Chủ tịch Trí Việt cam kết không nhập tàu cá quá tuổi

Thứ ba, 19/08/2014, 13:57
Trong trường hợp không nhận được hỗ trợ từ cơ quan chức năng, ông Trần Văn Trí cho biết doanh nghiệp vẫn sẽ nhập 20 chiếc, trong tổng số 220 tàu vỏ thép dự kiến nhập và đóng mới để phục vụ đánh cá.  

Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn có phản hồi về đề nghị ưu đãi để nhập cũ và đóng mới 220 tàu vỏ thép của doanh nghiệp, Chủ tịch Công ty cổ phần Thủy hải sản Trí Việt (Vĩnh Long) - Trần Văn Trí cho biết đã tiến hành điều chỉnh và quyết tâm thực hiện kế hoạch này.

Mr-Tri-2208-1408419935.jpg

Ông Trần Văn Trí, Chủ tịch Công ty Thủy hải sản Trí Việt. Ảnh: Ái Nam

- Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn vừa có văn bản trả lời Trí Việt và một doanh nghiệp khác về đề xuất hỗ trợ vốn đóng và nhập tàu. Theo đó, việc nhập khẩu tàu vỏ thép trên 15 tuổi được đánh giá là không phù hợp. Là người đề xuất, ông nghĩ sao?

- Tôi cho rằng đây là một quan điểm rất đúng đắn. Đầu tiên chúng tôi dự định nhập 220 tàu cũ, có trọng tải lớn. Tuy nhiên, tàu cũ hay hư hỏng và khó sửa chữa. Đây cũng là tính mạng của ngư dân mình nên phải chặt chẽ.

Sau khi nhận được hướng dẫn từ Bộ Nông nghiệp chúng tôi quyết định chuyển hướng nhập tàu vỏ thép sử dụng dưới 8 năm, trong khoảng 50 tấn, công suất trên 400 CV và 500 CV của một số nước như Mỹ, Hàn Quốc, Nhật Bản… Giá mỗi chiếc này khoảng 300.000 USD. Tuy nhiên, trước mắt phải được sự đồng ý của Chính phủ, chúng tôi mới xúc tiến tiếp.

- Nếu không được Chính phủ chấp thuận hỗ trợ thì doanh nghiệp sẽ tính sao?

- Như kế hoạch đã trình, ở giai đoạn một, chúng tôi dự định mua 72 tàu, trong đó có 20 chiếc hậu cần và cứu hộ, 50 chiếc vỏ thép phục vụ ngư dân 6 tỉnh miền Tây đánh bắt xa bờ.

Còn nếu chưa được hỗ trợ, chúng tôi vẫn sẽ mua trước 20 chiếc trong năm 2014. Đầu tháng 8 vừa qua, tôi đã có các cuộc làm việc với đối tác Hàn Quốc và dự kiến sẽ được họ hỗ trợ đầu tư 50% trong kế hoạch này. Việc mua máy bay được đặt ra ở giai đoạn 2 nên hiện nay chúng tôi chưa bàn đến. Tuy nhiên, đây cũng là công việc cần thiết vì nhằm mục đích cứu hộ cứu nạn.

- Vậy bản thân doanh nghiệp đã có trong tay những gì để thực hiện kế hoạch này?

- Hiện chúng tôi đã chuẩn bị được khoảng 30% vốn để mua 20 chiếc tàu. 50% phía đối tác tại Hàn Quốc có thể cho chúng tôi vay. Nói là vay, nhưng thực chất là sự hợp tác giữa 2 bên, họ sẽ bao tiêu đầu ra cho sản phẩm. Câu chuyện này chắc chắn sẽ được bàn kỹ hơn nếu dự án được thông qua.

Một phần còn lại, nếu kết nối được với ngân hàng trong nước cho vay là tốt nhất. Nếu không, chúng tôi sẽ làm việc thêm với đối tác Hàn Quốc, Nhật Bản để vay nhiều hơn. Họ có thể cho vay đến 70% và chúng tôi chưa chắc phải vay của các nhà băng trong nước.

- Bỏ ra nhiều tâm huyết với dự án như vậy, ông kỳ vọng gì vào hiệu quả kinh tế của nó?

- Hiện chúng tôi chưa tính toán con số cụ thể. Khi được sự đồng ý của Chính phủ, các Bộ, ngành chúng tôi mới kết hợp với Ban chỉ đạo Tây Nam Bộ, họp lại với các tỉnh, chọn những ngư dân có tay nghề chuyên nghiệp và giao tàu cho họ. Khi ngư dân đánh bắt được thủy hải sản về, sẽ bàn tiếp việc họ được hưởng bao nhiêu, công ty bao nhiêu. Còn nếu dự án không được thông qua, chúng tôi sẽ đem vốn đầu tư sang Indonesia. Tuy nhiên, trước mắt, tôi chưa muốn nói về kế hoạch này.

Về đề xuất xin nhập và đóng mới 220 tàu vỏ thép, nhập 3 máy bay trực thăng cứu hộ, cứu nạn và xây dựng 2 cầu cảng tại huyện đảo Phú Quốc (Kiên Giang) và cảng Trần Đề (Sóc Trăng) của Trí Việt, Văn phòng Chính phủ vừa có văn bản ngày 18/8 giao Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn, Bộ Giao thông Vận tải, Ủy ban Quốc gia tìm kiếm Cứu nạn nghiên cứu, giải quyết. Ý tưởng này được doanh nghiệp đưa ra trong bối cảnh Nhà nước đang có chủ trương đóng mới, cải tạo và nâng cấp tàu đánh cá vỏ thép giúp ngư dân đánh bắt, khai thác thủy hải sản. Trước đó, đề xuất nhập tàu quá tuổi của doanh nghiệp đã bị Bộ Nông nghiệp bác bỏ.

Theo VnExpress

Các tin cũ hơn