Năm 2011, anh Điền bắt đầu đầu tự nuôi ong với 5 triệu đồng từ vốn vay xóa đói, giảm nghèo. Từ đồng vốn ít ỏi đó, anh đi nhiều nơi để tìm mua 50 thùng ong về nuôi lấy mật. Anh Điền cho biết, lúc mới nuôi anh gặp rất nhiều khó khăn do chưa có kinh nghiệm và chỉ nuôi được ong ta, chưa biết cách nuôi ong ngoại. “Sau gần một tháng nuôi thử, thu được nhiều mật ong, tôi tiếp tục mở rộng thêm và đàn ong cứ thế ngày một tăng lên”, anh Điền bộc bạch.
Anh Điền bên những kèo ong đang cho mật. |
Chia sẻ kinh nghiệm nuôi ong, anh Điền cho biết: “Để lấy được mật ong, vợ chồng tôi phải đi khắp các nhà vườn và canh xuyên suốt. Để ong có đủ mật, mình cần nắm rõ vùng nào, mùa nào cây trái ra bông và di chuyển thùng ong nuôi đến đó, khi hết mùa lại chuyển sang nơi khác”.
Không chỉ nhân rộng đàn ong, anh Điền còn nghiên cứu cách lấy sữa ong chúa, chăm sóc ong non. Sau khi học hỏi thêm kinh nghiệm và tự nghiên cứu, anh có thể nuôi ong lấy mật quanh năm và chuẩn bị tách đàn, nhân thêm khoảng 250 thùng ong nữa. Từ khi nắm rõ kỹ thuật nuôi, anh Điền mua thêm giống ong có năng suất cao, nguồn gốc từ Italy. Sau đó, anh chuyển hẳn sang nuôi giống ong này do năng suất và chất lượng mật cao hơn, lại dễ nuôi vì ong ít bỏ đàn.
Không dừng lại ở việc nuôi ong để lấy mật bán dạng thô, anh Điền còn làm mật ong đóng chai. Hiện mỗi tuần anh xuất bán hàng chục lít mật ong đóng chai với nhãn hiệu Minh Điền có xuất xứ từ huyện Cù Lao Dung. “Sản phẩm mật ong của tôi được công ty Tiến Phát (Bình Dương) thu mua toàn bộ. Mỗi tháng, tôi có thể xuất trung bình khoảng 1 tấn mật, với giá bán cho công ty là 40.000 đồng/kg, còn giá bán lẻ cho thị trường là 160.000 đồng/lít. Mỗi tháng trừ chi phí tôi lãi khoảng 30 triệu đồng”, anh Điền phấn khởi nói.
Theo Zing