Mua máy ảnh hơn 20 triệu đồng tại cửa hàng có tiếng lâu năm ở đầu phố Tràng Thi (Hà Nội), chị Thanh được nhân viên thông báo phải trả thêm phí 2% nếu thanh toán bằng thẻ tín dụng. "Quẹt thẻ ghi nợ nội địa ATM cũng mất 1%. Trừ phi tôi chuyển khoản online cho cửa hàng mới không mất phí", chị Thanh kể.
Nhiều cửa hàng tại Hà Nội vẫn tính phí 2% nếu khách quẹt thẻ, một số khác lại thông báo máy bị hỏng, lỗi để khách hàng trả tiền mặt. |
Tương tự, tại doanh nghiệp chuyên cung cấp ống kính, máy ảnh có nhiều cơ sở tại Hà Nội cũng thu phụ phí 2% nếu thanh toán bằng Visa hoặc Master Card. Nam nhân viên tại cửa hàng ở Xã Đàn thừa nhận với khách rằng, việc này không đúng với quy định của các ngân hàng. "Nhưng nếu không thu của khách, cửa hàng sẽ phải bù khoản 2% này. Bán một chiếc máy ảnh 10-20 triệu đồng có khi em cũng chỉ lãi được ngần ấy", anh này nói.
Theo quy định, các đơn vị chấp nhận thanh toán thẻ (merchant) không được thu bất cứ khoản phụ phí nào với khách hàng khi sử dụng thẻ (dù là ATM hay tín dụng). Thậm chí, ngay cả khi ngân hàng dọa "cắt" dịch vụ, nhiều merchant vẫn làm ngơ. Gần đây, Ngân hàng Nhà nước cũng yêu cầu các ngân hàng phát hành xử lý mạnh tay hơn với merchant, đồng thời đang đề xuất phương án phạt tiền 30-50 triệu đồng nếu phát hiện thiết bị chấp nhận thanh toán thẻ (POS) vi phạm.
Tỷ lệ tiền mặt trên tổng phương tiện thanh toán ngày càng giảm dần, từ 20,3% (năm 2004) xuống 14% (năm 2010) và đến nay còn khoảng hơn 11% nhưng vẫn còn khá cao so với thế giới. Đến hết I/2014, các ngân hàng đã đầu tư 15.500 máy ATM, gần 138.000 POS cho nhu cầu không dùng tiền mặt của người dân. Cả nước hiện có hơn 68,5 triệu thẻ ngân hàng, trong đó có hơn 5 triệu là thẻ tín dụng và trả trước. |
Trước những quy định này, nhiều cửa hàng dù có POS nhưng vẫn tìm mọi cách "né" chấp nhận thanh toán thẻ với khác. Tại cửa hàng thời trang khu Dịch Vọng Hậu (Cầu Giấy, Hà Nội) cũng như nhiều đơn vị khác, khách có nhu cầu quẹt thẻ đều bị từ chối với lý do "máy đang hỏng" hoặc "hết giấy in hóa đơn"... Chia sẻ thật với khách, nhiều chủ cửa hàng nói: "Thà như vậy còn hơn cho quẹt thẻ rồi phải thu phụ phí, chẳng may bị phạt lại phiền".
Đại diện Vụ Thanh toán Ngân hàng Nhà nước cho biết, đây là thực tế và cũng là thách thức của cơ quan quản lý trong việc đẩy mạnh thanh toán không dùng tiền mặt ở Việt Nam. Theo ông, vấn đề là bản thân các cửa hàng, các merchant chưa thực sự hiểu những thuận lợi từ việc chấp nhận thanh toán thẻ. Ông cho rằng, người dân nên từ chối không mua hàng tại những đơn vị như vậy. "Điều này sẽ khiến các merchant tự hiểu, việc thu phụ phí là mất khách hàng", ông nói.
Đồng tình với quan điểm này, ông Nguyễn Hữu Phúc – Giám đốc Trung tâm thẻ Ngân hàng Sài Gòn Thương Tín (Sacombank) - giải thích thêm: “Merchant có thể phải trả một ít phí nhưng ngược lại, họ sẽ được tăng doanh số bán hàng nhờ nguồn khách lớn và ổn định do ngân hàng cung cấp, đặc biệt là khách hàng thẻ tín dụng được nhà băng cấp hạn mức tiêu dùng để kích cầu. Ví dụ như Sacombank, hiện đã hợp tác với nhiều merchant những chương trình giảm giá sốc, mua trả góp lãi suất 0% và nhờ vậy, doanh số của họ cải thiện rất nhanh”, ông Phúc nói. Bên cạnh đó, theo ông, những người bán hàng, các đơn vị chấp nhận thẻ nên xem đây như một chi phí phụ, giúp họ giảm bớt nhân công, việc kiểm đếm cũng như rủi ro về tiền mặt.
Một chuyên gia về thanh toán thẻ cho biết, với mỗi giao dịch, chi phí chiết khấu dao động khoảng 1,6-1,8% nên đây là lý do nhiều merchant thu phí từ 2-3% với khách hàng. Tuy nhiên, ngân hàng thu phí từ các merchant hầu hết chỉ đủ bù đắp vốn mà không có lãi. Ông này lấy ví dụ, mỗi giao dịch, phía ngân hàng phát hành máy POS sẽ phải trả từ 1-1,5% cho các tổ chức thanh toán quốc tế, phần còn lại chuyển cho ngân hàng phát hành thẻ tín dụng cho khách. Về phần mình, các nhà băng phát hành thẻ này đã phải bỏ ngân sách để miễn lãi 45 ngày cho người sử dụng.
Trên thực tế, một số tổ chức thanh toán thẻ có chương trình cử người bí mật đến các POS, đóng vai khách hàng để kiểm tra. Nếu phát hiện merchant thu phụ phí sẽ thông báo cho ngân hàng phát hành POS xử lý. Nếu lần thứ 2 vi phạm, họ có thể phạt tiền chính ngân hàng này khoảng 1.000 USD hoặc hơn nếu số lần tái phạm nhiều. Do vậy, bản thân các ngân hàng cũng cho biết sắp tới sẽ xử lý nặng tay hơn với các merchant vi phạm.
Đại diện của Sacombank khuyến cáo thêm: “Nếu các chủ thẻ bị yêu cầu trả phí khi thanh toán có thể phản ánh với ngân hàng phát hành thẻ. Từ đó, ngân hàng này cũng như tổ chức chấp nhận thanh toán như Visa hay MasterCard sẽ có biện pháp chế tài với họ qua chương trình chống thu phụ phí – Anti Surcharge”.
Theo VnExpress