Facebook ‘dọa kiện’ một nhà hàng trùng tên ở Việt Nam

Thứ tư, 27/08/2014, 07:50
Đại diện pháp lý của Facebook ở Việt Nam vừa có thư cảnh báo một nhà hàng ở TP.HCM về việc dùng nhãn hiệu và slogan dễ gây ra hiểu nhầm cho mạng xã hội toàn cầu này.

Facebook ‘dọa kiện’ một nhà hàng trùng tên ở Việt Nam
Thư đại diện pháp lý của Facebook cảnh báo Nàng Gánh.

Mở nhà hàng từ trên… Facebook

Nhà hàng bị cảnh báo trong câu chuyện này có tên gọi Nàng Gánh trên đường Trần Quốc Thảo, Q.3 do bà Nguyễn Thị Thanh Nhàn làm chủ.

“Nhãn hiệu Facebook của quý bà có thể cấu thành hành vi xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ và cạnh tranh không lành mạnh theo quy định pháp luật sở hữu trí tuệ Việt Nam” - thư của BMVN nhấn mạnh.

Bà Nhàn kể: Cuối năm 2011, bà quyết định kinh doanh đồ ăn trên mạng. Do đồ ăn ngon, hợp khẩu vị nên khách đặt hàng ngày càng đông. Từ đây bà Nhàn muốn mở rộng kinh doanh bằng việc thuê mặt bằng mở nhà hàng.

Tuy nhiên, khác với kinh doanh đồ ăn trên mạng, muốn mở nhà hàng bà Nhàn cần bỏ ra một số tiền khá lớn. Vốn là dân makerting, bà Nhàn thấy rõ hiệu quả của mạng xã hội. Bà Nhàn đã thảo kế hoạch kinh doanh khá hấp dẫn rồi đăng lên Facebook kêu gọi vốn và bất ngờ được nhiều người ủng hộ.

“Buổi tối tôi đăng kế hoạch gọi vốn lên Facebook, buổi sáng hôm sau có hơn 100 người đồng ý góp vốn. Có người góp 100 USD, 500 USD, thậm chí 1.000 USD. Nhiều người còn đồng ý chuyển tiền trước”, bà Nhàn nói.

Kế hoạch kêu gọi góp vốn trên Facebook đã đem lại cho bà Nhàn khoảng 30.000 USD (hơn 600 triệu đồng), đến từ 160 người. Cộng thêm tiền tích lũy, vay mượn, cuối năm 2013 bà Nhàn đã mở nhà hàng Nàng Gánh trên đường Trần Quốc Thảo (quận 3).

Để tri ân số người góp tiền trên Facebook, trong quá trình thiết kế nhãn hiệu nhà hàng, bà Nhàn đã quyết định chọn slogan: “Nhà hàng đầu tiên được xây dựng từ Facebook”. Đồng thời chủ nhà hàng này làm đơn đăng ký nhãn hiệu trên ở Cục Sở hữu trí tuệ.

“Dù thời gian mở chưa lâu nhưng việc kinh doanh khá thuận lợi. Đến nay tôi đã trả hơn 80% số tiền góp vốn trên Facebook”, bà Nhàn nói.

Dễ nhầm lẫn là Facebook thiệt

Đùng một cái, giữa tháng 8/2014, bà Nhàn nhận được thư của Công ty luật TNHH BMVN (gọi tắt là BMVN) - đại diện pháp lý của Facebook, Inc. ở Việt Nam - cảnh báo về khả năng nhà hàng Nàng Gánh xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ thuộc sở hữu của Facebook.

Trong thư, MBVN cho rằng Facebook, Inc. là chủ sở hữu hợp pháp các nhãn hiệu Facebook nổi tiếng trên thế giới, trong đó có Việt Nam. Do đó, Facebook, Inc. có quyền độc quyền sử dụng hoặc cho phép người khác sử dụng các nhãn hiệu Facebook ở Việt Nam.

Đại diện pháp lý Facebook ở Việt Nam lo ngại dòng chữ “Nhà hàng đầu tiên được xây dựng từ Facebook” của Nàng Gánh dù không nhằm mục đích lợi dụng danh tiếng của Facebook nhưng có thể làm người tiêu dùng lầm tưởng nhà hàng này có liên kết, tài trợ hoặc được công nhận bởi Facebook, Inc.

“Nhãn hiệu Facebook của quý bà có thể cấu thành hành vi xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ và cạnh tranh không lành mạnh theo quy định pháp luật sở hữu trí tuệ Việt Nam”, thư của BMVN nhấn mạnh.

Công ty luật BMVN đề nghị chủ nhà hàng Nàng Gánh rút đơn đăng ký nhãn hiệu có chứa nhãn hiệu “Facebook” hoặc bỏ thành phần “Facebook” trong đơn đăng ký nhãn hiệu. Chủ nhà hàng cũng chấm dứt việc sử dụng nhãn hiệu “Facebook” trên mọi phương tiện kinh doanh có khả năng gây nhầm lẫn.

BMVN đề nghị Nàng Gánh phải có thư trả lời trước ngày 15/9/2014. Nếu không Facebook, Inc. sẽ tiến hành các biện pháp pháp lý để bảo vệ quyền lợi hợp pháp của mình tại Việt Nam.

Bà Nhàn cho biết việc có slogan như trên là để tri ân những người đầu tiên đã góp vốn xây dựng nhà hàng chứ không phải mục đích ăn theo sự nổi tiếng của Facebook. Do đó khi nhận được thư cảnh báo của đại diện Facebook, bà rất bất ngờ và bối rối.

Theo bà Nhàn, việc không được sử dụng slogan liên quan đến nhãn hiệu mạng xã hội này sẽ gây ra thiệt hại khoảng hơn 200 triệu đồng khi nhà hàng đã lỡ in dòng chữ slogan có chữ Facebook trên bao đũa, muỗng, tờ rơi, hộp đèn, bảng hiệu, túi giấy, menu, name card và các vật dụng quảng bá khác…

“Khi nhận được cảnh báo, nhiều phương án được đưa ra như không sử dụng từ Facebook mà thay thế bằng từ mạng xã hội, hay Facebook sẽ được viết phiên âm tiếng Việt là Phây Búc, và có thể dùng một slogan khác. Tuy nhiên tôi vẫn mong được dùng slogan này vì đó mới đúng bản chất câu chuyện góp vốn của nhà hàng”, bà Nhàn nói.

Bà Nhàn cho hay sẽ sớm liên hệ để đề nghị mạng xã hội này chấp thuận được giữ lại slogan cũ.

Khách hàng sẽ tưởng Facebook mở nhà hàng ở Việt Nam

Facebook rất khuyến khích doanh nghiệp nhỏ và vừa ở Việt Nam phát triển. Mục đích của Facebook là doanh nghiệp bỏ ít vốn nhưng đạt hiệu quả về truyền thông. Facebook cũng rất ủng hộ những câu chuyện thành công về kinh doanh trên Facebook.

Tuy nhiên, ở trường hợp này, chủ nhà hàng Nàng Gánh đưa thương hiệu của mình lồng vào thương hiệu Facebook, nếu suy nghĩ một cách logic dễ gây ra sự nhầm lẫn. Khách hàng sẽ hiểu rằng nhà hàng này của Facebook. Nếu lỡ có chuyện gì xảy ra với nhà hàng, thương hiệu Facebook cũng bị ảnh hưởng.

Từ trước đến giờ Facebook chưa gặp trường hợp tương tự thế này ở Việt Nam. Chúng tôi sẽ kiểm tra lại với công ty mẹ của Facebook ở Mỹ và có thông tin chính thức.

Nguyễn Diệu Cầm- Giám đốc điều hành Công ty Tư vấn truyền thông T&A Ogilvy, đại diện truyền thông của Facebook tại Việt Nam

Điều 129 luật Sở hữu trí tuệ quy định các hành vi sau được thực hiện mà không được phép của chủ sở hữu nhãn hiệu thì bị coi là xâm phạm quyền đối với nhãn hiệu:

a) Sử dụng dấu hiệu trùng với nhãn hiệu được bảo hộ cho hàng hóa, dịch vụ trùng với hàng hóa, dịch vụ thuộc danh mục đăng ký kèm theo nhãn hiệu đó.

b) Sử dụng dấu hiệu trùng với nhãn hiệu được bảo hộ cho hàng hóa, dịch vụ tương tự hoặc liên quan tới hàng hóa, dịch vụ thuộc danh mục đăng ký kèm theo nhãn hiệu đó, nếu việc sử dụng có khả năng gây nhầm lẫn về nguồn gốc hàng hóa, dịch vụ.

c) Sử dụng dấu hiệu tương tự với nhãn hiệu được bảo hộ cho hàng hóa, dịch vụ trùng, tương tự hoặc liên quan tới hàng hóa, dịch vụ thuộc danh mục đăng ký kèm theo nhãn hiệu đó, nếu việc sử dụng có khả năng gây nhầm lẫn về nguồn gốc hàng hóa, dịch vụ.

d) Sử dụng dấu hiệu trùng hoặc tương tự với nhãn hiệu nổi tiếng hoặc dấu hiệu dưới dạng dịch nghĩa, phiên âm từ nhãn hiệu nổi tiếng cho hàng hóa, dịch vụ bất kỳ, kể cả hàng hóa, dịch vụ không trùng, không tương tự và không liên quan tới hàng hóa, dịch vụ thuộc danh mục hàng hóa, dịch vụ mang nhãn hiệu nổi tiếng, nếu việc sử dụng có khả năng gây nhầm lẫn về nguồn gốc hàng hóa hoặc gây ấn tượng sai lệch về mối quan hệ giữa người sử dụng dấu hiệu đó với chủ sở hữu nhãn hiệu nổi tiếng.


Theo Thanh Niên

Các tin cũ hơn

Liên kết hữu ích