Ngày này năm trước, bà Margrethe Vestager đang trên đường tới thăm viện dưỡng lão tại Horsens, một thị trấn nhỏ bé của Đan Mạch, để xem xét khẩu phần dinh dưỡng của người cao tuổi tại đây.
Một năm sau, bà ở Brussels, đứng trước các hãng truyền thông của toàn thế giới trong buổi họp báo của Ủy ban châu Âu (EC). Bà cáo buộc gã khổng lồ dầu khí Gazprom của Nga có hành vi cạnh tranh không lành mạnh.
Trước đó một tuần, bà tuyên bố sẽ chính thức kiện Google vì hành vi lạm dụng quyền lực để thao túng thị trường tìm kiếm.
Chỉ trong một năm, bà Margrethe đã trải qua một chặng đường dài về sự nghiệp để tới Brussels, Bỉ từ Copenhagen, Đan Mạch. Từ 2011 – 2014, bà từng giữ chức vụ Phó Thủ tướng Đan Mạch, Bộ trưởng kinh tế, Bộ trưởng nội vụ. Quyền lực của bà trải rộng trên mọi địa hạt của quốc gia.
Giờ, vị thế của bà Vestager đã mở ra toàn châu Âu và xa hơn thế nữa. Những tuyên bố gần nhất của bà làm kinh động cả Thung lũng Silicon và Điện Kremlin.
“Cần câu cơm”
Vị trí hiện giờ của bà Vestager tại EC - Ủy viên châu Âu phụ trách cạnh tranh – luôn được đánh giá là thuộc “chiếu trên”. Quyền hạn của bà khiến 27 ủy viên còn lại phải ao ước.
“Điều tra chống cạnh tranh là ‘cần câu cơm’ của EC”, ông John Phelan, chuyên viên của BEUC – chi nhánh của tổ chức bảo vệ người tiêu dùng châu Âu – nhận xét. Theo ông, đây là mặt trận hiếm hoi mà các quan chức có quyền thi hành luật lệ của mình.
Trong các vụ kiện cạnh tranh như Google và Gazprom đang vướng vào, Liên minh châu Âu (EU) có thể phạt các công ty lên tới 10% doanh số toàn cầu.
Nếu Ủy ban thắng thế so với Gazprom, trên lý thuyết, công ty này có thể phải nộp phạt tới 10,7 tỷ USD. Chưa kể, gã khổng lồ sẽ buộc phải nhả thị phần cho đối thủ cạnh tranh.
Về phần mình, Google đối mặt khoản phạt tiềm tàng tại gần 6 tỷ USD. Nhiều chuyên gia cho rằng kịch bản này khó xảy ra.
Nhưng nguy cơ khiến Google lo ngại hơn là vụ kiện có thể thay đổi cách kinh doanh của bộ máy tìm kiếm, cũng như tạo tiền lệ cho các vụ điều tra nhằm vào đơn vị khác của công ty sau này.
Chính khách cao tay
Việc bà Vestager nổ súng công kích Google chỉ vài tháng sau khi lên nắm quyền không khiến nhiều người ngạc nhiên. Bà đã ấp ủ vụ việc này từ trước khi nhận nhiệm sở.
Người tiền nhiệm của bà, ông Joaquín Almunia, đã mở cuộc điều tra nhằm vào Google năm 2010. Tuy nhiên sau 5 năm theo đuổi, ông không thu được gì ngoài 3 lần dàn xếp thất bại.
Việc bà Vestager nổ súng công kích Google chỉ vài tháng sau khi lên nắm quyền. |
Trước khi bà Vestager ra tay, vụ việc đã bao trùm bóng đen lên chính trường châu Âu. Sau khi bà thông báo đã chính thức đệ đơn khiếu nại, Mỹ đùng đùng nổi giận.
Nhiều người Mỹ cho rằng Google là nạn nhân của một vụ kiện vô căn cứ, có tính bảo hộ, rằng EU đang trực tiếp tấn công Mỹ.
Nhưng bà Vestager bỏ ngoài tai những lời phàn nàn này. Trả lời tờ USA Today, bà bình thản nói: “Như con gái từng nói với tôi: Con không phân biệt Google là công ty Mỹ hay châu Âu, quan trọng là con thích dịch vụ họ có thể cung cấp”.
Một số nguồn thạo tin tại Brussels đặt giả thiết: Những vụ kiện này có thể là biện pháp trấn an sau những tuyên bố gây tranh cãi của ông Gunther Oettinger - Đại diện ủy ban năng lượng EU – đưa ra gần đây.
Ông cho rằng để giám sát tình trạng cạnh tranh không lành mạnh, EU cần quyết liệt chỉnh đốn các công ty Internet Mỹ, để giảm thiểu sự thống trị của họ tại EU.
Bà Vestager khơi mào các vụ việc, tuyên bố đây là một phần của chiến lược thống nhất dành cho nền kinh tế kỹ thuật số của khu vực động tiền chung.
Nhưng đây cũng được đánh giá là thông điệp ngầm bà gửi tới đồng nghiệp: “Đừng lo, đã có tôi lo. Cứ từ từ đối thoại chính sách”.
Chưa kể, tuyên bố được bà đưa ra vào ngày 15/4 trùng với chuyến đi của bà tới Mỹ. Đây có thể được xem là đòn phủ đầu trước chuyến thăm, để chứng minh bà không dọa suông. Ở bà hội tụ các tố chất của một quan chức hiểu biết nhưng cũng không kém phần tinh tế.
Con gấu Nga
Với Gazprom, công ty đã chống cháy bằng cách gửi đại diện người thương thuyết tới Bỉ vài tháng trước đó, nhằm tìm kiếm một vụ dàn xếp.
Nhưng các buổi đàm phán đổ vỡ trong bối cảnh quan hệ Đông – Tây băng giá vì khủng hoảng Ukraine.
Bà Vestager tham gia một chiến dịch đạp xe từ thiện tại Đan Mạch. |
Giờ Gazprom có 12 tuần để giải quyết cáo buộc, hoặc bác bỏ, hoặc nhượng bộ, hoặc cả hai. “Mọi cánh cửa đều đang để ngỏ. Chúng tôi muốn có câu trả lời của Gazprom và chúng tôi muốn đàm phán”, bà Vestager cho biết.
Vụ việc là kết quả của nhiều năm điều tra. Năm 2011 diễn ra một đợt bố ráp chống cạnh tranh không lành mạnh lớn chưa từng thấy lịch sử EU. Giới chức đã tịch thu tài liệu và máy tính của hàng chục quan chức Gazprom.
Năm 2012, EU tiếp nhận hồ sơ và mở một cuộc điều tra chính thức. Nhưng mãi đến năm 2013, một thông cáo mới được đưa ra.
Ông Joaquín liên tiếp cam kết sẽ đi đến một án phạt cụ thể, nhưng rời nhiệm sở trước khi hoàn thành lời hứa.
Hiện giờ, nữ tướng Đan Mạch yêu cầu cấp lãnh đạo của bà có ghế trong tòa án, và sẽ xét xử không thiên vị.
"Cuộc thương thuyết kéo dài dai dẳng nhiều năm trời. Nên khi tôi lên nắm quyền, tôi nhận thấy cần phải lật lại vụ việc, vì EC vẫn liên tục nhận được khiếu nại”, bà trả lời USA Today.
Không bao giờ quên
Chất “thép” trong tính cách của bà bộc lộ từ khi còn phục vụ trong chính trường Đan Mạch.
Sau khi bà mạnh tay một số khoản trợ cấp thất nghiệp, một số cử tri bất mãn đã gửi cho bà một món quà, bên trong là tượng của một bàn tay đang giơ ngón giữa.
Bà bèn tự hào đặt nó tại một vị trí trang trọng trong văn phòng của mình tại EU.
Khi biết nhiều người gọi bà là “một con người tàn ác”, bà Vestager phá lên cười trong buổi phỏng vấn với tờ Financial Times.
“Tôi không biết, nhưng làm chính trị tại Đan Mạch, bạn cần có tinh thần thép và sẵn sàng làm nhiều điều, nếu không sẽ chẳng bao giờ làm được gì”, bà giải thích.
Có một điểm thú vị ở bà khiến đồng nghiệp ở Đan Mạch ấn tượng. Bà rất giỏi đan len, trong các cuộc họp cấp cao, khi không phải phát biểu, bà thường tranh thủ đan những con voi sặc sỡ bằng len.
“Voi không hận thù, nhưng không bao giờ quên”, bà giải thích lý do mình thích con vật này.
Theo Nhipcaudautu.vn