Từ chuyện có hay không một cuộc thi hoa hậu ở Uzbekistan…
Tại cuộc thi Hoa hậu Thế giới năm nay, có một bê bối lớn bất ngờ xảy ra khi gương mặt tiềm năng của cuộc thi - Hoa hậu Uzbekistan - bất ngờ bị phủ nhận ngôi vị hoa hậu.
Cô gái 18 tuổi Rakhima Ganieva ban đầu gây được rất nhiều thiện cảm khi sở hữu nhan sắc ấn tượng, biết chơi thể thao, từng đi du lịch nhiều nơi, biết chơi nhạc cụ, am hiểu về văn học… Tuy vậy, điều kiện quan trọng nhất để Ganieva được đến với cuộc thi này lại hoàn toàn bị phủ nhận: Ganieva không phải là Hoa hậu của Uzbekistan.
Khi đến với cuộc thi Rakhima Ganieva tự xưng mình là “Hoa hậu Uzbekistan”, tuy vậy, mới đây quan chức Bộ Văn hóa và Thể thao Uzbekistan cùng Ủy ban Quốc gia về Phụ nữ của nước này khẳng định ở Uzbekistan không hề có cuộc thi hoa hậu nào được tổ chức.
Rakhima Ganieva tại đêm ra mắt tại cuộc thi Hoa hậu thế giới 2013 được tổ chức tại Bali, Indonesia. Hiện tại, chính truyền thông của Uzbekistan cũng đang tìm cách xác minh xem Rakhima Ganieva (trái) là ai. |
Uzbekistan là một nước theo đạo Hồi, người dân ở đây rất sùng đạo, vì vậy, chuyện tổ chức thi hoa hậu là không thể có. Đứng trước vụ lùm xùm về “hoa hậu giả mạo”, người ta mới chợt nhớ ra rằng trước nay phụ nữ Ả Rập, đặc biệt là phụ nữ ở khu vực Trung Đông, vốn được biết đến với nhan sắc đẹp hiếm có hóa ra lại rất thiệt thòi khi không có một cuộc thi nhan sắc nào được tổ chức ở khu vực này nhằm tôn vinh phụ nữ.
Những cuộc thi hoa hậu kỳ lạ dành cho phụ nữ đạo Hồi ở các nước Ả Rập
Thiếu sót này đã được cộng đồng các nước Ả Rập nhận ra từ vài năm trở lại đây. Họ bắt đầu lập ra một cuộc thi dành riêng cho phụ nữ Ả Rập có tên là “Miss Arab World” (Hoa hậu Thế giới Ả Rập). Cuộc thi này đương nhiên sẽ không có phần thi áo tắm, tuy vậy, thí sinh có thể tùy chọn trùm khăn hay không.
Mục đích của “Miss Arab World” là giúp phụ nữ Ả Rập có được một sân chơi phù hợp với văn hóa - tôn giáo của họ. Tại đây, phụ nữ Ả Rập từ khắp nơi trên thế giới sẽ cùng tranh tài. Cuộc thi bắt đầu được mở ra từ năm 2006.
Hoa hậu của cuộc thi Miss Arab World 2007 là cô Wafa Yaquoop đến từ Ba-ranh.
Một số thí sinh tại cuộc thi Miss Arab World 2007.
Cô Nadine Fahad đến từ Syria là Hoa hậu của Miss Arab World 2012.
Miss Arab World được tổ chức với tiêu chí tôn vinh “người phụ nữ Ả Rập lý tưởng” nhằm tìm ra “một đại diện hội đủ những tố chất cần thiết của một cô gái Ả Rập truyền thống”. Được biết, tại cuộc thi này, các thí sinh còn phải làm bài thi đọc - viết, đây là một trong những bài kiểm tra sát hạch.
Dù các cuộc thi hoa hậu có tôn vinh vẻ đẹp trí tuệ tới đâu chăng nữa thì một thực tế là người đoạt vương miện hoa hậu luôn phải sở hữu một nhan sắc ấn tượng. Tuy vậy, điều này không được đem áp dụng tại Miss Arab World.
Một trong những kết quả khiến dư luận tranh cãi nhất là ngôi vị hoa hậu được trao năm 2009 cho thí sinh Mawadda Nour đến từ Ả Rập Saudi. Sau khi cô Mawadda Nour đăng quang, có khá nhiều ý kiến phản đối bởi cô không sở hữu một vóc dáng thon thả.
Đứng trước những lời chỉ trích, ban tổ chức đã giải thích rằng Hoa hậu Mawadda Nour “không cần phải đáp ứng những tiêu chí thông thường của một cuộc thi nhan sắc. Lý do chính khiến Mawadda Nour dành được danh hiệu Hoa hậu là bởi cô khiêm nhường và thông thái, ứng xử hòa nhã và được tất cả các thí sinh khác yêu mến”.
Hoa hậu Thế giới Ả Rập 2009 - cô Mawadda Nour đến từ Ả Rập Saudi (váy hồng).
Ban tổ chức khẳng định “cuộc thi được mở ra là để tôn vinh vẻ đẹp tinh thần và tính cách của người phụ nữ Ả Rập cũng như sự thông minh, sắc sảo để họ có thể giúp bảo tồn những di sản văn hóa Ả Rập trong bối cảnh thế giới đang thay đổi quá nhanh và có thể làm méo mó những giá trị văn hóa quý báu đó”.
Mawadda Nour vui mừng khi trở thành tân hoa hậu.
Một cuộc thi hoa hậu khác cũng rất thu hút sự quan tâm của báo giới phương Tây đó là cuộc thi Hoa hậu Đạo đức của Ả Rập Saudi - đất nước lớn thứ 2 trong thế giới Ả Rập. Phụ nữ ở đây luôn phải mặc những bộ đồ đen rộng thùng thình và trùm khăn kín từ đầu đến chân, vì vậy, tổ chức một cuộc thi hoa hậu đề cao yếu tố nhan sắc là bất khả thi, thay vào đó, Ả Rập Saudi đã có sáng kiến tổ chức cuộc thi hoa hậu đạo đức. Cuộc thi bắt đầu được khởi động từ năm 2008.
Phụ nữ Ả Rập Saudi phải tuân thủ các quy định nghiêm ngặt về trang phục.
Tiêu chí chấm giải là ban giám khảo sẽ đi theo, quan sát các thí sinh sinh hoạt trong suốt một ngày, xem cách các thí sinh giao tiếp, ứng xử với những người xung quanh và chọn ra người tuân theo các chuẩn mực ứng xử một cách nghiêm ngặt nhất để làm hoa hậu.
Ban tổ chức cuộc thi Hoa hậu Đạo đức cho biết cuộc thi được mở ra nhằm đề cao sự sùng đạo của các phụ nữ đạo Hồi. Ngoài ra, nó cũng được coi như một đối trọng để phụ nữ Ả Rập tin vào vẻ đẹp đạo đức của mình và không bị lung lạc bởi những cuộc thi nhan sắc “chỉ chú trọng vào ngoại hình và nhan sắc”. Ban giám khảo khẳng định họ chỉ quan tâm tới vẻ đẹp tâm hồn và đạo đức của các thí sinh.
Lễ trao giải dành cho các Hoa hậu và Á hậu của cuộc thi Hoa hậu Đạo Đức.
Được biết trước khi cuộc thi chính thức bắt đầu, các cô gái sẽ phải dành ra 10 tuần để tham dự các lớp học giảng dạy về đạo đức do ban tổ chức mở ra. Cuộc thi diễn ra mà không được ghi hình, vì vậy, chỉ khi ban tổ chức công bố tên người thắng cuộc, người dân Ả Rập Saudi mới biết tân hoa hậu là ai.
Mới đây, cuộc thi Hoa hậu Thế giới cũng liên tiếp gặp phải nhiều rắc rối trong quá trình tổ chức bởi các tín đồ Hồi giáo ở Jakarta, Indonesia (đất nước ở Đông Nam Á đăng cai tổ chức) thường xuyên biểu tình phản đối cuộc thi nhan sắc này.
Các tín đồ đạo Hồi ở Jakarta tổ chức biểu tình phản đối cuộc thi Hoa hậu Thế giới.
Trong tuần tới, một cuộc thi nhan sắc có tên “Muslimah World” dành riêng cho phụ nữ đạo Hồi cũng sẽ được khởi động tại Indonesia (Đông Nam Á) như một “câu trả lời của các tín đồ Hồi giáo đối với cuộc thi Hoa hậu Thế giới”. Đương nhiên, luật lệ của cuộc thi “Muslimah World” sẽ tuân thủ những quy định nghiêm khắc đối với phụ nữ đạo Hồi.
Chính vì sự phản đối của cộng đồng Hồi giáo tại Indonesia mà năm nay cuộc thi Miss World đã chứng kiến một phần thi áo tắm “kín chưa từng thấy”, các thí sinh phải quấn sarong trình diễn. Giờ đây, “Muslimah World” lại quyết cạnh tranh với Miss World và tổ chức đêm chung kết ngay tại Jakarta khiến ban tổ chức Miss World phải nhượng bộ chuyển sang Bali.
Tuy vậy, bên cạnh những nước đạo Hồi hà khắc cũng có những nước “cởi mở” hơn như Li-băng, Morocco hay Algeria. Thậm chí, Li-băng còn được coi là đất nước sản sinh ra những nữ hoàng sắc đẹp.
Từ lâu, Li-băng đã nổi tiếng tại các cuộc thi nhan sắc thế giới vì có những thí sinh mang vẻ đẹp ấn tượng. Để tìm ra những phụ nữ đẹp nhất đại diện cho nước nhà đi thi tại những đấu trường nhan sắc quốc tế, Li-băng thường xuyên tổ chức các cuộc thi nhan sắc trong nước, từ thi hoa hậu, hoa hậu quý bà, hoa hậu tuổi teen cho tới tìm kiếm nam vương, siêu mẫu…
Hoa hậu Li-băng 2012 - cô Rina Chibani (trái) và Á hậu 1 - người chị em song sinh của Hoa hậu - cô Romy Chibani (phải). |
Theo Dân Trí