Chính phủ: Tình hình Biển Đông sẽ thử thách kinh tế cuối năm

Thứ tư, 09/07/2014, 17:37
Không thay đổi chỉ tiêu kinh tế cả năm, song Chính phủ nhìn nhận thách thức, rủi ro còn rất lớn, đặc biệt là diễn biến phức tạp trên Biển Đông.

Theo Nghị quyết phiên họp thường kỳ tháng 6 vừa được Văn phòng Chính phủ phát đi, kinh tế vĩ mô 6 tháng đầu năm được đánh giá  ổn định, tăng trưởng GDP ước đạt 5,18% - cao nhất so với cùng kỳ ba năm gần đây, lạm phát được kiểm soát ở mức thấp, lãi suất tiếp tục giảm, dự trữ ngoại tệ tăng, cán cân thanh toán thặng dư, thị trường ngoại hối ổn định…

san-xuat-5391-1404874781.jpg

Chính phủ khẳng định không điều chỉnh các chỉ tiêu kinh tế đã đề ra đầu năm.

Tuy nhiên, tình hình sản xuất kinh doanh vẫn còn nhiều khó khăn, Nghị quyết cho biết. Nguyên nhân do tổng cầu trong nước tăng chậm, tín dụng tăng trưởng thấp, xử lý nợ xấu chưa đạt mục tiêu, tiêu thụ nông sản gặp nhiều khó khăn, số doanh nghiệp giải thể, ngừng hoạt động lớn và việc cổ phần hóa doanh nghiệp Nhà nước, thoái vốn đầu tư ngoài ngành chưa đạt yêu cầu.

“Trong 6 tháng cuối năm, kinh tế thế giới tiếp tục phục hồi tăng trưởng nhưng thấp hơn dự báo đầu năm và tiềm ẩn nhiều rủi ro. Tình hình Biển Đông tiếp tục diễn biến phức tạp, tác động đến kinh tế", Chính phủ đánh giá.

Có cùng quan điểm thận trọng như trên, báo cáo mới cập nhật của Ngân hàng Thế giới (WB) cũng dự báo GDP năm 2014 của Việt Nam tăng ở mức khiêm tốn khoảng 5,4%, thấp hơn dự báo đưa ra hồi đầu tháng 6 (5,5%) và mục tiêu được Chính phủ đề ra (5,8%). Theo tổ chức này, lòng tin của khu vực tư nhân vẫn chưa đủ mạnh để kích thích nhu cầu trong nước, quá trình tái cơ cấu chậm chạp, căng thẳng kéo dài về tranh chấp lãnh thổ trong khu vực cũng làm trầm trọng thêm những rủi ro bất lợi cho Việt Nam.

Trong thông cáo báo chí phiên họp, Chính phủ vẫn khẳng định "không điều chỉnh các chỉ tiêu, mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội được đề ra cho năm 2014". Cụ thể, mục tiêu hàng đầu là nỗ lực cao nhất bảo vệ chủ quyền quốc gia, bảo đảm an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội. Đặc biệt là không để tái diễn các hành vi gây rối, mất ổn định an ninh trật tư như vừa qua tại các thành phố lớn, khu công nghiệp, khu kinh tế, khu chế xuất..., tạo môi trường đầu tư, sản xuất kinh doanh thuận lợi.

Nhà điều hành cũng yêu cầu các Bộ, cơ quan, địa phương chủ động nắm tình hình, chuẩn bị tốt các phương án ứng phó với các kịch bản có thể xảy ra, tăng tổng cầu, đẩy mạnh tái cơ cấu nền kinh tế, trọng tâm là doanh nghiệp nhà nước, đầu tư công và các tổ chức tín dụng.

Trong đó, Bộ Công Thương được giao nhiệm vụ đẩy mạnh hoạt động xúc tiến thương mại, mở rộng các thị trường xuất khẩu tiềm năng, đa dạng hóa các thị trường nhằm bảo đảm không phụ thuộc quá lớn vào một thị trường, một đối tác. Ngân hàng Nhà nước Việt Nam tiếp tục điều hành thực hiện kế hoạch tăng trưởng tín dụng hợp lý để thúc đẩy sản xuất kinh doanh, hỗ trợ thị trường, tập trung cho các lĩnh vực ưu tiên. Đẩy nhanh tiến độ xử lý nợ xấu và tiếp tục cơ cấu lại các tổ chức tín dụng.

Bộ Xây dựng cũng sẽ trình Thủ tướng Nghị quyết sửa đổi, bổ sung một số giải pháp tháo gỡ khó khăn cho thị trường bất động sản, trong đó bổ sung đối tượng được vay vốn để xây dựng nhà ở từ gói tín dụng hỗ trợ, bao gồm cán bộ, công chức, viên chức, lực lượng vũ trang và người lao động tại đô thị đã có đất ở phù hợp với quy hoạch và đang gặp khó khăn về nhà ở nhưng chưa được nhà nước hỗ trợ dưới mọi hình thức.

Về tái cơ cấu doanh nghiệp nhà nước, Chính phủ yêu cầu các Bộ, cơ quan, Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, tập đoàn kinh tế, tổng công ty nhà nước thực hiện quyết liệt, bảo đảm lộ trình đã đề ra là đến năm 2015 cổ phần hóa được 432 đơn vị.

Theo VnExpress

Các tin cũ hơn