Tập đoàn này bắt đầu công tác phát triển mỏ năm 2004, sau khi nhận thấy tại thời điểm đó, mức thuế tài nguyên là 6% và không có phí môi trường. Năm 2006, nhà máy vàng Bồng Miêu bắt đầu hoạt động. Năm 2008, xây dựng phát triển ở mỏ Phước Sơn và đưa nhà máy vàng Phước Sơn vào hoạt động năm 2011.
Besra cho biết đã khai thác được 6,9 tấn vàng tại hai mỏ Bồng Miêu và Phước Sơn. Tuy nhiên, hai Công ty vàng thuộc tập đoàn này là Công ty TNHH Vàng Phước Sơn và Công ty TNHH Khai thác vàng Bồng Miêu vẫn còn thiếu nợ thuế Quảng Nam gần 300 tỷ đồng và hàng chục tỷ đồng với các đối tác làm ăn.
Theo tính toán của giới buôn bán vàng, nếu tính giá vàng rẻ nhất hiện nay là khoảng 30 triệu đồng/lượng thì với số lượng vàng 6,9 tấn mà tập đoàn đã lấy đi từ hai mỏ vàng Bồng Miêu là hơn 5.000 tỷ đồng, tương đương khoảng 250 triệu USD.
Ông Lương Đình Đường, Phó cục trưởng Cục Thuế tỉnh Quảng Nam, cho biết, số thuế của Công ty vàng đang nợ vốn dĩ đã được cơ cấu, tính vào trong giá bán vàng.
Khi Công ty bán vàng đủ doanh thu rồi thì tiền thuế này đã ở trong đó và Công ty phải có trách nhiệm nộp số tiền thuế đó cho ngân sách nhà nước. Tuy nhiên, Công ty đã sử dụng số thuế này vào một mục đích khác mà không nộp vào ngân sách nhà nước. Việc làm này đã vi phạm nghiêm trọng về luật quản lý thuế.
Theo ông Đường, khi được cấp giấy phép đầu tư, vấn đề liên quan đến thuế đã được ghi rõ trong giấy phép đầu tư ngay từ khi Công ty bắt đầu triển khai dự án. Riêng nhà máy vàng Bồng Miêu đã có “ưu đãi đặc biệt” khi thuế tài nguyên suốt dự án chỉ ở mức 3%. Tuy nhiên, đến nay, nhà máy này vẫn nợ thuế tài nguyên và các khoản thuế khác hàng chục tỷ đồng.
Theo ông Đường, vào năm 2012, có thời điểm Công ty Vàng Phước Sơn sản xuất đỉnh cao với 100kg/tháng (tương đương 1,2 tấn vàng/năm), nhưng Công ty vẫn không nộp thuế.
Theo Cục Thuế Quảng Nam, 2 Công ty vàng Phước Sơn và Bồng Miêu từ cuối năm 2012 chậm nộp thuế, trong khi vàng vẫn bán ra.
Cục Thuế đã dừng cưỡng chế 8 tháng, nhưng Công ty vẫn không nộp. Đến tháng 4/2014, buộc áp dụng cưỡng chế thuế lần 2. UBND tỉnh chỉ đạo xem xét gia hạn nộp thuế không quá 24 tháng, tuy nhiên, quy định không quá 12 tháng.
Việc chỉ đạo lần này khiến Cục Thuế Quảng Nam phải báo cáo Tổng cục Thuế và Bộ Tài chính nhờ can thiệp, giải quyết. Chưa biết đến bao giờ số nợ thuế gần 300 tỷ đồng mới được thu hồi.
Theo Tiền Phong