Ngày 12/8 Âm lịch, hàng loạt nghệ sĩ Việt Nam luôn cố gắng sắp sếp công việc, dành chút thời gian tham gia cúng Tổ nghề truyền thống ngành sân khấu trên cả nước.
Lúc sinh thời, dù đã gần 100 tuổi, lúc nhớ, lúc quên nhưng gần đến ngày giỗ Tổ ngành Sân khấu, người nghệ sĩ tiền bối của ngành nghệ thuật cải lương Nam Bộ, NSND Phùng Há, lại rạo rực lạ thường…
Đối với cố NSND Phùng Há, ngày giỗ Tổ đã ngấm vào trong máu thịt. Gần đến ngày giỗ Tổ, bà lại rạo rực khác thường. NSND Phùng Há thường nói: “Có sùng kính Tổ nghiệp, người nghệ sĩ mới biết trân trọng nghề. Biết trân trọng nghề, người nghệ sĩ mới công hiến nghệ thuật bằng cả cái Tâm, Đức của mình”.
Những người thân của NSND Phùng Há đều biết có hai ngày mà bà luôn nhớ: Ngày giỗ Tổ ngành sân khấu và ngày giỗ của má bà. Dù sống cuộc đời trọn gần 1 thế kỷ, trải qua nhiều thăng trầm, có lúc nhớ, lúc quên nhưng cứ gần đến hai ngày đặc biệt này, tiềm thức trong con người bà tự dưng trỗi dậy, nhắc nhở bà phải sống cho tròn đạo hiếu với Tổ nghiệp, với đấng sinh thành.
Đến ngày giỗ Tổ, NSND Phùng Há đã thức dậy từ khi tiếng gõ mõ, lời kinh Công phu vang trong khuôn viên chùa Nghệ sĩ (những ngày cuối đời, NSND Phùng Há ở đây). Bà tự trang điểm kỹ càng, bới tóc, mặc áo dài…chờ trời sáng.
Trời vừa hửng, bà chống gậy, nhờ con cháu trong nhà đưa lên Ban Ái Hữu Nghệ sĩ nằm ở đường Cô Bắc, Quận 1, TP.HCM.
Bàn thờ Tổ nằm trên tầng 1, một người già yếu như bà, muốn đi lên, rất vất vả, phải nhờ người dìu. Lên tới nơi, NSND Phùng Há thở hổn hển, mồ hôi tứa ra, gương mặt biến sắc… Vậy mà, kỳ lạ thay, đứng trước bàn thờ Tổ nghiệp, mọi mệt mỏi trong con người già nua, xiêu vẹo của bà dường như biến mất.
Trước bàn thờ Tổ, NSND Phùng Há đứng thẳng lưng, chắp tay, đôi mắt mờ đục sau cặp kính dày cộp, ánh lên sự thành khẩn. Đôi tay bà run run, môi mấp máy khấn nguyện. Rồi bà quỳ mọp trước bàn thờ Tổ, xá lạy…
Thắp nhang Tổ nghiệp xong, thường NSND Phùng Há phải về ngay, vì mệt. Sức khoẻ yếu ớt của một người già gần trăm tuổi như bà không cho phép bà nán lại ở một chỗ quá đông người, hơi nóng toả ra hầm hập.
Về nhà, lại một lần nữa, NSND Phùng Há đến bàn thờ Tổ của mình, thắp hương, khấn nguyện cho ngành sân khấu hưng thịnh.
Nhưng có một kỷ niệm vừa buồn cười nhưng cũng đáng thương, trân trọng của NSND Phùng Há. Chuyện diễn ra vào mùa giỗ Tổ của năm 2008. Khi đó NSND Phùng Há đã tròn 97 tuổi.
Hôm trước, người nhà đã đưa NSND Phùng Há đi cúng Tổ ở Ban Ái hữu Nghệ sĩ. Thế nhưng hôm sau, bà đột nhiên hoảng hốt, la mắng con cháu trong nhà: “Chết rồi, hôm nay là ngày Giỗ Tổ, tại sao không ai nhắc nhở tui đi cúng Tổ? Tội lỗi chết! Tại sao mọi người vô tâm quá vậy?”. Nói xong, bà cương quyết đòi mọi người phải đưa bà lên Ban Ái hữu Nghệ sĩ ở đường Cô Bắc, Quận 1.
Mặc cho mọi người nhắc cho bà nhớ ra rằng, hôm qua mới là ngày Giỗ Tổ và bà đã đi cúng rồi. Bỏ ngoài tai tất cả, bà vẫn lọ mọ đi sửa soạn quần áo, son phấn chỉnh tề. Bà khăng khăng: “Bây giờ mọi người phải sắp xếp xe cho tui đi lạy Tổ nghiệp. Cả năm mới có một ngày, không thể nào không đi được”.
Từ chùa Nghệ sĩ, Quận Gò Vấp, lên đến Ban Ái hữu Nghệ sĩ ở Quận 1, khá xa, nhưng mọi người không thể nào không chiều theo ý bà. Ông Diệp Nam Thắng (Bầu Xuân – Cựu trưởng đoàn Dạ Lý Hương) cười: “Bà Bảy không nhớ là mình đã đi cúng Tổ nên nằng nặc đòi đi cúng. Bả sợ mang tội vô ơn với Tổ nghiệp nên đành phải chiều thôi”.
Đó là mùa giỗ Tổ cuối cùng của cuộc đời nghệ thuật của NSND Phùng Há. Năm sau bà mất, lúc vừa tròn 98 tuổi.
Từ một cô gái quê mùa, làm thuê kiếm tiền nuôi mẹ tại một lò gạch ở làng Điều Hoà, hạt Mỹ Tho, tỉnh Tiền Giang, bà đã vụt sáng thành cô đào lừng lẫy khắp Nam Kỳ Lục Tỉnh. Bà nổi tiếng khi mới vừa tròn13 tuổi. Suốt một cuộc đời nghệ thuật, chưa một lần bà không nhớ đến ngày giỗ Tổ.
Chính vì trân trọng, sùng kính Tổ nghiệp, NSND Phùng Há luôn hoạt động nghệ thuật với chữ “Tâm”, “Đức” lên hàng đầu. Bà là một tấm gương sáng ngời cho lớp nghệ sĩ hậu bối noi theo.
Theo Tri Thức