Tuy không có thật, nhưng mèo Kitty là một biểu tượng tinh thần và được ví như một virus có tốc độ lan truyền nhanh chóng, đốn đổ hàng triệu trái tim người hâm mộ.
Yuko Yamaguchi, nhà thiết kế ra Hello Kitty đã xây dựng câu chuyện cho hình mẫu này dựa trên những quan sát từ cuộc sống và những vấn đề còn tồn đọng trong nước Nhật vào những năm đầu 1970. Khi đó, nạn bạo hành học đường ở Nhật là một vấn nạn ám ảnh không chỉ trẻ con, mà còn với những bậc làm cha mẹ.
Mèo Kitty kiếm về 7 tỷ đôla mỗi năm dù đã 40 tuổi |
Hello Kitty ra đời như một người bạn, chia sẻ buồn vui với trẻ con Nhật những lúc cha mẹ chúng không ở nhà. Cô mèo không miệng này có ý nghĩa như một người bạn không bao giờ phán xét, lắng nghe và chia sẻ từ trái tim, đồng cảm và thấu hiểu người sở hữu nó.
Ban đầu, mèo Kitty nhắm vào đối tượng các bé gái nhỏ tuổi. Nhưng đến những năm 1990, đối tượng được mở rộng đến cả thanh thiếu niên. Kể từ đó, Sanrio (công ty sở hữu hình ảnh mèo Kitty) bắt đầu bán những sản phẩm như bóp ví, laptop gắn liền hình ảnh cô mèo này. Đến năm 1999, mèo Kitty đã có mặt trên hơn 12.000 dòng sản phẩm mỗi năm.
Doanh thu Sanrio có được từ quá trình cấp phép hình ảnh Hello Kitty cho các công ty sử dụng với mục đích kinh doanh. Năm 2008, thương hiệu này mang về hơn một nửa doanh thu của công ty Sanrio với một tỷ đôla. Tính đến nay, trên 70 quốc gia đã có hơn 50.000 dòng sản phẩm, trong đó có lĩnh vực thẻ tín dụng, trang sức, phim ảnh, báo chí, thiết bị công nghệ... được cấp phép mang thương hiệu Hello Kitty, đưa doanh thu của Sanrio lên mức 7 tỷ đôla mỗi năm.
Ngoài doanh thu, sự thành công nhất của hình ảnh mèo Kitty là khi được chọn làm phái viên ngoại giao của Nhật Bản, đại sứ du lịch chính thức đến Trung Quốc và Hồng Kông. Khi đó, các giới chức trong chính phủ Nhật đang ra sức củng cố quyền lực của mình trên toàn cầu thông qua chiến dịch 'Cool Japan'. Đặc biệt, chính phủ đã có tầm nhìn khác là xuất khẩu văn hóa để rút ngắn khoảng cách kinh tế được tạo ra vào những năm 1990.
Hình ảnh mèo Kitty được lan truyền tới tận phương Tây dù Sanrio không chi tiền cho quảng cáo. Có lẽ, một phần Hello Kitty đã đi ngược với xu hướng của Nhật Bản trong những năm 1974, khi văn hóa phương Tây bắt đầu xâm nhập vào nước này. Phần khác, câu chuyện về gia đình của mèo Kitty đã mang văn hóa Nhật ra bên ngoài, phản ánh một phần cuộc sống của chính những người phương Tây: tình trạng giảm phát, dân số già, những ám ảnh của giới trẻ…Thậm chí, ngay cả người Anh vốn nổi tiếng cứng nhắc cũng bày tỏ lòng mến mộ đối với nhân vật hoạt hình này.
Michelle Nguyen, người hợp tác với Sanrio trong việc sử dụng hình ảnh mèo Kitty cho sản phẩm phụ kiện Chubby nói: “Hello Kitty là một cô mèo rất dễ thương. Các công ty kinh doanh muốn có được hình ảnh của Kitty vì sự dễ thương của nó trên sản phẩm. Chỉ cần có sự xuất hiện của Kitty là đã lấy lòng được rất nhiều khách hàng”.
Theo VnExpress