Qua Việt Nam kiếm bộn tiền về Singapore tiêu xài

Thứ tư, 27/08/2014, 09:12
Hàng loạt đại gia Singapore đang đầu tư dồn dập vào các doanh nghiệp hàng đầu trong nhiều lĩnh vực của Việt Nam, cũng như triển khai các dự án bất động sản lớn trên phạm vi cả nước.

Tung tiền tấn vào mua sắm

Quỹ đầu tư của Chính phủ Singapore (Government of Singapore - GIC) ngày 14/8 đã bất ngờ trở thành cổ đông lớn của Công ty cổ phần Ánh Dương Việt Nam - Vinasun (VNS) sau khi mua 4,5 triệu cổ phiếu VNS (tương đương 7,96% vốn điều lệ). Với mức giá hiện tại khoảng 45.000 đồng/cp, Singapore rót vào hãng taxi lớn nhất Việt Nam hiện nay khoảng 200 tỷ đồng.

Đây là khoản vốn có nguồn gốc “Sing” thứ 2 tại VNS. Trước đó, một quỹ khác có liên quan đến Chính phủ Singapore là Teal Two Partners Ltd cũng nắm giữ 7,93 triệu cổ phiếu Vinasun, tương đương hơn 14% vốn điều lệ của công ty.

Teal Two Partners Ltd hiện cũng là cổ đông lớn nhất của Công ty cổ phần Xuyên Thái Bình - PAN Pacific (PAN), với việc nắm giữ gần 8,1 triệu cổ phiếu, tương đương 20% vốn điều lệ của DN này. Trong khi đó, GIC cũng nắm giữ hơn 4,7% vốn điều lệ của PAN.

tỷ-phú, Singapore, ASEAN, làn-sóng, thâu-tóm, M&A, mua-bán-sáp-nhập, tài-chính, ngân-hàng

Động thái của GIC càng chứng tỏ xu hướng dòng tiền Singapore đang chảy mạnh vào Việt Nam gần đây, tập trung chủ yếu vào các lĩnh vực BĐS, công nghiệp, khách sạn, ngân hàng, logistics, bán lẻ...

Hồi giữa năm 2013, giới đầu tư rúng động với hai thương vụ đầu tư trị giá hàng triệu USD của tỷ phú Richard Chandler - người sinh ra và gây dựng sự nghiệp tại Singapore. Tỷ phú này đã chi 99 triệu USD mua lại 80% cổ phần của Y khoa Hoàn Mỹ và 58,7 triệu cổ phiếu MSN (khi đó có giá trị khoảng 5.300 tỷ đồng) từ 6 NĐT trong nước.

Với 20 triệu cổ phiếu MSN mua từ hồi cuối 2010, tính đến nay, Chandler nắm giữ tới 78,7 triệu cổ phiếu Masan. Đây là cổ đông ngoại lớn nhất của DN sản xuất hàng tiêu dùng lớn nhất Việt Nam, với tỷ lệ nắm giữ 10,7%. Số cổ phần này có trị giá khoảng 330 triệu USD.

Hàng loạt đại gia Singapore khác cũng đang đầu tư lớn tại Việt Nam, như: CapitalLand với các dự án Mulberry Lane (Hà Nội), Vista (quận 2, TP.HCM); một loạt khách sạn lớn như Somerset Grand Hanoi, Somerset Hòa Bình, Somerset Westlake, Somersett Chancellor Court HCMC và Somerset HCMC.

tỷ-phú, Singapore, ASEAN, làn-sóng, thâu-tóm, M&A, mua-bán-sáp-nhập, tài-chính, ngân-hàng

Bên cạnh đó là Keppel Land (dự án Saigon Centre, Sedona Suites Royal Park - Hà Nội, Villa Rivera, The Estella... ); United Overseas Bank UOB (gần 20% cổ phần Southern Bank); Temasek (3,6% FPT, 20% MekongBank); Arisaig Asia Consumer Fund (1,05% Vinamilk)...

Sức hấp dẫn từ Việt Nam

Rõ ràng, gần đây NĐT tài chính cũng như các DN khu vực ASEAN không chỉ ở lại Việt Nam mà còn đẩy mạnh nguồn vốn vào nền kinh tế này. Khi quá trình cổ phần hóa các DNNN được đẩy mạnh, nhiều DN niêm yết trên sàn và TTCK mở rộng... sẽ tạo vô vàn cơ hội cho NĐT nước ngoài.

Dòng vốn từ Singapore vẫn đang chảy ròng vào Việt Nam, gần đây họ đã bán ra một số khoản đầu tư có lãi. Các vụ đầu tư vào Masan hay Vinasun... của các đại gia Singapore, hoặc là để kiếm cơ hội thâm nhập vào thị trường thực phẩm hay vận tải taxi ở Việt Nam, hoặc đơn thuần chỉ là đầu tư tài chính kiếm lời.

Đầu tháng 9/2013, quỹ Orchid Fund của tỷ phú Richard Chandler đã thoái vốn khỏi FPT sau chưa đầy 2 năm rót vốn. 10% cổ phần FPT được bán với giá khoảng 1.300 tỷ đồng đã mang lại lợi nhuận khoảng 20-30% cho NĐT này.

Quyết định thoái lui khỏi FPT rồi đầu tư mạnh vào Masan với lượng cổ phiếu nắm giữ có giá trị đã lên tới 330 triệu USD và nhiều DN khác trong lĩnh vực như ngân hàng, y tế, BĐS, logistics... là điều bình thường, khi mà nhiều DN Việt khác ngày càng trở nên hấp dẫn.

tỷ-phú, Singapore, ASEAN, làn-sóng, thâu-tóm, M&A, mua-bán-sáp-nhập, tài-chính, ngân-hàng

Tỷ phú Richard Chandler - người đã chi 99 triệu USD mua lại 80% cổ phần của Y khoa Hoàn Mỹ và 58,7 triệu cổ phiếu MSN.

Một lĩnh vực cũng được các NĐT Singapore chú trọng là BĐS công nghiệp, với chuỗi VSIP tại nhiều tỉnh thành trên cả nước; BĐS nghỉ dưỡng; khách sạn; căn hộ cao cấp...

Trong lĩnh vực bán lẻ, hãng bán lẻ lớn nhất của Singapore cũng tham gia thị trường Việt Nam qua việc liên kết với Saigon Coopmart để khai trương những đại siêu thị kết hợp phân phối số lượng lớn tại TP.HCM, với tên gọi Co.opXtra và Co.opXtra Plus. Hai thương hiệu này được kỳ vọng sẽ cạnh tranh với BigC và Metro Cash&carry.

Với “ông lớn” United Overseas Bank, cơ hội thâm nhập sâu hơn vào lĩnh vực này của Việt Nam là rất lớn, khi mà Southern Bank đang tiến tới sáp nhập với Sacombank - một ngân hàng TMCP hàng đầu của Việt Nam.

Có thể thấy, cũng như nhiều nhà đầu tư Thái Lan, các NĐT Singapore đang ồ ạt tìm kiếm cơ hội kinh doanh ở Việt Nam - một thị trường được đánh giá còn rất nhiều tiềm năng do dân số đông, lao động rẻ, các DN chưa được khai phá, phát huy hết thế mạnh.

Dòng vốn ngoại vào TTCK hay vào các dự án là điều mà các nhà quản lý cũng như giới đầu tư mong đợi. Tuy nhiên, hiện tượng các đại gia trong khu vực ồ ạt vào xâu xé các DN đầu ngành hoặc chớp các cơ hội đầu tư tốt khiến không ít người lo ngại về khả năng đánh mất thị trường; để nhiều DN tốt rơi vào tay các đại gia nước ngoài; hay tuột mất các cơ hội đầu tư hấp dẫn để rồi sau này phải mua lại với giá cao hơn.

Theo Vef

Các tin cũ hơn