Duyên nợ “bầu Kiên” và ACB lớn thế nào?

Thứ bảy, 07/06/2014, 15:20
Đại diện ACB tuyên bố sẽ không kiện “bầu Kiên”, đúng như những gì “bầu Kiên” nói trong lời sau cùng: “Tôi có niềm tin mãnh liệt vào hơn 15.000 CBNV ACB không ai kiện tôi, tố cáo tôi...".

Công và tội của “bầu Kiên” tại Ngân hàng ACB như thế nào?

Nguyễn Đức Kiên (“bầu Kiên”, 49 tuổi) là cổ đông của Ngân hàng ACB từ năm 1993. Ông cùng người thân sở hữu gần 938 triệu cổ phần, chiếm 9,03% vốn điều lệ của Ngân hàng ACB, trong đó riêng ông là gần 3,8%.

Trong 9 năm (2003 - 2012), ông Kiên là Chủ tịch Hội đồng đầu tư ACB và giữ chức Phó chủ tịch HĐQT trong 14 năm (1994 - 2008). Sau khi không tham gia HĐQT, ông lập Hội đồng sáng lập và làm phó chủ tịch. Hội đồng sáng lập có chức năng tư vấn cho HĐQT; thành viên Hội đồng sáng lập được tham gia và cho ý kiến tại tất cả các cuộc họp của HĐQT, được cung cấp đầy đủ tài liệu về hoạt động kinh doanh của ngân hàng.

Theo truy tố của VKSND Tối cao, với vai trò trên, “bầu Kiên” đã thao túng toàn bộ hoạt động quản trị, điều hành ngân hàng ACB, làm thất thoát cả nghìn tỷ đồng.

"Bầu Kiên":“Tôi có niềm tin mãnh liệt vào hơn 15.000 cán bộ nhân viên ACB không ai kiện tôi, tố cáo tôi".

Cụ thể, ngày 22/3/2010, Thường trực HĐQT triệu tập cuộc họp bàn phương án giảm tồn lượng tiền huy động từ dân cư để tránh thiệt hại cho ngân hàng, có sự tham gia Chủ tịch Hội đồng sáng lập là ông Nguyễn Mộng Hùng và “bầu Kiên”.

Tại cuộc họp, ông Hùng đưa ra phương án giảm lãi suất huy động tiền gửi để giảm áp lực bị lỗ khi nhận tiền tiết kiệm mà không cho vay được. “Bầu Kiên” không đồng ý với cách này, cho rằng không được làm giảm tổng tài sản của ACB.

Tổng giám đốc ACB khi đó là ông Lý Xuân Hải đề xuất phương án uỷ thác cho nhân viên mang tiền của ACB đi gửi vào các ngân hàng khác để vừa nhận lãi suất tiền gửi, vừa được hưởng thêm “hoa hồng” khuyến mại theo quy định của từng ngân hàng nhận tiền gửi. “Bầu Kiên” ủng hộ phương án này.

Sau đó, các thành viên thường trực HĐQT gồm các ông Trần Xuân Giá (chủ tịch HĐQT), Trịnh Kim Quang, Phạm Trung Cang, Lê Vũ Kỳ (ba phó chủ tịch HĐQT), Lý Xuân Hải thống nhất cùng ký tên vào biên bản cuộc họp với nội dung: “Đồng ý uỷ thác cho các cá nhân để gửi tiền VND và USD tại các tổ chức tín dụng, giao Tổng giám đốc kiểm soát hạn mức tiền gửi tại các tổ chức tín dụng… uỷ quyền cho kế toán trưởng tổ chức thực hiện, ký hợp đồng uỷ thác”.

Ngoài số tiền trên, từ ngày 26/1/2011 đến ngày 22/9/2011, ngân hàng ACB còn uỷ thác cho nhân viên gửi tiền vào 22 ngân hàng với tổng số tiền hơn 28.300 tỷ đồng, trong đó lãi vượt trần hơn 243 tỷ đồng. Số tiền gửi đã thu lãi hơn 1.100 tỷ đồng và hơn 1,2 triệu USD. Tuy nhiên, hành vi này không bị truy cứu trách nhiệm hình sự do VKS xác định số tiền lãi vượt trần thu được ngân hàng đã hạch toán, trích nộp thuế theo quy định và nguồn tiền không bị thiệt hại.

Theo cáo buộc, từ ngày 27/6/2011 đến 5/9/2011, Tổng giám đốc Hải chỉ đạo và uỷ quyền cho Kế toán trưởng Nguyễn Văn Hoà uỷ thác gần 719 tỷ đồng cho 19 nhân viên để gửi tiết kiệm vào VietinBank chi nhánh Nhà Bè và VietinBank chi nhánh TP.HCM, thời hạn 3 đến 6 tháng với lãi suất ghi trong hợp đồng 14/%/năm, lãi suất thoả thuận ngoài hợp đồng từ 3,7% đến 13%/năm.

Tuy nhiên sau đó, gần 669 tỷ đồng do 17 nhân viên ACB gửi tại VietinBank chi nhánh TP.HCM và 50 tỷ đồng tại VietinBank chi nhánh Nhà Bè đã bị Huỳnh Thị Huyền Như (quyền trưởng phòng giao dịch Điện Biên Phủ thuộc Vietinbank chi nhánh TP.HCM) sử dụng các thủ đoạn gian dối để chiếm đoạt. Hành vi của Huyền Như hiện được tách riêng trong một vụ án khác.

Theo VKSND Tối cao, việc Thường trực HĐQT ACB ra Nghị quyết về việc uỷ thác gửi tiền tiết kiệm là vi phạm Điều 106 Luật các Tổ chức tín dụng năm 2010 vì Ngân hàng Nhà nước chưa có quy định hướng dẫn về nghiệp vụ uỷ thác.

Ngoài hành vi trên, ngày 5/11/2009, thường trực HĐQT ACB ra thông báo với nội dung: “Giá cổ phiếu ở thị trường chứng khoán đang diễn biến thuận lợi cho việc đầu tư để sinh lợi, Thường trực HĐQT chấp thuận cấp hạn mức 700 tỷ đồng cho hội đồng đầu tư để mua một số ít cổ phiếu có giá trị tốt và tính thanh khoản cao. Thường trực HĐQT uỷ quyền cho ông Kiên chỉ đạo trực tiếp”.

Thực hiện thông báo trên, “bầu Kiên” đã chỉ đạo Công ty ACBS (công ty chứng khoán do ngân hàng ACB sở hữu 100% vốn điều lệ) đầu tư cổ phiếu ngân hàng ACB và một số mã chứng khoán khác. Do có quy định công ty chứng khoán không được đầu tư vào cổ phiếu hoặc góp vốn của công ty sở hữu trên 50% vốn điều lệ nên “bầu Kiên” chỉ đạo ACBS ký hợp đồng hợp tác đầu tư với Công ty cổ phần đầu tư Á Châu - ACI (ông Kiên làm chủ tịch HĐQT) để mua cổ phiếu ACB.

Ngày 1/12/2009, Hội đồng đầu tư ACBS ký nghị quyết cho phép ACBS hợp tác với ACI để đầu tư cổ phiếu với trị giá tối thiểu là 2.000 tỷ đồng. “Bầu Kiên” đã ký phê duyệt với tư cách Chủ tịch Hội đồng đầu tư Ngân hàng ACB. Tiếp đó, Hội đồng trên còn ký Nghị quyết cho phép ACBS ký hợp tác với Công ty TNHH đầu tư tài chính Á Châu Hà Nội - ACI HN (cũng do ông Kiên làm Chủ tịch HĐQT) đầu tư cổ phiếu trị giá tối đa 700 tỷ đồng.

Để công ty ACBS có tiền mua cổ phiếu, theo chỉ đạo của “bầu Kiên”, ngân hàng ACB đã cho KienLongbank vay liên ngân hàng 1.000 tỷ đồng và cho Vietbank vay liên ngân hàng 500 tỷ đồng. Sau đó, KienLongbank và Vietbank cho công ty ACBS vay lại 1.500 tỷ đồng thông qua hình thức mua trái phiếu. Đến hạn thanh toán, công ty ACBS trả cho hai ngân hàng trên hơn 539 tỷ đồng. Sau đó, KienLongbank và Vietbank trả lãi cho ACB hơn 479 tỷ đồng. Theo cáo buộc của VKS, trong thương vụ trên, Ngân hàng ACB bị thiệt hại hơn 60 tỷ đồng.

Khi có được 1.500 tỷ đồng, hai công ty của “bầu Kiên” đứng tên mua gần 52 triệu cổ phiếu của ngân hàng ACB. Tháng 7/2010, Công ty kiểm toán PwC phát hiện việc hợp tác đầu tư cổ phiếu ACB là trái pháp luật nên yêu cầu ACBS phải loại bỏ số cổ phiếu ACB ra khỏi danh mục hợp tác đầu tư. Hai công ty của “bầu Kiên” phải trả tiền cho ACBS.

Để có tiền trả lại, ACB cho Vietbank vay liên ngân hàng gần 1.700 tỷ đồng với lãi suất từ 9,8% đến 11,7%/năm để ngân hàng này cho hai công ty của “bầu Kiên” vay lại dưới hình thức mua trái phiếu lãi suất 11,05% - 14,6%/năm. Theo tính toán của cơ quan công tố, việc vay qua lại này khiến ACB thất thoát gần 13 tỷ đồng do chênh lệch lãi suất.

Khi sai phạm bị phát hiện, hai công ty của “bầu Kiên” còn nợ Vietbank gần 1.200 tỷ đồng, đây cũng là số tiền Vietbank nợ của ACB. Trong khi đó, hai công ty này chỉ còn giữ số cổ phiếu của ACB trị giá hơn 578 tỷ đồng. Vì vậy, ACB chưa thu hồi được hơn 614 tỷ đồng. Tổng cộng số tiền bị cáo buộc gây thiệt hại cho Ngân hàng ACB trong thương vụ đầu tư cổ phiếu của ACB nêu trên là gần 688 tỷ đồng. Bốn người liên quan trách nhiệm trong việc này là ông Kiên với tư cách Chủ tịch Hội đồng đầu tư của ACB cùng các thành viên của Hội đầu đầu tư Công ty ACBS gồm các ông: Lê Vũ Kỳ, Đỗ Minh Toàn (phó tổng giám đốc ACB, thành viên Hội đồng thành viên Công ty ACBS), Nguyễn Ngọc Chung (quyền tổng giám đốc Công ty TNHH chứng khoán ACB).

Tại phiên tòa xét xử phúc thẩm “bầu Kiên” và đồng phạm trong vụ án kinh tế xảy ra tại Ngân hàng ACB và một số công ty ở Hà Nội và TP HCM ngày 2/6, trong phần nói lời cuối cùng, “bầu Kiên” đã dành phần lớn thời gian để gửi lời tri ân tới toàn bộ khách hàng tại Ngân hàng ACB – những người đồng hành cùng ông trong 20 năm hoạt động ngân hàng.

“Khách hàng của ACB hoàn toàn có thể tin tưởng rằng ngân hàng này là ngân hàng quản trị tốt nhất trong các ngân hàng thương mại VN, các hoạt động công khai minh bạch, điều hành có hiệu quả.

Xin thẩm phán cho tôi được nói đầy đủ vì không đầy đủ thì sẽ không giúp tôi nói lời trọng tâm. Tôi nói những điều hoàn toàn mới. Đề nghị ông kiên nhẫn và dành thời gian cho tôi.

Trước hết, đối với các cổ đông nhỏ của Ngân hàng ACB, vì việc tôi bị bắt, một số ngân hàng đã xiết nợ khi giá cổ phiếu xuống. Thiệt hại này có thể làm quý vị tán gia bại sản, tôi lòng thành xin lỗi vì đây là bất khả kháng của tôi, tôi không làm gì khác được. Các cổ đông lớn không có bất kỳ thiệt hại nào vì đây là những nhà đầu tư lâu dài.

Với hơn 15.000 cán bộ nhân viên Ngân hàng ACB, những người đã rất thành công 20 năm qua, mong anh chị em tiếp tục làm việc tận tâm. Tôi yêu cầu vợ tôi, con tôi không bao giờ được bán cổ phần của ACB, gia đình tôi tiếp tục cùng các anh chị xây dựng ACB, xây dựng đất nước. Tôi đã yêu cầu vợ tôi, yêu cầu ban lãnh đạo ACB không được cắt giảm lương, không được đuổi việc họ vì họ là những người tạo dựng thành công của ACB ngày hôm nay.

Có thể chúng tôi có sai sót, chúng tôi sẽ gánh chịu nhưng ACB, họ không bao giờ đứng tên kiện tôi hay tố cáo tôi. Tôi có niềm tin mãnh liệt vào hơn 15.000 cán bộ nhân viên này không ai kiện tôi, tố cáo tôi. Ai đứng sau họ nặc danh kiện tôi trước sau sẽ bị lôi ra ánh sáng. Họ hiểu rằng tôi đã đóng góp gì cho ACB hơn 20 năm qua”, ông Kiên dõng dạc nói.

ACB tuyên bố không kiện “bầu Kiên”

Luật sư của ACB cho rằng, ngân hàng không bị thiệt hại hơn 1.400 tỷ đồng trong vụ án như cáo buộc của VKS.

Tại phiên tòa xử Nguyễn Đức Kiên và đồng phạm ngày 29/5, nhiều người tham dự cũng như phóng viên các báo đài không khỏi ngạc nhiên khi một tổ chức được cho là bị hại trong vụ án này, là Ngân hàng ACB, lại từ chối là bị hại trong vụ án này và tuyên bố sẽ không kiện “bầu Kiên”.

Cho rằng ACB không phải là nguyên đơn dân sự, Luật sư Trương Thanh Đức, bảo vệ quyền và lợi ích cho ACB, nêu hai lý do:

Thứ nhất, việc Công ty Chứng khoán ACB (ACBS) - công ty con của ACB - mua cổ phiếu của chính ACB và bị quy kết làm trái quy định của Bộ Tài chính gây thiệt hại 688 tỷ đồng nhưng ACB không yêu cầu bồi thường. Do đó, pháp luật không thể bắt ACB phải nhận có thiệt hại.

Thứ hai, về khoản 718 tỷ đồng bị chiếm đoạt khi gửi tại VietinBank, Ngân hàng ACB đang khởi kiện đòi lại vì cho rằng không làm trái quy định khi uỷ thác cho 19 nhân viên gửi số tiền trên.

Luật sư viện dẫn, trong các tài liệu cho thấy 32 hợp đồng gửi tiền của ACB là thật 100%. Giao dịch giữa nhân viên ACB và VietinBank là thật. Trước việc số tiền này bị Huỳnh Thị Huyền Như (nguyên trưởng phòng giao dịch Điện Biên Phủ của Vietinbank chi nhánh TP HCM) dùng thủ đoạn gian dối chiếm đoạt, luật sư của ACB cho rằng: "VietinBank để mất tiền của khách hàng nên phải trả lại, không phải vì sai sót này khác mà chối bỏ trách nhiệm".

Bên cạnh đó, luật sư của bị cáo Nguyễn Đức Kiên, ông Hoàng Đôn Hùng, cho rằng, việc ACB uỷ thác cho các cá nhân gửi tiền là "không vi phạm luật". Điều 106 Luật Tổ chức tín dụng không cấm mà các ngân hàng gửi tiền. Tại thời điểm ACB thực hiện giao dịch bị VKS cho rằng vi phạm pháp luật, Ngân hàng Nhà nước chưa có văn bản hướng dẫn thực hiện luật. Cơ quan này cũng không có văn bản nào yêu cầu các ngân hàng không được hoạt động uỷ thác khi chưa có hướng dẫn.

"Cơ quan chậm ban hành hướng dẫn không có nghĩa việc làm này buộc phải dừng lại. Đây là thực trạng trong quản lý hành chính nước ta. Cần lấy tư duy thực trạng này để đánh giá vụ án", luật sư nói.

Theo Luật sư Hùng, chưa phát sinh thiệt hại từ việc uỷ thác gửi tiền, tranh chấp 718 tỷ đồng giữa ACB và VietinBank vẫn được giải quyết nên không thể coi ACB bị thiệt hại. Cũng vì lý do này mà đại diện Ngân hàng ACB nói tại tòa rằng sẽ không khởi kiện “bầu Kiên”, đúng như những gì “bầu Kiên” khẳng định trong lời nói cuối cùng: “Tôi có niềm tin mãnh liệt vào hơn 15.000 cán bộ nhân viên ngân hàng này không ai kiện tôi, tố cáo tôi. Họ hiểu rằng tôi đã đóng góp gì cho ACB hơn 20 năm qua”.

Theo Kiến thức

Các tin cũ hơn