Thời gian nộp thuế ở Việt Nam gấp 4 lần các nước trong khu vực
Theo báo cáo môi trường kinh doanh (Doing Businese) của Ngân hàng Thế giới (WB), Việt Nam là quốc gia có thời gian tiêu tốn cho nộp thuế gần như cao nhất khu vực với 872 giờ mỗi năm, gấp 4 lần mức trung bình của các nước châu Á - Thái Bình Dương và cao hơn Indonesia (259 giờ), Thái Lan (264 giờ), Phillipines (193 giờ), Malaysia (133 giờ) và Singapore (82 giờ).
Trong đó, lãng phí nhất là thời gian để người sử dụng lao động đi đóng các khoản an sinh xã hội bắt buộc như bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp. Thời gian cho hoạt động này lên đến 335 giờ với tần suất kê khai 12 lần/năm. Trong khi đó, thủ tục về thuế GTGT tốn mất 320 giờ và nộp thuế thu nhập doanh nghiệp là 217 giờ.
Theo phân tích của ông Bùi Thái Quang, đại diện dự án Quản trị nhằm tăng trưởng toàn diện của USAID, hiện chỉ số nộp thuế của Việt Nam đứng thứ 149, thấp nhất trong khu vực. Trong đó thời gian nộp thuế lại quá cao.
Lý giải vì sao ở Việt Nam nộp thuế lại tốn nhiều thời gian như vậy, ông Quang cho biết: “Trong 872 giờ thì số giờ doanh nghiệp dùng để đóng các loại thuế và đóng góp an sinh xã hội của người lao động là chiếm thời gian nhiều nhất với 335 giờ.
Điều này bắt nguồn từ yêu cầu phải tuân thủ năm loại thuế đánh trên thu nhập trước thuế và nghĩa vụ phải làm thủ tục hoàn thuế thu nhập cá nhân. Phần còn lại doanh nghiệp tốn 320 giờ nộp thuế VAT, 217 giờ để nộp thuế thu nhập doanh nghiệp. Trong đó thủ tục nộp thuế yêu cầu chi tiết trong hồ sơ khai hằng tháng và cả năm, phải kê khai nhiều lần trong năm, việc kê khai nhiều khi vừa thực hiện bằng giấy vừa kê khai điện tử, thời gian làm thủ tục nộp thuế dài…”.
Bà Hoàng Thị Lan Anh - Phó trưởng Ban Cải cách Tổng cục Thuế thừa nhận thời gian nộp thuế tại Việt Nam vẫn cao nhưng đã cải thiện nhiều so với mức 1.050 giờ trước đây.
Theo bà, những ứng dụng phần mềm hỗ trợ kê khai thuế điện tử, kê khai qua mạng triển khai từ năm 2008 đã góp phần giảm gần 200 giờ nộp thuế. Tuy vậy, con số hiện tại vẫn chưa đáp ứng được mong muốn.
Việt Nam tiêu tốn thời gian nộp thuế gấp 4 lần các nước trong khu vực.
Khổ như đi nộp thuế
Đại diện một hiệp hội doanh nghiệp cho rằng, trong chuyện làm ăn, DN sợ nhất là thuế. Vị này cho biết thêm: 70% DN trong hiệp hội là DN vừa và nhỏ, không có chuyên viên lo thủ tục thuế. Kế toán lo việc không trôi, giám đốc công ty phải “lăn” vào mà giải quyết. Mà đã đến cơ quan thuế là xác định coi như đi “nghỉ mát”, tức là vào phòng máy lạnh ngồi chờ… đã đời. Lắm khi nộp thuế mà như đi xin vậy!
Vì sao DN nào cũng sợ thuế?- Vì thủ tục thuế quá rắc rối? Vì cán bộ thuế chưa thật sự liêm chính? Hai yếu tố ấy ngốn biết bao thời gian và tiền của của DN.
Mất 872 giờ mỗi năm để nộp thuế, “được” như vậy đã là tiến bộ lắm rồi. Vài năm trước, con số này là 1.050 giờ! Ngành thuế cho rằng do nền kinh tế nước ta còn nặng về thanh toán tiền mặt, các DN không chuộng kê khai nộp thuế qua mạng nên mất nhiều thời gian… Điều đó đúng song chưa đủ. Lý do khác không thể né tránh đề cập, đó là còn nhiều cán bộ thuế và hải quan thiếu trong sạch, cố tình “dìm” DN để vòi vĩnh, thu lợi cá nhân. Thực trạng ấy đã được kiểm chứng qua tố giác của DN tại các buổi đối thoại công khai với lãnh đạo ngành thuế, hải quan - 2 ngành có sự liên quan mật thiết. Chưa hết, ở nhiều tỉnh - thành liên tục xảy ra các vụ cán bộ thuế và hải quan bị bắt quả tang, bị xử lý hình sự vì nhận tiền hối lộ, hầu hết đều chủ động “gợi ý” DN chung chi.
Chiến lược phát triển của ngành thuế đã đặt ra một số mục tiêu chính là phấn đấu đến năm 2015, Việt Nam trở thành 1 trong 5 nước đứng đầu khu vực Đông Nam Á được xếp hạng cho mức độ thuận lợi về thuế. Thật khó mà đạt được mục tiêu này nếu chỉ chú trọng tinh giản thủ tục mà ít quan tâm giải quyết vấn đề con người. Tuyên ngôn của ngành thuế là “Minh bạch - Chuyên nghiệp - Liêm chính - Đổi mới”, nhiều ý kiến cho rằng tiêu chí “Liêm chính” lẽ ra phải được xếp đầu tiên.
Thuế là 1 trong 10 tiêu chí đánh giá môi trường kinh doanh của quốc gia, theo Ngân hàng Thế giới. Chưa giải quyết được sự trì trệ về thu - nộp thuế thì con đường đi tới của cộng đồng DN và cả nền kinh tế nước ta còn bị cản trở.
Theo NĐT