Quảng cáo trà xanh C2 Ô Long lừa bịp: Nhà máy nguyên liệu chỉ để nuôi chó

Thứ sáu, 22/08/2014, 10:55
Cho đến hiện tại, người ta chỉ thấy ở đó nuôi rất nhiều chó dữ, kín cổng cao tường, không còn hoạt động từ mấy năm nay.

Để làm rõ thực hư việc trà xanh C2 Ô Long hoa hồng có sử dụng nguồn trà Ô Long từ Thái Nguyên như trong đoạn Clip quảng cáo “Chuyên gia trà C2 khám phá bí quyết tạo nên trà Ô Long đích thực, từ những búp trà Ô Long tươi ngon Thái Nguyên...”, PV đã liên hệ với lãnh đạo của công ty Phúc Long, ông Lâm Bội Minh, giám đốc công ty song ông Minh đã từ chối trả lời chúng tôi qua điện thoại. Khi phóng viên đề nghị gửi công văn thì ông Minh nói: “Công văn tôi thích thì trả lời”.


Quảng cáo trà xanh C2 Ô Long lừa bịp: Nhà máy nguyên liệu chỉ để... nuôi chó
Mặc dù người dân xã tức Tranh có trồng xen kẽ một số giống chè sản xuất chè Ô Long, nhưng chỉ dùng để sản xuất chè xanh

PV tiếp tục đề nghị cung cấp tên giống cây chè để sản xuất trà Ô Long dùng làm nguyên liệu sản xuất Trà xanh C2 tại Thái Nguyên, cũng như địa chỉ cụ thể nhà máy của công ty ông tại Thái Nguyên, nhưng không hiểu vì lý do gì vị lãnh đạo này vẫn nhất quyết từ chối.

Sau nhiều lần đề nghị phía URC Việt Nam – chủ nhãn hàng Trà xanh C2 Ô Long cung cấp địa chỉ nhà máy sản xuất tại Thái Nguyên, đơn vị này mới chịu tiết lộ thông tin ít ỏi là nhà máy của Phúc Long đặt tại xã Tức Tranh, huyện Phú Lương, Thái Nguyên, nhưng không có địa chỉ cụ thể.


PV đã tìm đến xã Tức Tranh để tìm hiểu về hoạt động của nhà máy chè Phúc Long theo trả lời của phía URC Việt Nam, và ghi nhận được khá nhiều câu chuyện bi hài.

“Không có nhà máy chè nào ở đây cả”, anh Trung, một người dân ở trung tâm xã Tức Tranh khi được hỏi đã thẳng thắn cho chúng tôi biết.

Theo anh Trung, từ rất lâu rồi, dân địa phương có trồng các giống chè xen kẽ nhau, nhưng đều thu hoạch, sấy khô và làm chè xanh, bán ngay tại nhà, sẽ có tiểu thương đến tận nơi thu gom, hoặc là họ sẽ mang ra chợ bán.

Rất nhiều người dân khác khi được hỏi về địa chỉ của những nhà máy chè đóng trên địa bàn xã đều trả lời không biết. Quan sát thái độ cũng như cách nói chuyện của họ, phần lớn đều không quan tâm đến việc có hay không sự hiện diện của các nhà máy chè tại địa phương.

Lý do được đưa ra là vì dân ở đây chỉ sản xuất chè theo kiểu tự cung tự cấp, không ai bán nguyên liệu hay ký kết hợp đồng cung cấp sản phẩm với bất cứ doanh nghiệp nào.


“Các nhà máy không phát triển được và không dám thu mua nguồn chè tươi vì giá cao so với thị trường, trước đây cũng có 2 – 3 nhà máy nhưng đã đóng cửa từ rất lâu”, bà Thủy, một hộ sản xuất chè xanh tại xã Tức Tranh khẳng định.

Sau khi dò hỏi khá mất thời gian tại xã Tức Tranh, PV mới tìm được người dân nhớ ra thông tin từng có doanh nghiệp mở xưởng sản xuất và thu mua chè tại địa bàn. Tuy nhiên, người dân này cho biết, xưởng sản xuất đã đóng cửa được gần 10 năm.

Người này cũng cung cấp thêm về một nhà máy của Công ty chè Thái Nguyên đã từng hoạt động tại xã Tức Tranh nhưng chỉ hoạt động cầm chừng trong một thời gian ngắn rồi ngừng sản xuất.


Thông tin cuối cùng chúng tôi xác định có thể là nhà máy sản xuất chè của công ty Phúc Long đó là  nhà máy được xây dựng từ năm 2007, nằm cách UBND xã Tức Tranh chừng 1km về hướng Đông Bắc, sát ngay chân đồi.

Nhanh chóng có mặt tại địa điểm nghi vấn này, chúng tôi được nhiều người dân xung quanh nhà máy cho biết: Năm 2007, một doanh nghiệp mua đất tại địa phương, rồi mở xưởng thu mua nguyên liệu khá tấp nập. Tuy nhiên cũng chỉ được một năm, xưởng chè này im ắng dần, rồi dừng hẳn.

Cho đến hiện tại, người ta chỉ thấy ở đó nuôi rất nhiều chó dữ, sủa ầm ĩ khi có người lạ tìm đến. Nhà máy này luôn trong tình trạng kín cổng cao tường, người dân cũng không biết chính xác tên của nhà máy này là gì.

Quảng cáo trà xanh C2 Ô Long lừa bịp: Nhà máy nguyên liệu chỉ để... nuôi chó
Nhà máy chè Phúc Long đóng trên địa bàn xã Tức Tranh đã ngừng hoạt động từ mấy năm nay, suốt ngày đóng cửa im ỉm, không người qua lại

PV đã bỏ ra một buổi để quan sát nhà máy thì ghi nhận ngoài cánh cửa đóng im ỉm, nhà máy không biển hiệu, tuyệt nhiên không thấy có người ra vào, cũng như bên trong trống trơn, nhà xưởng đìu hiu vắng vẻ.

Đóng vai người đi thu mua chè, nhóm phóng viên gọi mãi mới có một người bảo vệ xuất hiện song người này đã đuổi chúng tôi đi chỗ khác với lý do: Không mua, không bán, không sản xuất...


Quảng cáo trà xanh C2 Ô Long lừa bịp: Nhà máy nguyên liệu chỉ để... nuôi chó
Người bảo vệ nhanh chóng đuổi phóng viên với lý do: Không mua, không bán, không sản xuất

“Đó là nhà máy chè Phúc Long, nhưng nó đã ngừng hoạt động từ năm 2008”, ông Tạ Quang Chung, Phó chủ tịch xã Tức Tranh cho biết.

Ông Chung cũng nhanh chóng phủ nhận câu hỏi về việc nguồn chè Ô Long cung cấp cho công ty Phúc Long bán cho URC Việt Nam để sản xuất trà xanh C2 Ô Long được sản xuất tại địa phương.

Nhà máy đã đóng cửa im ỉm suốt mất năm nay, chỉ thấy nuôi chó dữ với thỉnh thoảng mới thấy có bóng bảo vệ xuất hiên trong khuôn viên nhà máy chứ không có bất cứ hoạt động nào khác.

Ông Tạ Quang Chung - Phó Chủ tịch xã Tức Tranh

Theo ông Chung, bên cạnh việc các nhà máy chè trên địa bàn xã chỉ hoạt động được một thời gian ngắn rồi đóng cửa, không thu mua nguyên liệu thì những hộ gia đình có trồng chè cũng chỉ sản xuất theo kiểu nhỏ lẻ, tự cung tự cấp, không nhập cho bất cứ doanh nghiệp nào, và dù họ có trồng những giống chè Ô Long như Kim Tuyên, Thúy Ngọc...nhưng cũng chỉ dùng để sản xuất ra chè xanh.

Trước câu hỏi, liệu có hay không việc nhà máy Phúc Long vẫn sản xuất chè, nhưng vì suốt ngày kín cổng cao tường nên nhiều người không biết, ông Chung cười rồi khẳng định: Nếu như nhà máy còn hoạt động, tất yếu sẽ có người ra người vào, cũng như có việc thu mua nguyên liệu từ phía người dân, chắc chắn xã sẽ biết.

Đằng này, nó (nhà máy) đã đóng cửa im ỉm suốt mất năm nay, chỉ thấy nuôi chó dữ với thỉnh thoảng mới thấy có bóng bảo vệ xuất hiện trong khuôn viên nhà máy chứ không có bất cứ hoạt động nào khác.


Ông Tạ Quang Chung: "Nhà máy chè Phúc Long đã ngừng họat động từ năm 2008"

Như vậy, câu trả lời cho việc nguồn nguyên liệu sản xuất Trà xanh C2 Ô Long được thu mua, sản xuất tại Thái Nguyên đã rõ. Hoàn toàn không có nguyên liệu nào được thu mua, chế biến ở cái gọi là "nhà máy" của công ty Phúc Long tại Thái Nguyên, nơi được khẳng định cung cấp nguyên liệu cho URC sản xuất thứ trà xanh C2 Ô Long được quảng cáo ra rả trên truyền hình.
Theo VTCNews

Các tin cũ hơn