Ngành logistics Việt Nam được đánh giá là có nhiều tiềm năng, song đến nay miếng bánh thị phần đang rơi vào tay các DN nước ngoài.
Liệu những cơ hội trong hội nhập có giúp các DN logistics Việt Nam cất cánh, hay là nguy cơ bị nhấn chìm khi Việt Nam tham gia các hiệp định tự do. Chúng tôi đã có cuộc trao đổi với ông Trần Huy Hiền, Tổng thư ký Hiệp hội Hiệp hội Giao nhận kho vận Việt Nam về vấn đề này.
Ông đánh giá thế nào về tiềm năng của ngành logictics Việt Nam?
Logistics là ngành quan trọng, mà theo Thủ tướng thì đó là ngành “dịch vụ dẫn dắt” các ngành dịch vụ khác. Với vị trí như vậy, các công ty logistics nước ngoài đã vào đây, cũng góp phần làm cho DN Việt Nam học hỏi được công nghệ và kinh nghiệm.
DN nước ngoài có số lượng ít hơn, và DN có hệ thống chân rết như của DN Việt Nam không nhiều, nhưng lại chiếm thị phần lớn logistics của Việt Nam. Hiện top 25 DN logistics hàng đầu thế giới đều đã có mặt ở Việt Nam, cho thấy đây là ngành rất có tiềm năng.
DN nước ngoài thuê ngoài là chủ yếu, gọi là hình thức 3PL, tức là các bên cùng tham gia vận chuyển một lô hàng. Mặc dù chỉ chiếm khoảng 25% về số lượng DN như DN nước ngoài kiểm soát dòng chảy hàng hóa đến 80%, mặc dù thuê kho bãi, vận tải của Việt Nam nhưng lại nắm quyền điều khiển toàn ngành.
Tuy nhiên, phần trăm giá trị mà DN Việt Nam có được cũng lớn chứ không phải là nhỏ. Ngành logistics đã có bước trưởng thành và vượt qua giai đoạn ban đầu, đóng góp sự phát triển của nền kinh tế và DN trong nước cũng có sự phát triển mạnh mẽ.
Phải kể đến những DN Việt Nam có quy mô lớn, có chân rết ở hầu khắp tất cả mạng lưới logistics như này có Gemadept, Transimex, Viettrans, Sotrans hay gần đây có Thái Bình TBS…
Hiện tốc độ tăng trưởng của ngành ở mức 20%, doanh thu của ngành chiếm 25% GDP, tương đương 46 tỷ USD.
Vậy trong bối cảnh hội nhập sâu rộng, đặc biệt khi Việt Nam tham gia các hiệp định thương mại như TPP, FTA với EU, Liên minh Hải quan… liệu chúng ta có tận dụng được cơ hội?
Hiện chúng ta có đến 13 Hiệp định thương mại đa phương và song phương. Tuy nhiên, để các FTA mang lại tác dụng cho các ngành, trong đó có logistics, Việt Nam cần tuyên truyền đầy đủ Việt Nam được lợi cái gì, thế mạnh gì và làm sao khai thác được các cơ hội?
Còn thực tế hiện nay, vẫn chưa có những hướng triển khai, đưa ra các chiến lược để người dân và DN khai thác đâu là cơ hội, đâu là thách thức. Mặc dù đã có chính sách tuyên truyền, nhưng không cụ thể và các DN logistics chưa thấy rõ lắm cơ hội và thách thức.
Chúng tôi cũng nhận thức rằng, bên cạnh hội nhập còn là sự cạnh tranh ngày càng khốc liệt hơn. DN nước ngoài có sẵn mạng lưới logistics ở Việt Nam và toàn cầu, trong khi DN Việt Nam gần như 100% không có chi nhánh ở nước ngoài.
Ngoài ra là tập quán trong ngành, DN cũng khó vượt qua. Đơn cử như các DN của Nhật Bản, Hàn Quốc, Đài Loan, dù đắt đỏ thì họ cũng thuê các DN logistics của nước họ. Còn DN Việt Nam dù có rẻ mấy, có hệ thống hạ tầng, am hiểu thị trường, họ cũng không làm. Tức là sức cạnh tranh về giá không phải là lợi thế nữa.
Hiện nay DN Việt Nam cũng đã tham gia được vào chuỗi logistics thế giới, có thể giao hàng ở bất cứ điểm nào trên thế giới mà không cần đến DN nước ngoài. Vấn đề là các công ty xuất nhập khẩu nước ngoài có thuê mình hay không, khi mà mọi hoạt động logictics đều nằm trong tầm kiểm soát của nước ngoài.
Đơn cử như hãng Nike, khi đặt hàng gia công tại Việt Nam, thì quyền vận tải lại do Nike nắm giữ. Đương nhiên là họ chọn hãng vận chuyển nước ngoài, và DN Việt Nam chỉ làm nhà thầu, cung cấp dịch vụ nhỏ cho các hãng logistics quốc tế.
Các DN xuất nhập khẩu Việt Nam không có quyền quyết định về vận tải hàng hóa nên cơ hội DN logistics Việt Nam tiếp cận thị trường là rất ít. Rõ ràng, cho dù DN của ta dù cố gắng nhưng cơ hội thành công nhỏ, không thể thuyết phục được khách hàng sử dụng dịch vụ của mình.
Nếu nói như vậy thì phải chăng DN logistics Việt Nam sẽ không thể có cơ hội chen chân được vào thị trường này, thưa ông?
Cạnh tranh ngày càng khốc liệt hơn, song hiện nay năng lực của DN Việt Nam cũng ngày càng cải thiện. So với trước đây, số DN tham gia vào thị trường đã tăng lên, quy mô vốn của DN cũng tăng, trước chỉ khoảng 1 - 2 tỷ đồng, thì giờ quy mô vốn trung bình là 6 – 7 tỷ đồng, theo điều tra mới nhất của Hiệp hội. Còn có những DN lớn quy mô vốn đến vài trăm tỷ.
Các DN cũng tham gia sâu vào chuỗi của DN nước ngoài, kể cả những khâu lớn. Mình tiếp cận được chất lượng dịch vụ logistics quốc tế, và có thể đảm nhiệm ở nhiều khâu trong mạng lưới. Nhiều dịch vụ cao cấp DN Việt Nam cũng bắt đầu làm được, song cái khó là không có người thuê, không có khách hàng, với những lý do như trên.
Gần đây có xu hướng đầu tư tư nhân vào cảng biển, đường sắt và hàng không… Liệu đây có phải là tín hiệu tốt để logistics Việt Nam có thể bứt phá?
Tôi cho rằng đây là thông tin tích cực cho ngành, mang lại nhiều lợi ích. Bởi nếu cứ độc quyền, thì chất lượng dịch vụ không được cải thiện và giá cả không cạnh tranh. Do đó, cần khuyến khích làn sóng đầu tư tư nhân thật mạnh mẽ vào lĩnh vực này.
Đây là ngành tiềm năng, song để tận dụng cơ hội thị trường thì với một ngành cạnh tranh như vậy, nhà đầu tư cũng sẽ gặp không ít thách thức rủi ro. Nếu DN đầu tư chuyên nghiệp và thực sự, thì có thể sẽ thành công, nhưng nếu họ chỉ có tiền và đầu tư với mục địch khác thì sẽ gặp khó khăn.
Ông có lời khuyên nào cho những DN mới lấn sân vào lĩnh vực đầy tiềm năng nhưng cũng không dễ chơi này?
Khi đầu tư vào phải nghiên cứu kỹ, am hiểu thị trường dù muốn hay không. Phải đầu tư một cách hợp lý và có nghiên cứu kỹ về sản lượng nhu cầu.
Ví dụ hiện nay các nhà đầu tư cảng quốc tế tại Cái Mép thị vải đang lỗ to, vì khi đầu tư vào đó căn cứ vào dự báo hàng hóa về đây rất là lớn, nhưng hiện nay đang dư công suất, chỉ chạy được khoảng 20% thôi. Do đó, nhà đầu tư có thể gặp rủi ro về dự báo sản lượng, nhu cầu.
Thứ hai là chính sách của Nhà nước, cũng cần theo dõi, đánh giá phân tích kỹ lưỡng những rủi ro của chính sách. Bởi không phải chính sách nào đưa ra cũng tạo thuận lợi cho nhà đầu tư.
Xin cảm ơn ông!
Theo Tri Thức Trẻ