Phôi thép giá rẻ từ Trung Quốc vào Việt Nam tăng quá mạnh, kèm theo đó là hành vi gian lận thương mại đã gây thất thu hàng trăm tỷ đồng cho ngân sách và tạo sức ép lớn cho doanh nghiệp thép nội.
Chỉ trong vòng 9 tháng đầu năm 2015, lượng phôi thép nhập khẩu về Việt Nam đã lên tới 1,135 triệu tấn, tăng 290% so với cùng kỳ, trong đó phôi thép Trung Quốc chiếm tới trên 75%.
Chỉ trong vòng 9 tháng đầu năm 2015, lượng phôi thép nhập khẩu về Việt Nam đã lên tới 1,135 triệu tấn, tăng 290% so với cùng kỳ, trong đó phôi thép Trung Quốc chiếm tới trên 75% (ảnh minh họa) |
Tình trạng phức tạp đến mức, Hiệp hội Thép Việt Nam (VSA) phải có văn bản gửi Bộ Công thương, Bộ Tài chính, Bộ Khoa học và Công nghệ, phản ánh về tình trạng phôi thép hợp kim nhập khẩu từ Trung Quốc (mã HS 7224.90.00) vào Việt Nam tăng quá nhanh trong thời gian gần đây.
Nội dung phản ánh chỉ rõ, phôi thép Trung Quốc nhập vào Việt Nam với mục đích làm thép xây dựng, đáng ra phải chịu thuế 9% (theo mã HS 7207.11.00), nhưng một số doanh nghiệp nhập khẩu khai là phôi thép hợp kim chứa nguyên tố crom (mã HS 7224.900.00), trong khi tỷ lệ crom rất nhỏ, chỉ tương đương với 0,3%, để được hưởng mức thuế ưu đãi 0%.
Số liệu Tổng cục Hải quan cho thấy, phôi thép nhập từ Trung Quốc theo mã HS 7224.90.00 trong 2 tháng qua là hơn 65.000 tấn, trị giá hơn 21 triệu USD.
VSA tính toán, việc khai không trung thực mã hàng hóa để được hưởng thuế 0% trong 2 tháng qua của các doanh nghiệp nhập khẩu đã khiến ngân sách nhà nước thất thu 1,89 triệu USD, tương đương khoảng 42 tỷ đồng.
Ông Hồ Nghĩa Dũng, Chủ tịch VSA cho hay, sở dĩ thép Trung Quốc tràn về nhiều là do giá thép tại thị trường này đang ở mức thấp nhất từ trước đến nay, nhu cầu ở Trung Quốc đã quá dư thừa nên họ tìm mọi cách để xuất khẩu, kể cả phá giá.
“Việc này nếu không ngăn chặn kịp thời thì phôi thép hợp kim từ Trung Quốc sẽ tiếp tục gia tăng trong thời gian tới và khiến ngân sách thất thu lớn, tới vài trăm tỷ đồng mỗi năm”, ông Dũng cảnh báo.
Theo VSA, về bản chất, phôi thép chứa hàm lượng rất nhỏ crom sẽ không khác biệt gì với phôi thông thường và vẫn dùng để cán thép xây dựng.
Tuy nhiên, sản phẩm có chứa nguyên tố hợp kim này khi nhập vào Việt Nam ngoài việc được Trung Quốc hoàn thuế, còn được được hưởng thuế suất 0% nên có giá bán thấp và ảnh hưởng nghiêm trọng tới ngành thép trong nước.
Trong khi đó, hiện công suất sản xuất phôi thép trong nước đạt gần 11 triệu tấn, nhưng các doanh nghiệp mới chỉ sản xuất được khoảng 60% công suất.
Các doanh nghiệp sản xuất phôi thép cũng phản ánh, giá nhập khẩu phôi thép từ Trung Quốc hạ thấp nhất từ trước tới nay. Cụ thể, phôi thép nhập khẩu còn 260 - 280 USD/tấn, so với một năm trước, mức giá này đã giảm đến 45%, mức giảm kỷ lục của nguyên liệu thép từ trước đến nay. “Cứ thế này, thì ngành thép trong nước chỉ còn chờ đóng cửa nhà máy”, giám đốc một doanh nghiệp thép nói.
Cần phải nói thêm, trước năm 2014, nhiều doanh nghiệp Việt Nam đã nhập khẩu rất nhiều thép xây dựng hợp kim chứa hàm lượng rất nhỏ Boron về với mục đích trốn thuế và vẫn dùng như thép xây dựng. Do vậy, VSA khẩn thiết đề nghị cơ quan quản lý nhà nước áp dụng các biện pháp phòng vệ thương mại nhằm hạn chế thiệt hại gây ra cho ngành luyện kim trong nước.
Trong công văn gửi các bộ, VSA cũng đề xuất Tổng cục Hải quan (thuộc Bộ Tài chính) dừng thông quan đối với các lô hàng nhập khẩu phôi thép hợp kim chứa crom để đợi kiểm tra, giám sát.
Đồng thời, cần lập đoàn kiểm tra, giám sát doanh nghiệp nhập khẩu phôi thép hợp kim chứa crom trong thời gian qua. Nếu phôi thép sử dụng để cán thép xây dựng thông thường thì đề nghị truy thu thuế và xử phạt nặng đơn vị nhập khẩu.
Theo Báo Đầu Tư