Tân Giám đốc VinaPhone và “con sóng” đã lặng

Chủ nhật, 26/04/2015, 17:13
Trong một năm tám tháng qua, có một “con sóng” thay đổi, bổ nhiệm lãnh đạo tại tập đoàn “mẹ” VNPT và MobiFone, VinaPhone...
Ông Hồ Đức Thắng, tân Giám đốc VinaPhone.
Tập đoàn Bưu chính Viễn thông Việt Nam (VNPT) đã bổ nhiệm giám đốc mới cho VinaPhone ngay sau khi điều động ông Cao Duy Hải sang làm Tổng giám đốc MobiFone.
Người đảm nhận vị trí này là ông Hồ Đức Thắng, Phó giám đốc VinaPhone.
Ông Thắng sinh năm 1963 tại Hà Nội, quê ở Nghệ An. Ông tốt nghiệp chính quy trường đại học Slovakia năm 1987, chuyên ngành máy tính điện tử và có bằng thạc sỹ quản trị kinh doanh hệ chính quy trường Đại học Kinh tế Quốc dân năm 2002.
Trước khi đảm nhận chức vụ Phó giám đốc VinaPhone năm 2007, ông Thắng là Phó giám đốc Công ty Điện toán và Truyền số liệu (VDC), thuộc VNPT.
Với việc bổ nhiệm giám đốc mới cho VinaPhone, như vậy, đến thời điểm hiện tại, lãnh đạo bộ máy tập đoàn VNPT cũng như các nhà mạng VinaPhone và MobiFone về cơ bản đã được kiện toàn, các vị trí đều đã đầy đủ và không còn phải kiêm nhiệm chức vụ.
“Con sóng” thay đổi, bổ nhiệm lãnh đạo tại các đơn vị trên xem như đã yên lặng.
Trong một năm tám tháng qua, có thể coi tập đoàn “mẹ” VNPT và hai mạng di động MobiFone và VinaPhone, là đơn vị doanh nghiệp nhà nước có tần suất thay đổi, bổ nhiệm lãnh đạo chủ chốt nhiều nhất trong tất cả các doanh nghiệp, tập đoàn nhà nước, thậm chí là nhiều nhất trong lịch sử hình thành và phát triển của các doanh nghiệp nhà nước nói chung.
Mở màn  cho “con sóng thay đổi lãnh đạo” là việc Bộ Thông tin và Truyền thông thay Tổng giám đốc VNPT Vũ Tuấn Hùng vào tháng 8/2013 bằng ông Trần Mạnh Hùng, thành viên Hội đồng Thành viên VNPT - Giám đốc Viễn thông Hà Nội. Ông Vũ Tuấn Hùng được điều chuyển về Vụ Tổ chức cán bộ của Bộ.
“Đây là sự kiện đầu tiên của quá trình tái cơ cấu VNPT, và quyết định thay đổi nhân sự tại VNPT của Bộ là để góp phần cho VNPT phát triển trong tương lai và lấy lại khí thế của mình trong làng viễn thông Việt Nam”, Bộ trưởng Nguyễn Bắc Son nói khi đó.
Cũng cần phải nói đến, những năm trước đó, VNPT phát triển khá ì ạch với bộ máy cồng kềnh và cơ chế quản lý, hoạt động chồng chéo, đã để “đàn em” đi sau là Viettel “vượt mặt” cả về doanh thu và lợi nhuận.
Sau đó, lần lượt là ông Phạm Đức Long, Giám đốc VNPT Tp.HCM được bổ nhiệm giữ chức vụ Phó tổng giám VNPT; ông Lê Ngọc Minh sẽ thôi giữ chức vụ Chủ tịch MobiFone và ông Mai Văn Bình, Tổng giám đốc phụ trách; ông Cao Duy Hải, Phó tổng giám đốc MobiFone sang làm Giám đốc VinaPhone; ông Lê Nam Trà lên làm Tổng giám đốc MobiFone và sau đó tạm thời kiêm nhiệm chức Chủ tịch; ông Trần Mạnh Hùng lên làm Chủ tịch VNPT…
Đến thời điểm ông Hồ Đức Thắng được bổ nhiệm, tính tổng cộng cả VinaPhone, MobiFone và VNPT, thì đã có tới gần 10 lượt thay đổi, bổ nhiệm lãnh đạo cao nhất của các đơn vị.

Đấy là chưa kể một loạt lãnh đạo cấp phó hay thành viên hội đồng cũng được bổ nhiệm mới.
Ngoài nguyên nhân chính là tái cơ cấu VNPT, chia tách đơn vị thành viên và tổ chức lại bộ máy, còn thêm lý do một số lãnh đạo đến tuổi nghỉ hưu như ông Phạm Long Trận, Chủ tịch VNPT, ông Lâm Hoàng Vinh, Phó tổng giám đốc VNPT và Giám đốc VinaPhone, và ông Mai Văn Bình, Chủ tịch MobiFone.
Tuy vậy, trong quá trình sắp xếp nhân sự cấp cao cũng đã hình thành lên những “bộ đôi” lãnh đạo được giới chuyên môn nhìn nhận là khá ăn khớp về tư tưởng và tham vọng, như cặp ông Trần Mạnh Hùng với ông Phạm Đức Long (Chủ tịch và Tổng giám đốc VNPT) với tham vọng sẽ đưa con thuyền VNPT trở lại vị trí số 1 trên thị trường viễn thông, công nghệ thông tin.
Hay, “bộ đôi” ông Lê Nam Trà và Cao Duy Hải, là những người đã có hàng chục năm gắn bó với MobiFone, được kỳ vọng sẽ đưa MobiFone trở thành thế chân kiềng vững chắc cùng với Viettel và VNPT ở các mảng kinh doanh chứ không đơn thuần chỉ là viễn thông di động.
Dĩ nhiên, thành quả của các cặp đôi lãnh đạo này, phải đợi một thời gian dài dài nữa mới thấy được.
Theo VnEconomy

Các tin cũ hơn

Liên kết hữu ích