Dù Citimart khẳng định đây chỉ là hợp đồng hợp tác, nhưng nhìn vào những điều khoản “hợp tác” lại cho thấy, Citimart không có ý định kéo dài thời gian “chiến đấu” với những nhà bán lẻ ngoại
Theo công bố của công ty Đông Hưng - DN sở hữu hệ thống Citimart - việc hợp tác với Aeon là toàn diện, bao gồm từ nguồn hàng cho tới… thương hiệu. Cụ thể thương hiệu Citimart sẽ không còn trên hệ thống 30 siêu thị tại các địa phương trên cả nước như trước đây và hiện tại, mà sẽ thay đổi thành hệ thống mang thương hiệu Aeon Citimart.
Công ty Đông Hưng cho biết, DN này không bán cổ phần cho Aeon, cũng không tăng vốn để bán cho đối tác là Aeon. Mà việc hợp tác với tập đoàn đến từ Nhật Bản này “chỉ” bao gồm treo logo thương hiệu cùng Citimart, sử dụng hàng hóa và sự “chuyên nghiệp” trong quản lý siêu thị của Aeon cho các siêu thị của Citimart trên toàn quốc. Theo cách giải thích của công ty Đông Hưng, nội dung “hợp tác” này sẽ đảm bảo hệ thống Citimart hình thành sức cạnh tranh tốt hơn, và Aeon là một trong những thương hiệu có thể đáp ứng yêu cầu ấy.
Theo đó, trong quá trình “hợp tác”, Citimart sẽ tiếp cận được các bí quyết, kinh nghiệm và công nghệ quản lý của Aeon, dể sử dụng trong hệ thống của Citimart. Đổi lại việc treo logo song hành cũng thương hiệu của Aeon, Citimart sẽ được các chuyên gia của Aeon hỗ trợ xây dựng lại hệ thống nhận diện thương hiệu, đào tạo nhân sự, chuyển giao công nghệ bán hàng, quản lý chất lượng sản phẩm, huấn luyện nhân viên thu mua và phục vụ...
Ngoài ra, nội dung hợp tác với Aeon cũng bao gồm việc hãng này sẽ trở thành nhà cung cấp một phần hàng hóa cho Citimart. Cụ thể là cung cấp các mặt hàng thực phẩm khô và tươi sống. Trong giai đoạn đầu triển khai hợp tác, sẽ có khoảng 500 mã hàng thực phẩm và tiêu dùng đang sử dụng thương hiệu Top Value của Aeon sẽ được cung cấp cho hệ thống Aeon Citimart. Các loại hàng hóa này sẽ được nhập khẩu từ hệ thống siêu thị của Aeon tại Thái Lan và Malaysia. Từ đây, sẽ đẩy được tỷ lệ các hàng hóa này tại siêu thị Citimart từ 10% như hiện tại lên 50% trong tương lai.
Sau những Bmart, G7Mart, Ocean Retail… thêm một thương hiệu bán lẻ nội biến mất trên thị trường. |
Về dài hạn, Aeon sẽ tiến hành hoạt động nghiên cứu thị trường và từ đó lựa chọn liên kết, đặt hàng các DN thực phẩm và hàng tiêu dùng của Việt Nam. Và từ đó phát triển hệ thống cung cấp các loại hàng hóa tiêu dùng theo tiêu chuẩn riêng của Aeon. Đồng thời với đó là việc Aeon đẩy mạnh liên kết, hợp tác với nhà bán lẻ của Việt Nam để hình thành mạng lưới lưu thông, tiêu thụ hàng hóa của hãng. Chiến lược này sẽ giúp Aeon hình thành được hệ thống cung ứng sản phẩm ổn định, làm tiền đề cho xây dựng hàng loạt trung tâm mua sắm tại Việt Nam.
Với Citimart, mục tiêu của hợp tác của Aeon đặt ra là đến năm 2025 Citimart phải phát triển được khoảng 500 siêu thị lớn nhỏ các loại, từ chỗ chỉ có 30 siêu thị như hiện nay. Tức là trong 10 năm tới thương hiệu Aeon Citimart sẽ tăng tốc phát triển gấp 17 lần so với quy mô hiện hữu.
Thực tế, Aeon – nhà bán lẻ hàng đầu đến từ Nhật Bản – đang tiến hành chiến lược chiếm lĩnh thị trường Việt Nam theo phương án chậm, nhưng chắc. Và việc hợp tác với Citimart chỉ là một bước đi của hãng này, trong tìm kiếm khả năng giành lợi thế và tìm kiếm lợi nhuận tại thị trường Việt Nam.
Trước đó, hãng này đã đồng thời tiến hành hoạt động đầu tư hệ thống siêu thị mang thương hiệu của hãng tại Việt Nam, để đạt 20 siêu thị bán hàng cỡ lớn vào năm 2020. Và vừa đẩy mạnh hoạt động “hợp tác” với các nhà bán lẻ nội địa để bán được hàng hóa của hãng vào hệ thống siêu thị của DN nội. Trong đó, việc hợp tác với hệ thống siêu thị Fivimart ở thị trường phía Bắc có thể được xem là một ví dụ tiêu biểu.
Về hình thức, việc Aeon liên kết với các thương hiệu bán lẻ nội địa như Citimart hay Fivimart được nhìn nhận như phương án cả 2 đều có lợi. Trong đó DN bán lẻ nội có cơ hội được tiếp cận trực tiếp với công nghệ quản lý và bán hàng của hãng nước ngoài. Từ đó nâng cao khả năng quản lý và tiết giảm chi phí, đồng thời tiếp cận được nguồn hàng chất lượng cao… Còn Aeon tìm được phương án tối ưu để âm thầm mở rộng tầm “phủ sóng” các thương hiệu hàng hóa của hãng, và toán tính tới các mục tiêu “dài hơi” hơn ở thị trường bán lẻ Việt Nam.
Nhưng phân tích kỹ, sẽ thấy DN nội đang buộc phải uống “độc dược” trong liên kết với hệ thống của Aeon. Sự học tập, áp dụng, vận hành hệ thống theo “chuẩn mực” của Aeon, vùng với đó là việc gia tăng bán các nhãn hàng của Aeon trong ngắn hạn có thể giúp gia tăng uy tín cho thương hiệu bán lẻ của DN nội.
Nhưng về lâu dài, khi tự gò mình theo chuẩn mực của Aeon, phụ thuộc vào nguồn hàng của Aeon, thì không khó hình dung hình ảnh của các siêu thị nội sẽ chỉ là sự sao chép của hãng bán lẻ Nhật Bản này. Nói cách khác, các thương hiệu bán lẻ nội sẽ khó có cơ hội tự là chính mình, mà phải lựa chọn cách “sống”, như là bản sao của Aeon.
Vì sao các thương hiệu bán lẻ nội lại tìm thấy sự thoải mái khi “núp bóng” Aeon, hoặc các thương hiệu bán lẻ ngoại có thể là một câu hỏi thú vị, và cũng rất dễ trả lời. Giám đốc một DN kinh doanh siêu thị nội đã từng nói, tại siêu thị của DN này, từ nhiều năm nay có tới khoảng 50% hàng hóa, chủ yếu là hàng hóa tiêu dùng, được nhập khẩu từ nước ngoài. Dó là thực tế có tính phổ biến.
Từ nhiều năm nay, các DN bản lẻ nội đã giao dịch và phụ thuộc về nguồn hàng vào các DN, hãng bán lẻ ngoại trong tìm kiếm và cung cấp các hàng hóa chất lượng cao mà trong nước không thể đáp ứng được. Dễ hiểu hơn, là khi sản xuất trong nước không thể sản xuất và đảm bảo cung cấp được hàng hóa tiêu dùng có chất lượng đảm bảo, thì nhà bán lẻ nội buộc phải tìm tới hàng hóa nhập khẩu từ nước ngoài để bán cho người tiêu dùng, và nâng cao uy tín cho thương hiệu bán lẻ nội.
Do đó, việc Citimart, Fivimart… hay nhiều hơn nữa các thương hiệu bán lẻ nội liên kết, hợp tác với Aeon hay thương hiệu bán lẻ ngoại khác là điều hoàn toàn về kinh doanh, và là bước “phát triển” đương nhiên của thị trường bán lẻ nội, khi không thể đảm bảo được nguồn hàng hóa có chất lượng ở trong nước.
Nói cách khác, bán lẻ nội không tìm được mối liên kết, ưu đãi, “chống lưng” từ sản xuất và quản lý nội địa. Trong tình thế ấy, việc đầu hàng, hay bán mình cho nhà bán lẻ ngoại nên xem là bình thường, đương nhiên, dù đúng là tiềm ẩn nguy hiểm cho sản xuất trong nước, khi sớm muộn cũng sẽ bị nhà bán lẻ ngoại đào thải, chặn cửa vào siêu thị nội địa.
Ông Nguyễn Ngọc Hòa, Chủ tịch HĐQT Saigon Co.op cho biết, mỗi DN phải chọn một chiến lược với những giải pháp phù hợp, căn cứ vào mục tiêu, tôn chỉ riêng. Hợp tác với nước ngoài hay không, nếu có thì hợp tác trong lĩnh vực nào, đến đâu?
Phải nói thẳng là các tập đoàn bán lẻ trên thế giới với quy mô về vốn, tiềm năng về công nghệ và kinh nghiệm thương trường dạn dày hàng chục, hàng trăm năm luôn có nhiều lợi thế hơn và sẵn sàng thâu tóm nếu DN trong nước không đủ sức song hành với họ trong một chặng đường dài. Vì thế, phải lượng sức mà hoạch định chiến lược và phải biết "chọn bạn mà chơi”.
Theo TBKD