“Vũ trụ chia sẻ” (shared universe) là tập hợp các tác phẩm sáng tạo. Ở đó, một hoặc nhiều tác giả đóng góp tác phẩm có thể đứng một mình, nhưng phù hợp với sự phát triển chung của câu chuyện, các nhân vật và tổng thể dự án. Vũ trụ chia sẻ tồn tại phổ biến trong văn học, truyện tranh và phim ảnh.
Trong 10 năm qua, MCU của Marvel Studios hình thành và phát triển với tốc độ bùng nổ, tính đến nay đã sản xuất 20 phim điện ảnh, đạt doanh thu phòng vé lên tới 17,5 tỷ USD. Các câu chuyện và nhân vật trong mỗi phim MCU đều có mối quan hệ trực tiếp và gián tiếp với những tác phẩm còn lại trong vũ trụ chung.
Thành công của MCU khiến Warner Bros. và DC khao khát, hấp tấp chạy theo thành lập Vũ trụ Điện ảnh DC (DCEU), nhưng gặp nhiều khó khăn với thất bại thảm hại của các bom tấn như Batman v. Supermanvà Justice League.
Kim Dung viết tổng cộng 15 tiểu thuyết võ hiệp, bao gồm 14 truyện dài và một truyện ngắn. Tất cả đều có tính độc lập cao, tuy nhiên một số có những chi tiết và nhân vật bắc cầu với nhau.
Tác phẩm đầu tay Thư kiếm ân cừu lục lấy bối cảnh nhà Thanh, thời Càn Long trị vì, xoay quanh cuộc đối đầu giữa triều đình Mãn Thanh và tổ chức “phản Thanh phục Minh” Hồng Hoa hội do hội chủ Trần Gia Lạc đứng đầu.
Hình minh họa các nhân vật trong tiểu thuyết Kim Dung, được trưng bày tại cuộc triển lãm về Kim Dung ở Bảo tàng Di sản Hong Kong năm 2017. Ảnh: Xinhua. |
Thư kiếm ân cừu lục có mối liên hệ rõ ràng với Phi hồ ngoại truyện. Trong khi đó, Bích huyết kiếm tạo ra rất nhiều sợi dây liên kết với Tuyết sơn phi hồ, Phi hồ ngoại truyện và Lộc đỉnh ký. Bích huyết kiếm kể câu chuyện thời Minh mạt Thanh sơ, khi đại tướng Viên Sùng Hoán bị vua Sùng Trinh xử tử.
Con trai Viên Thừa Chí gia nhập lực lượng khởi nghĩa của Sấm vương Lý Tự Thành. Ở phương Bắc, quân Mãn Châu lăm le thôn tính nhà Minh. Bích huyết kiếm có thể được coi là tiền truyện (prequel) của Lộc đỉnh ký, tác phẩm đỉnh cao của Kim Dung, lấy bối cảnh thời Khang Hy.
Trường Bình công chúa, con gái vua Sùng Trinh, từng say đắm Viên Thừa Chí trong Bích huyết kiếm nhưng rồi xuất gia làm ni cô. Ở Lộc đỉnh ký, bà trở thành sư phụ của Vi Tiểu Bảo. Lý Tự Thành, đệ nhất mỹ nhân Trần Viên Viên, Thần quyền vô địch Quy Tân Thụ và giáo chủ Ngũ Độc giáo Hà Thiết Thủ cũng xuất hiện trong Lộc đỉnh ký, tao ngộ Vi Tiểu Bảo.
Tuyết sơn phi hồ và Phi hồ ngoại truyện không có mối quan hệ trực tiếp với Bích huyết kiếm, nhưng nằm chung trong một dòng thời gian. Bối cảnh chính của hai bộ truyện là thời Càn Long, cùng thời kỳ với Thư kiếm ân cừu lục, nhưng khởi nguồn từ thời điểm Lý Tự Thành đánh chiếm Bắc Kinh, bức tử Sùng Trinh.
Vì hiểu lầm, ba cận vệ trung thành của Lý Tự Thành là Miêu, Phạm và Điền giết hại người đồng đội họ Hồ, dẫn tới oán thù kéo dài cả trăm năm không dứt. Điều đặc biệt là một nhân vật của Thư kiếm ân cừu lục là Phúc Khang An đóng vai trò khá lớn trong Phi hồ ngoại truyện, trong khi Trần Gia Lạc cũng xuất hiện trong truyện.
Chùm truyện có sự liên hệ chặt chẽ nhất, trực tiếp nhất của Kim Dung là Xạ điêu tam bộ khúc, bao gồm Xạ điêu anh hùng truyện, Thần điêu hiệp lữ và Ỷ Thiên Đồ Long ký, trải dài từ cuối đời Tống, qua thời Mông Cổ đánh Tống, lập triều đình nhà Nguyên, cho đến khi nhà Nguyên suy tàn, nhà Minh hình thành.
|
Poster phim Anh hùng xạ điêu bản 2017. Tiểu thuyết Xạ điêu anh hùng truyện mở ra chùm tác phẩm Xạ điêu tam bộ khúc có mối liên hệ chặt chẽ. Ảnh: Baidu. |
Xạ điêu anh hùng truyện là câu chuyện về Quách Tĩnh từ cậu bé mồ cha, trưởng thành ở thảo nguyên Mông Cổ trở thành bậc đại hiệp vì dân vì nước. Thần điêu hiệp lữ là phần kế tiếp trực tiếp của Xạ điêu anh hùng truyện, nhân vật chính là Dương Quá, con trai Dương Khang, huynh đệ kết nghĩa của Quách Tĩnh.
Phần lớn các nhân vật trong Xạ điêu anh hùng truyện, từ Quách Tĩnh - Hoàng Dung, Đông Tà, Tây Độc, Nam Đế, Bắc Cái… đều xuất hiện và đóng vai trò quan trọng trong Thần điêu hiệp lữ. Truyện cũng có tính độc lập cao, nhưng độc giả phải đọc Xạ điêu để có thể hiểu Thần điêu.
Phần ba Ỷ Thiên Đồ Long ký diễn ra khoảng 80 năm sau thời điểm cuối của Thần điêu hiệp lữ, nhưng Kim Dung bắc cầu khéo léo khi kể chuyện Quách Tương đi tìm vợ chồng Dương Quá - Tiểu Long Nữ, rồi gặp Trương Tam Phong tại Thiếu Lâm Tự.
Và hóa ra chính vợ chồng Quách Tĩnh - Hoàng Dung chế tạo đao Đồ Long và kiếm Ỷ Thiên để giấu bí kíp Cửu Âm chân kinh và binh pháp Vũ Mục di thư để truyền lại cho người đời sau. Cửu Dương thần công mà Trương Vô Kỵ tình cờ học được cũng có nguồn gốc từ những sự kiện trong Thần điêu hiệp lữ.
Sau Ỷ Thiên Đồ Long ký, Liên thành quyết và Hiệp khách hành là những tác phẩm không xác định rõ thời đại và không có mối liên hệ nào các bộ truyện trước. Trong khi đó, Thiên long bát bộ có thể coi là tiền truyện của Xạ điêu tam bộ khúc, xảy ra vào thời kỳ Bắc Tống.
Diễn viên trẻ Chúc Tự Đan trong vai Chu Chỉ Nhược ở Ỷ Thiên Đồ Long ký bản 2018. Đây là phần ba trong loạt Xạ điêu tam bộ khúc. Ảnh: Baidu. |
Trong bản chỉnh sửa mới nhất, Kim Dung mô tả Đoàn Dự chính là ông nội Nam Đế Đoàn Trí Hưng của Xạ điêu anh hùng truyện. Bang chủ Cái Bang Tiêu Phong cũng sử dụng Hàng Long thập bát chưởng và Đả Cẩu bổng pháp giống như Hồng Thất Công. Bản thân Hồng Thất Công cũng từng kể cho Quách Tĩnh về giáo chủ anh hùng lừng lẫy Tiêu Phong.
Ngoài ra, Xạ điêu tam bộ khúc còn có mối liên hệ ngầm với Việt nữ kiếm, truyện ngắn võ hiệp duy nhất của Kim Dung, xuất bản năm 1970. Việt nữ kiếm kể về Câu Tiễn, Phạm Lãi, Tây Thi - những nhân vật có thật thời Chiến Quốc - và cả nguồn gốc pho Việt nữ kiếm pháp mà Việt nữ kiếm Hàn Tiểu Oanh, một trong số các sư phụ của Quách Tĩnh, sử dụng.
Sau Thiên long bát bộ và Hiệp khách hành, Kim Dung viết Tiếu ngạo giang hồ, kể về chàng lãng tử Lệnh Hồ Xung. Nhìn sơ qua, có cảm tưởng Tiếu ngạo giang hồ hoàn toàn không có mối quan hệ gì với các tác phẩm trước của Kim Dung. Nhưng thực tế không hẳn là vậy.
Tiếu ngạo giang hồ không gắn với một thời đại cụ thể nào, nhưng nhiều độc giả suy đoán nó lấy bối cảnh thời Minh, bởi trong truyện phái Võ Đang đã vươn lên hùng mạnh, có vị thế chỉ xếp sau Thiếu Lâm trên giang hồ. Truyện cũng nhắc đến Trương Tam Phong, người sáng lập Võ Đang.
Chi tiết rõ ràng nhất tạo ra mối quan hệ giữa Tiếu ngạo giang hồ và Xạ điêu tam bộ khúc là nhân vật Độc Cô Cầu Bại. Trong Thần điêu hiệp lữ, Dương Quá tình cờ tìm thấy mồ chôn Độc Cô Cầu Bại, lĩnh hội được kiếm ý của bậc tiền bối, nhờ đó nội công và võ thuật tinh tiến mạnh mẽ, đến mức đánh bại Kim Luân pháp vương.
Tây Độc Âu Dương Phong được nhắc đến trong Lộc đỉnh ký, là kẻ tạo ra chất độc Hóa thi phấn mà Vi Tiểu Bảo thường sử dụng. Ảnh: Baidu. |
Còn ở Tiếu ngạo giang hồ, Lệnh Hồ Xung được Phong Thanh Dương truyền thụ toàn bộ pho Độc Cô cửu kiếm của Độc Cô Cầu Bại, trở thành kiếm khách hàng đầu giang hồ, vượt trội cả chưởng môn Võ Đang . Lệnh Hồ Xung còn học Dịch cân kinh của Thiếu Lâm để trị bệnh do Hấp tinh đại pháp gây ra. Đó là thần công mà Du Thản Chi tình cờ lĩnh hội trong Thiên long bát bộ.
Nhìn chung, bên cạnh một số ngoại lệ, có thể chia các tác phẩm Kim Dung thành hai chùm chính: Thư kiếm ân cừu lục - Bích huyết kiếm - Tuyết sơn phi hồ - Phi hồ ngoại truyện - Lộc đỉnh ký và Xạ điêu tam bộ khúc - Thiên long bát bộ - Tiếu ngạo giang hồ - Việt nữ kiếm.
Bản thân hai chùm tác phẩm này cũng có sợi dây kết nối ngầm dù mỏng manh. Trong Lộc đỉnh ký, Vi Tiểu Bảo thường xuyên sử dụng độc dược Hóa thi phấn, lấy từ tủ thuốc của Hải Đại Phú, có khả năng tiêu hủy xác chết không còn tăm tích. Sách viết Hóa thi phấn chính là tác phẩm của Tây Độc Âu Dương Phong, dị nhân thời Tống.
Như vậy, có thể thấy các tác phẩm của Kim Dung cùng diễn ra trong một thế giới chung, có sự liên quan lúc trực tiếp chặt chẽ, lúc gián tiếp. Chúng có đầy đủ đặc điểm của một “vũ trụ chia sẻ”, khiến độc giả thích thú, tò mò, ham muốn tìm hiểu, chẳng khác gì cách khán giả mê điện ảnh luôn tìm kiếm những dấu vết của sự kết nối trong những bộ phim MCU.
Trong số ngàn vạn tác giả tiểu thuyết võ hiệp, chỉ một mình “Võ lâm minh chủ” Kim Dung làm được điều đó.
Theo Zing