mở toang nhưng mà rất kín, không hở chỗ nào cả, và bạn cứ xem những tác phẩm đã công bố sẽ thấy rằng tôi vẫn là người gốc Huế trong quá trình chụp ảnh khỏa thân.

Có ý kiến cho rằng nhiều ảnh khỏa thân của các nghệ sĩ Việt Nam vẫn bị nét dung tục, lộ liễu mà không đạt chất nghệ thuật, anh nhận xét thế nào về vấn đề này?

Khi được hỏi về chuyện dung tục trong ảnh khỏa thân nghệ thuật, bạn hãy nhìn vào góc ảnh của tôi sẽ thấy được tôi suy nghĩ gì, làm những gì khi bấm máy. Là người tinh tế, bạn hãy đánh giá tôi qua các tác phẩm đó.

Nhiều người chụp khỏa thân nhưng thực tế không tạo nên nền nhiếp ảnh nghệ thuật. Trên mạng xã hội có quá nhiều ảnh. Thực tế đó là ảnh trần truồng, khoe hàng, lộ hàng, show hàng nhưng dù có nhiều tác giả cố gắng đến mấy tác phẩm của họ vẫn không xếp được vào thể loại ảnh khỏa thân nghệ thuật.

Ảnh khỏa thân nghệ thuật là phải được Hội đồng nghệ thuật thẩm định, kiểm nghiệm, đánh giá. Không phải cứ mang máy và người mẫu đi chụp không quần áo là có được ảnh khỏa thân nghệ thuật.

Để đánh giá được bức ảnh khỏa thân nghệ thuật phải dựa vào nhiều yếu tố nguồn sáng, bố cục, thông điệp và ý tưởng, sắc độ. Không phải cứ ở truồng đưa máy lên chụp ảnh là có được tác phẩm.

Trong số hơn 400 tác phẩm mà anh thực hiện được 26 năm qua, bức ảnh nào anh đánh giá cao nhất?

Nếu tôi có 400 đứa con, tôi cũng không biết đứa nào tôi thương nhất. Nhưng tôi có thể nói rằng những cô người mẫu trong các bức ảnh này đều rất dễ thương. Cả 400 trăm bức ảnh khỏa thân nghệ thuật của tôi cũng xứng đáng để đưa ra trước công chúng.

Chưa bao giờ đi tìm và mời ai đó chụp ảnh

Đã chụp rất nhiều phụ nữ đẹp không mặc quần áo trước ống kính, anh có kỷ niệm nào đáng nhớ?

Tôi cũng từng chụp hàng trăm cô gái, không nhớ được chính xác, chỉ áng chừng thôi. Có những cô chụp cũng đã lâu, đã đi đâu xa lắm rồi, nhưng cũng có người chụp tới chụp lui nhiều lần vẫn tỏ ra thích.

Trong bộ ảnh Bước thời gian, có cô nhiều lần đề nghị tôi chụp, từ khi 22 tuổi đến nay đã 28 tuổi, đã có hai con rồi mới đây vẫn năn nỉ tôi được chụp tiếp.

Tác phẩm Cõi thần tiên của Thái Phiên tại triển lãm ở Hà Nội.

Anh từng chụp người nổi tiếng nào chưa. Tiêu chuẩn chọn người mẫu đối với anh như thế nào?

Tôi không chọn người mẫu mà người mẫu chọn tôi. Tôi cũng chưa từng nói với ai là mình đã chụp người nào bao giờ. Đó là nguyên tắc làm việc.

Nếu tôi mời ai đó rằng em ơi, em cởi quần ra để cho tôi chụp ảnh khỏa thân chắc chắn tôi sẽ bị ăn tát. Cho nên ai đó mà yêu cơ thể của họ và cảm thấy cần phải giữ lại khoảnh khắc của thời gian, liên hệ và nhờ thì tôi có thể chụp.

Tôi không đi mời, không đi gặp, tôi không biết đâu mà gặp người mẫu. Nếu họ nghĩ rằng tôi muốn thấy ''cái đó'' của họ thì oan ức cho tôi lắm.

Trước khi chụp cho ai đó, tôi phải gặp cô ta trước và ít nhất uống một ly cà phê để tìm hiểu về nhân thân. Thậm chí có những cô bé gặp tôi nhờ chụp, không tiện hỏi về tuổi tác thì phải hỏi cháu học lớp mấy. Cháu mà học lớp 11, 12 là dứt khoát chú Phiên không chụp. Cháu ít nhất phải là sinh viên của đại học nào đó, có nghĩa rằng cô ta phải trên 18 tuổi, đủ tự chủ trong suy nghĩ thì Thái Phiên mới chụp.

Tôi từng nói chuyện với những cô tuy rất đẹp nhưng lại ăn nói không đầu không đũa, nên tôi không có cảm hứng để chụp. Người mẫu phải có văn hóa nền, văn hóa gốc tương đối.

Tiết lộ thật, trong số người mẫu mà tôi đã chụp, họ đều là người có tri thức. Nói không phải chê hay hạ thấp nhưng quả thực những người ít học thường không có văn hóa tốt để chụp ảnh khỏa thân. Tôi không đòi hỏi kiến thức đầy đủ nhưng những câu sơ đẳng mà họ không biết thì rất buồn.

Anh từng từ chối chụp khỏa thân vì lý do gì, có khi nào về vấn đề hình thể?

Tôi không nhớ đã chụp bao nhiêu phụ nữ chứ đừng nói đã từ chối bao nhiêu cô. Tôi chưa bao giờ từ chối chụp vì vấn đề hình thể. Đã là phụ nữ thì có nội hàm đẹp ở trong đó rồi.

Họ không đẹp ở cái ngực thì đẹp ở cái lưng, cái bờ vai, thậm chí là mái tóc. Chỉ cần lấy một góc nào đó trên cơ thể của họ thôi là đã đẹp rồi. Đừng nghĩ là cái cô gầy yếu hay béo tốt thì không đẹp. Cái đẹp trên ảnh khỏa thân tùy theo góc độ, góc đặt máy và tư duy của người chụp. Tôi cũng chưa bao giờ ôm hay nhấc họ lên để xem họ nặng cân như thế nào. Trọng lượng, chiều cao với người mẫu khỏa thân đối với tôi không quan trọng.

Tuy nhiên, trước khi chụp, tôi đưa ra những điều kiện, ví dụ nếu bạn ấy có người yêu, có chồng phải cho anh ta biết được mình sẽ làm như vậy, phải trao đổi trước.

Tôi cũng đưa ra nhiều vấn đề, tình huống để người mẫu lường được những rủi ro có thể xảy ra. Ví dụ như "cô ơi, cô có tưởng tượng được rằng bức ảnh của cô khi tung ra cả thế giới sẽ nhìn thấy, cô suy nghĩ gì về điều đó. Chồng cô có thể chấp nhận nhưng còn cha mẹ chồng, cha mẹ người yêu cô có chấp nhận được điều này không? Cô suy nghĩ kỹ đi rồi hãy quyết định".

Trước đó, trong một phát biểu, đại diện Cục Mỹ thuật, Nhiếp ảnh và Triển lãm cho rằng mục đích của triển lãm lần này là tạo định hướng, giúp công chúng có đối trọng để phân định giữa ảnh khỏa thân nghệ thuật với ảnh khỏa thân mạo danh nghệ thuật, kích động, gợi dục.

Ban đầu ban tổ chức dự kiến sẽ gắn mác 18+ cho triển lãm, kiểm tra chứng minh thư ở cửa ra vào phòng trưng bày. Tiếp nhận ý kiến từ giới nhiếp ảnh, công chúng, những người thực hiện quyết định mở cửa triển lãm với mọi đối tượng công chúng.

Theo Zing

Các tin cũ hơn

Liên kết hữu ích