Khác với người vợ nổi tiếng trong giới nghệ sĩ, ông Phương là một người khá kín tiếng. Trong ngôi nhà sang trọng trên đường Cộng Hòa, quận Tân Bình (TP.HCM) được đồn thổi trị giá lên tới 100 tỷ đồng, ông Phương nhìn giản dị với bộ quần áo không cầu kỳ. Người đàn ông này chia sẻ thẳng thắn về cuộc sống và nghiệp kinh doanh đầy thăng trầm của mình.
Xuất thân từ một gia đình nghèo, đông anh em và là anh cả ở vùng quê Bắc Ninh, ông Ngô Nhật Phương vào ngành công an theo ý nguyện của gia đình. Tuy nhiên, sự thôi thúc thử thách mình đã khiến ông quyết tâm bỏ công việc ổn định để đến với niềm đam mê kinh doanh.
Doanh nhân Ngô Nhật Phương bên vợ và 4 con. Ảnh: NP. |
Cái duyên đưa đẩy ông dấn thân vào kinh doanh rất đặc biệt, bắt đầu từ việc cho thuê chiếu, bán nước chè, đến bán cuống vé tàu…
Ông kể, có lần ngồi chờ tàu ở Ga Bình Triệu (TP.HCM) cả đêm, vì mệt mỏi ông đành phải mua manh chiếu trải nằm. Thấy nhiều người xung quanh cùng cảnh ngộ nên ông cho ngồi nhờ. Từ việc làm đơn giản này, ông bỗng nảy ra ý tưởng cho thuê chiếu, bán nước chè kiêm kể chuyện phim chưởng hằng đêm tại Ga Bình Triệu.
Kinh doanh dịch vụ này được hơn một năm, dành dụm được một chút tiền ông tiếp tục mua 3-4 xe đẩy bánh mì, xe cơm, xe hủ tiếu, rồi thuê người bán. Ông tâm sự: “Làm công việc này người ta phải bỏ đi cái máu sĩ diện, không kể sang hèn thì mới làm được”. Tuy nhiên, lợi nhuận kiếm được cũng không đáng là bao nên ông chuyển sang kinh doanh thuốc lá.
Ông Phương cho hay, lúc đó ông và Công ty AIT Hong Kong kết hợp với Công ty Dịch vụ thương mại hàng không sân bay quốc tế Nội Bài, cùng Ban đặc nhiệm Trung ương tiến hành thu mua thuốc lá ngoại nhập lậu bị bắt để tái xuất.
“Kinh doanh không được bao lâu thì tôi bị các cơ quan chức năng điều tra về vụ tái xuất thuốc lá, gần 10 người trong đó có tôi phải vào tù. Riêng tôi sau đó bị toà tuyên án tổng cộng 20 năm về tội danh buôn bán hàng cấm (thuốc lá). May mắn sau đó những đồng nghiệp cũ, chuyên gia tại các đơn vị nghiệp vụ đã từng làm việc chia sẻ, tạo điều kiện để cho tôi lập công và chỉ sau 3 năm tôi được Chủ tịch nước ký lệnh ân xá”, ông kể.
Sau khi ra tù, cảm thấy môi trường kinh doanh ở Việt Nam chưa phù hợp với một người vừa trải qua tù tội, ông Phương quyết định sang Campuchia kinh doanh vào năm 1986.Ban đầu, ông thuê một căn nhà 3 tầng để làm nhà hộ sinh, mời một số bác sĩ quân đội về làm. Thời bấy giờ, họ là bộ đội phục viên nên cũng không quá câu nệ về vấn đề tiền bạc. Sau 7 tháng kinh doanh, ông kiếm được 60.000 USD. Sang tháng thứ 8, Campuchia được các tổ chức của Liên Hợp Quốc viện trợ, các hệ thống y tế nơi đây được cải tiến, vì vậy hoạt động kinh doanh của nhà hộ sinh khó hơn, ông đã quyết định sang nhượng cho người khác.
Với số tiền kiếm được từ kinh doanh nhà hộ sinh, ông bắt đầu mở cửa hàng miễn thuế đầu tiên tại Cửa khẩu Mộc Bài (Tây Ninh) và Cửa khẩu Vĩnh Xương (An Giang) với hàng trăm mặt hàng từ thuốc lá, rượu, bia cho tới các sản phẩm tiêu dùng. Thời kỳ này, lợi nhuận từ cửa hàng miễn thuế rất cao. Thấy công việc thuận lợi, ông tiếp tục dùng số tiền kiếm được mở thêm nhiều hệ thống khác và đến nay nắm trong tay hơn 23 cửa hàng miễn thuế và các kho ngoại quan dọc biên giới Lào, Capuchia, Thái Lan, Việt Nam, Myanmar. Ông nói: “Bây giờ việc kinh doanh loại hình này đã bắt đầu khó khăn vì có quá nhiều doanh nghiệp làm như tôi, lợi nhuận cả năm không bằng một tháng của những năm trước đó”.
Mặc dù khó khăn vẫn đầy rẫy, kinh doanh cửa hàng miễn thuế không còn thuận lợi như trước, không dừng lại ở đây, với số vốn dành dụm được ông Phương tiếp tục nghĩ đến con đường làm nông nghiệp. Sau khi được chính quyền Campuchia và Lào cấp đất rừng, khai thác gỗ để chuyển đổi sang trồng cao su, ông tuyển những người ở miền quê nghèo khó và các tù nhân đã mãn hạn đến làm việc. Số đất rừng đã khai thác, ông chuyển sang trồng hồ tiêu, cao su, con giống thuốc lá và thuốc lá. Hiện ông có 8.700 ha cao su, hồ tiêu, mía, nguyên liệu thuốc lá… trong đó 700 ha cao su và hơn 100 ha hồ tiêu đã được thu hoạch. 5 năm đầu, lợi nhuận từ cao su dường như là con số không nhưng ông không nản chí, vẫn tiếp tục lấy lợi nhuận từ hồ tiêu để đầu tư, sang đến năm thứ 6 thì cao su bắt đầu có lãi.
Chỉ mới nhen nhóm niềm vui được 2 năm thì năm vừa qua, trong trận mưa lớn cây cao su chết hàng loạt, khiến ông thiệt hại cả trăm tỷ đồng. Thêm vào đó, mủ cao su xuống giá vì Trung Quốc giảm thu mua, thậm chí có đợt ngừng thu mua khiến cho ông càng khó khăn.
"Lần này tuy lỗ nặng nhưng không vì thế mà tôi từ bỏ cây cao su, tôi vẫn còn hồ tiêu để cứu cánh. Tôi tin 'trời sẽ không phụ lòng người' nếu làm hết sức mình. Mặt khác, nếu tìm được thị trường mới, tôi nghĩ sản phẩm cao su sẽ không lo mất giá", ông nói.
Chia sẻ về chuyện làm ăn, ông Phương cho biết để quản lý gần chục hạng mục kinh doanh, ông luôn đặt quyền lợi của người lao động song hành với quyền lợi của mình. Chẳng hạn như cao su, khi làm hợp đồng với người lao động, ông cung cấp cây giống, đất và khoán cho người lao động chăm sóc, xây nhà lưu trú để họ sống và làm việc. 5 năm đầu ông cho công nhân vay tiền bằng cách cấp lương hàng tháng, bình quân 4 triệu đồng một người. Khi cao su đến thời điểm thu hoạch, ông cho họ hưởng 35% sản phẩm, còn ông 65%. Các năm tiếp theo sản lượng tăng, người lao động sẽ hưởng khoảng 40-45%.
“Nhờ chính sách này, nên chưa có người lao động nào bỏ tôi mà đi, thậm chí họ còn muốn nhận thêm diện tích để chăm sóc”, ông Phương bộc bạch.
Ngoài cao su và hồ tiêu, ông còn mở hệ thống thu mua và phân loại ve chai, kinh doanh xăng dầu, thuốc lá, nội thất, khách sạn. Gần đây nhất là mở nhà máy chiếu xạ thanh long và công ty về cơ điện lạnh.
Kể về hệ thống thu mua ve chai, ông Phương cho hay, 3 năm đầu lỗ tiền tỷ. Sau đó, ông tìm cách phân loại ra từng nhóm khác nhau và tái chế thì bắt đầu có lãi. Hiện ông có 80 vựa ve chai trải dài từ Việt Nam cho đến Lào, Campuchia. “Lợi nhuận kiếm được từ hạng mục kinh doanh này là ổn định nhất”, ông nói.
Riêng về công ty cơ điện lạnh, đây là lĩnh vực kinh doanh khá khó khăn. Ban đầu các nhà cung cấp sản phẩm điện lạnh ở Nhật không mảy may quan tâm đề nghị phân phối sản phẩm của ông vì công ty chưa có tiếng trên thị trường. Để đảm bảo không làm ăn "chụp giật", nhà cung ứng Nhật yêu cầu công ty phải có bảo lãnh của ngân hàng. Sau khi làm đầy đủ thủ tục phía Nhật yêu cầu, ông bắt đầu nhập hàng về nước.
Vì là một ngành cạnh tranh gay gắt trên thị trường nên 3 năm đầu ông lỗ gần 100 tỷ đồng. Không chịu thua, ông tìm hướng có lời bằng cách bán cho các đại lý với giá gốc, yêu cầu họ trả tiền trước, số tiền đó ông đem đi gửi ngân hàng để lấy lãi. Đến kỳ 6 tháng phải thanh toán với nhà sản xuất, ông mới lấy tiền gốc ra trả và lãi vẫn để trong ngân hàng để tiếp tục sinh lời. Những năm gần đây, dù kinh kế khó khăn nhưng công ty điện lạnh của ông vẫn luôn làm ăn có lãi.
Đúc rút kinh nghiệm làm ăn ông Phương cho hay, ông không có bí quyết gì nhưng theo ông muốn kinh doanh được phải có niềm đam mê, tìm tòi và am hiểu về những lĩnh vực mà mình kinh doanh, quy luật cung cầu và dòng chảy thị trường, các tác động vĩ mô, vi mô và những yếu tố khách quan rủi ro nhất có thể ập đến. Đôi khi người kinh doanh phải biết liều lĩnh, táo bạo, hành động quyết đoán theo cảm quan của mình, nhưng phải tuyệt đối am hiểu pháp luật nếu không rất dễ thất bại hoặc có nguy cơ vào tù.
"Ban đầu vất vả lắm, thất bại nối đuôi nhau nhưng tôi vẫn quyết tâm làm để bảo vệ đam mê của mình. Phải mất gần 7 năm đào tạo, sàng lọc tôi mới xây dựng được một bộ khung của các tổ đội trên mọi miền", ông nói thêm.
Chia sẻ về hướng kinh doanh trong thời gian tới, ông Phương cho hay, trước mắt cao su đang lỗ nhưng ông xem mặt hàng này, cùng với hồ tiêu, thanh long hay ve chai vẫn là những hạng mục kinh doanh tốt. Bởi lẽ, đó là những hạng mục có yếu tố bền vững cao, mang lại việc làm chính đáng cho người lao động.
Ông Ngô Nhật Phương sinh năm 1960, quê Bắc Ninh. Hiện ông nắm giữ trong tay 8.700ha cao su, mía, hồ tiêu, thuốc lá; 80 vựa ve chai lớn với 1.000 điểm thu mua trải dài từ Việt Nam cho đến Lào, Campuchia; Nhà máy chiếu xạ thanh long; Công ty cơ điện lạnh tại TP.HCM; 23 cửa hàng miễn thuế dọc biên giới Việt Nam-Lào-Campuchia. Ngoài ra, ông đang có ý định đầu tư khu nghỉ dưỡng... |
Theo VnExpress