1. Với những tín đồ của truyện “võ hiệp kỳ tình” miền Bắc, vốn đã quen với những nhân vật kiếm hiệp thuộc thập niên 40 - 50 nhả từ miệng ra một đạo hồng quang hay bạch quang ra đấu với nhau trên không trung, việc một cao thủ võ lâm phát ra một nguồn chưởng lực từ bàn tay ra để lấy mạng kẻ thù là điều khá lạ lẫm. Nhưng rồi giới độc giả miền Bắc nhanh chóng làm quen với những lão già có thái dương gồ lên biểu hiện công lực siêu phàm, di chuyển nhanh đến mức ma mị và những luồng chưởng lực đánh ra cuồn cuộn có sức mạnh như di sơn đảo hải.
"Thiên Long bát bộ - Lục mạch thần kiếm" của Kim Dung in trước 1975 tại miền Nam. |
Chỉ có điều là quá trình “làm quen” đó phải trải qua khá nhiều trắc trở.
Nguồn truyện chưởng sớm nhất ở miền Bắc ngay quãng thời gian sau năm 1975 không gì khác hơn là từ những “phòng đọc hạn chế” của các thư viện chính thức của nhà nước. Bởi trong không khí hân hoan sau năm 1975, trong khi nhiều người còn choáng ngợp trước những thứ vật dụng tân kỳ của một miền Nam vừa trải quả cơn biến động dữ dội thì các cán bộ thư viện, do đặc thù của nghề nghiệp và công việc, tất nhiên, đã phải nhanh chóng vào Sài Gòn và nhập về kho những tác phẩm “xấu độc” của chủ nghĩa thực dân mới để nghiên cứu. Nhiều tác giả truyện chưởng được liệt vào dạng “biệt kích cầm bút” và tất nhiên, tác phẩm của họ không phải để cho số đông công chúng rộng rãi thưởng thức.
Bộ "Liên Thành Quyết" của Kim Dung in trước 1975 tại miền Nam. |
Thế nên phải vận dụng các mối quan hệ quen biết thân thiết để mượn các cuốn truyện chưởng từ các “phòng đọc hạn chế”. Tất nhiên với những bộ truyện chưởng luôn được gắn mác “võ hiệp kỳ tình trường thiên tiểu thuyết” dài dằng dặc thì không thể mượn được cả bộ, mà chỉ có thể mượn từng tập. Mượn tối hôm trước đến tối hôm sau trả để mượn tiếp tập sau. Đọc mê mải, quên ăn, quên ngủ. Đọc trên những chuyến xe chung chở cán bộ công nhân viên đến cơ quan làm việc.
Để trong ngăn kéo ở bàn làm việc, kéo ra đọc, khi có người đến thì đẩy ngăn kéo vào lát sau đọc tiếp.
Riêng với đám trẻ trâu lóc nhóc mươi, mười lăm tuổi, đọc truyện chưởng trở thành một niềm thích thú vô biên, một ham muốn mãnh liệt và là niềm tự hào vô song khi kể lại cho những đứa không may mắn được đọc. Nếu có đứa nào mượn được bố mẹ và tuồn cho bạn thì dĩ nhiên là những đứa bạn này chỉ được phép đọc trong đêm, sáng sớm hôm sau trả. Nhưng vì bị xem là sản phẩm xấu độc nên những đứa bạn may mắn này sẽ phải thường xuyên trùm chăn bật đèn pin lên đọc ngấu nghiến để bố mẹ không phát hiện được...
Bộ "Bích huyết kiếm" của Kim Dung in trước 1975 tại miền Nam". |
Đến cuối thâp niên 70 và trong suốt thập niên 80, khi mà sự kiểm soát bớt gắt gao, dòng truyện chưởng từ miền Nam bắt đầu chính thức len lỏi ra miền Bắc. Nhiều người Bắc đi công tác hoặc có dịp vào TP. Hồ Chí Minh có thể ghé chợ sách cũ lừng lẫy Đặng Thị Nhu để mua các bộ truyện chưởng mang ra Bắc.
Một bản "Thiên Long bát bộ" khác. |
Truyện chưởng bắt đầu được biết đến rộng rãi hơn và đến lúc này, người đọc miền Bắc mới dần dần phân biệt được đâu là Võ lâm minh chủ của truyện chưởng Hong Kong Kim Dung, đâu là dòng chưởng Đài Loan của Ngọa Long Sinh, hay Cổ Long là tác giả của những bộ chưởng mà nhân vật hầu như rất ít có diễn biến tâm lý, gặp đâu đánh đấy, sát khí rờn rợn trên từng trang sách!
Trong dòng sách đó, truyện chưởng rởm Kim Dung ra Bắc cũng nhiều. Thời kỳ trước năm 1975, nhiều tác giả viết truyện chưởng nhái, ăn theo Kim Dung. Nửa cõi sơn hà, sau này in lại vẫn giữ nguyên tên. Song nữ hiệp hồng y, sau in lại đổi thành Song Anh kỳ nữ. Hậu Anh hùng xạ điêu, Hậu Cô gái Đồ Long. Phá Thiên hiệp khách (Hậu Hiệp khách hành). Thiếu hiệp hành (Hậu Hiệp khách hành phiên bản 2 do Lã Phi Khanh viết). Đặc biệt có trường hợp cuốn Võ lâm ngũ bá, với nội dung thể hiện sự xuất hiện của 5 cao thủ võ lâm bậc nhất thiên hạ xuất hiện sau này trong bộ truyện nổi danh của Kim Dung bắt đầu từ Anh hùng xạ điêu, viết xuất sắc, văn phong gần giống với Kim Dung khiến cho rất nhiều người trong một thời gian dài vẫn coi đó là tác phẩm của Kim Dung!
Bộ "Hiệp Khách hành" của Kim Dung in trước 1975 tại miền Nam". |
3. Cũng trong giai đoạn đầu những năm 90, độc giả truyện chưởng miền Bắc bắt đầu được đọc truyện chưởng Kim Dung thật, nhưng để “né” một số nhà xuất bản bèn đổi tên! Có những truyện không những đổi tên truyện mà đổi luôn cả tên nhân vật và đổi cả bối cảnh thành ở Việt Nam. Chẳng hạn các cao thủ võ lâm của Kim Dung có thể tỷ thí ở vùng đồi núi Lạng Sơn hay Bắc Kạn! Thiên Long bát bộ xuất hiện dưới tên gọi Bốn mũi tên vàng! Ỷ thiên đồ long ký biến hóa thành Dạ nguyện anh thư. Xạ điêu anh hùng truyện thành Lạc viên nữ hiệp. Phi hồ ngoại truyện thành Tiểu hiệp hý quyền. Liên thành quyết mang tên Huyền thư quyết kiếm. Chỉ trừ Huyền thư quyết kiếm in lại trọn vẹn nội dung của Liên thành quyết, còn hầu hết các bộ truyện khác đều ra thiếu, in không trọn bộ.
Thậm chí có những trường hợp lấy nguyên cả đoạn trong tiểu thuyết của Kim Dung để viết thành tiểu thuyết dã sử, chẳng hạn như bộ Hoa mùa trăng-Diệp gia kiếm của Phan Cảnh Trung lấy những trường đoạn trong Tiếu ngạo giang hồ, đoạn Lệnh Hồ Xung tỷ thí với Điền Bá Quang, hay phân đoạn Lệnh Hồ Xung mất nội lực và học đươc kiếm pháp...
Cho đến năm 1993, khi nhà xuất bản Tổng hợp Quảng Ngãi bắt đầu cho in ồ ạt các bộ truyện chưởng Kim Dung với tên thật của tác giả, tác phẩm thì đó là một bước ngoặt lớn trong quá trình truyện chưởng Kim Dung phổ biến ở miền Bắc. Cùng với làn sóng phim chưởng dựng theo các tác phẩm của Kim Dung được trình chiếu công khai, truyện của ông cũng dần dần được hợp pháp hóa.
Mặc dù vậy, một số tác phẩm của Kim Dung mãi đến cuối thập niên 90 mới được xuất hiện một cách chính thống, như Bạch mã khiếu Tây phong, bản dịch của Phạm Tú Châu, lại được in chung trong tập Bí mật lâu đài cổ của NXB Thanh Niên, cùng với một tác giả Việt là Viết Linh và bậc thầy kinh dị Alfred Hitchcock! Tháng 2/1998, tạp chí Văn học nước ngoài của Hội nhà văn Việt Nam lần đầu tiên đăng trọn vẹn bản dịch Tuyết sơn phi hồ, bản dịch của Ngọc Thạch, Hữu Nùng, Phạm Tú Châu.
Đến khi Phương Nam liên hệ mua bản quyền xuất bản chính thức các tác phẩm của Kim Dung thì truyện của ông đã trở thành ký ức đẹp đẽ một thời của cả một thế hệ độc giả miền Bắc trong những năm gian khó sau năm 1975.
Vài nét về “Thái đẩu võ hiệp” Sinh năm 1924 tại Triết Giang, Tra Lương Dung là em họ của nhà thơ nổi tiếng Từ Chí Ma. Năm 1948, ông chuyển tới Hong Kong (lúc đó là thuộc địa của Anh). Từ năm 1955 đến 1972, Kim Dung đã viết tổng cộng 15 cuốn tiểu thuyết, trong đó nổi tiếng nhất có Anh hùng xạ điêu, Thần điêu hiệp lữ, Ỷ thiên đồ long ký, Thiên long bát bộ, Tiếu ngạo giang hồ và Lộc đỉnh ký. Tổng cộng, từ những cuốn sách này, 300 triệu bản in (chưa tính một lượng rất lớn những bản lậu) đã đến tay độc giả của cộng đồng tiếng Trung và đã được dịch ra các thứ tiếng Việt, Hàn, Nhật, Thái, Anh, Pháp, Indonesia. Kim Dung qua đời hôm 30/10 tại Viện điều dưỡng & Bệnh viện Hong Kong ở tuổi 94, sau một thời gian dài lâm bệnh. |
Theo TTVH