Tác phẩm vừa được Nhà xuất bản Hà Nội ra mắt độc giả với bản dịch của Vũ Xuân Lưu. Cuốn sách ra đời lần đầu năm 1908, tập hợp các bài viết của nhà nghiên cứu Gustave Dumoutier đã đăng trước đó trên Revue Indo-Chinoise (Tạp chí Đông Dương) trong hai năm 1907 - 1908. Tuy nhiên, tác giả cuốn sách đã mất trước đó, vào năm 1904, trong cảnh cô đơn tại Đồ Sơn, Hải Phòng.
Trong sách, Gustave Dumoutier đi sâu vào sáu chủ đề lớn liên quan tới tổ chức xã hội, văn hóa, phong tục, tập quán và nếp sống thường nhật của người dân Bắc kỳ cuối thế kỷ thứ 19: Xã hội (tổ chức làng xã An Nam, việc xét xử, việc quân), gia đình (sinh con, cưới hỏi, tang ma), trò giải trí và nghề nghiệp (ca kỹ và đào kép, chơi bài lá, đưa đò, sơn và dầu sơn, phu trạm), thực phẩm (tục ăn đất, cỗ cúng, cỗ làng, đám ma, mừng thọ, tín ngưỡng dân gian liên quan đến bữa ăn), y học dân gian (thầy lang, hiệu thuốc), các trò mê tín (phù thủy và bói toán, hậu vận, cốt tướng, diện tướng).
Bìa sách do Nhà xuất bản Hà Nội phát hành. Ảnh:Tiên Long. |
Theo ghi chép của tác giả, các hoạt động của cư dân Bắc Việt xưa chịu ảnh hưởng của rất nhiều điều mê tín. Trong việc sinh nở, để tránh cho đứa trẻ quá lớn, thai phụ không được ăn vào ban đêm và uống một ít nước trước mỗi bữa ăn. Trong suốt thai kỳ, ông chồng không được phép đóng đinh lên tường, vì việc này dễ làm cho kỳ sinh nở trễ vô thời hạn. Còn sau khi sinh, bộ quần áo đầu tiên của trẻ phải được cắt may bằng quần áo đã bỏ không dùng của một người già.
Hoặc tục lệ săn lùng sợi xích từng xiềng tử tù - Dumoutier cho là giống tục săn lùng sợi dây treo cổ tử tù ở Pháp - dùng để đeo vào cổ trẻ em, hoặc đánh thành kiềng đeo chân, vòng đeo tay để trừ tà. Ngay cả quân đội cũng quy định nếu đêm trước khi xung trận mà thấy một ngôi sao xuất hiện phía Tây mặt trăng, việc chỉ huy đội quân lâm chiến phải trao cho một sĩ quan có ngày sinh thuộc hành kim.
Cuốn sách in kèm hàng chục tranh minh họa miêu tả về cuộc sống, sinh hoạt thường ngày của người dân miền Bắc cách đây trên 100 năm, gồm làm quạt, thêu, sơn, săn bắn, chợ búa, đồng áng hay các hoạt động giải trí như đánh đu, đá cầu, hoạt động pháp luật như tra khảo tù nhân, xử tử... Các tranh minh họa này đã trở thành tư liệu quan trọng được tác giả Đào Duy Anh đưa vào Việt Nam văn hóa sử cương, Pierre Huard và Maurice Durand sử dụng trong Connaissance du Vietnam, hay Henri Oger kế thừa để đưa vào cuốn sách nổi tiếng Kỹ thuật của người An Nam...
Sách được viết dưới góc nhìn một người Pháp có niềm đam mê nghiên cứu văn hóa - lịch sử Việt Nam, trong đó có sự đối sánh với văn hóa Trung Hoa và các nước khác, là tài liệu quan trọng cho việc tìm hiểu văn hóa, lịch sử đất nước.
Gustave Dumoutier (1850 - 1904) là nhà Việt Nam học người Pháp thuộc thế hệ đầu. Ông đến Hà Nội vào đầu năm 1886 theo lời đề nghị của Tổng trú sứ Paul Bert và chịu trách nhiệm thanh tra các trường Pháp - Việt, sau đó trở thành Giám đốc Học chính Trung - Bắc kỳ.
Ngoài công việc trong ngành giáo dục, ông tập trung nghiên cứu về khảo cổ, dân tộc học, tôn giáo, dân gian, văn hóa Việt Nam. Đầu thế kỷ 20, ông là học giả tiên phong thực hiện các nghiên cứu về văn hóa dân gian Việt Nam. Sự nghiệp trước tác của ông đồ sộ, trong đó Tiểu luận về dân Bắc kỳ (Essais sur les Tonkinois) thuộc hàng nổi tiếng và quan trọng nhất.
Theo VNE