Vì sao giá bán lẻ xăng dầu chỉ giảm một nửa so với giá nhập

Thứ tư, 21/10/2015, 13:55
Tính chung 9 tháng, giá xăng dầu nhập khẩu giảm 38,3% so với cùng kỳ năm 2014, trong khi giá bán lẻ trong nước chỉ giảm 23,8%.

Báo cáo của Trung tâm Thương mại và Công nghiệp (VITIC) thuộc Bộ Công Thương cho thấy, với mặt hàng xăng dầu, giá nhập khẩu tháng 9/2015 giảm thêm 8,02% so với tháng trước và giảm tới 43,18% so với tháng 9/2014. Tính chung 9 tháng đầu năm 2015, giá xăng dầu nhập khẩu giảm tới 38,30% so với cùng kỳ năm trước.

"Giá xăng dầu giảm do giá dầu và xăng cùng giảm, nhưng giá xăng giảm nhiều hơn giá dầu", báo cáo nhấn mạnh.

Lượng nhập khẩu xăng dầu các loại theo tháng.

Cụ thể, theo VITIC, giá xăng nhập khẩu giảm thêm tới 11,54% so với tháng trước, giảm 40,29% so với tháng 9/2014 và giảm 38,78% so với 9 tháng năm 2014.

Giá xăng RON 92 nhập khẩu từ Singapore ở mức 495 USD/tấn, giảm 86 USD/tấn so với tháng trước và giảm tới 396 USD/tấn so với tháng 9/2014. Giá mặt hàng này nhập khẩu từ Hàn Quốc có giá 646 USD/tấn.

Tương tự, giá xăng RON 95 nhập khẩu từ Singapore ở mức 598 USD/tấn, giảm 33 USD/tấn so với tháng trước và giảm tới 460 USD/tấn so với tháng 9/2014.

Báo cáo cũng cho thấy, giá nhập khẩu từ 4 thị trường chính Singapore, Trung Quốc, Thái Lan, Đài Loan và các thị trường khác tiếp tục giảm trong tháng 9/2015.

Chỉ số giá xăng dầu nhập từ 3 thị trường chính của Việt Nam

Giá nhập khẩu từ 4 thị trường trên giảm thêm lần lượt 9,76%, 9,07%, 5,22% và 7% so với tháng trước. So với 9 tháng năm 2014, giá giảm lần lượt 40,2%, 36,38%, 36,45% và 31,34%.

Trong khi đó, tại thị trường trong nước, từ cuối tháng 9/2014 đến cuối tháng 9/2015, giá bán lẻ xăng RON 92 giảm từ 23.560 đồng về 17.950 đồng/lít, tương đương 23,8%. Mức giảm đối với RON 95 là 23,2%.

Báo cáo của Tổng cục Hải quan cũng cho biết, lượng nhập khẩu xăng dầu các loại trong tháng 9 đạt 620 nghìn tấn, tăng 8,1%. Tính đến hết 9 tháng năm 2015, cả nước nhập khẩu 7,09 triệu tấn với trị giá là 3,97 tỷ USD, tăng 7,4% về lượng và giảm 35,8% về trị giá so với cùng kỳ năm trước.

Xăng dầu các loại nhập khẩu vào Việt Nam trong 9 tháng qua chủ yếu có xuất xứ từ: Singapore với 2,82 triệu tấn, tăng 26,3%; Thái Lan: 1,41 triệu tấn, tăng mạnh 203,9%; Trung Quốc: 1,15 triệu tấn, giảm 3,4% so với 9 tháng/2014.

Việc giá xăng trong nước chưa giảm tương xứng so với giá xăng dầu thế giới đã từng được chỉ ra trước đó, và theo giới chuyên gia nguyên nhân là do các chính sách thuế, phí của Việt Nam.

Theo đó, mỗi lít xăng hiện nay đang "cõng" 7 khoản thuế phí các loại: thuế bảo vệ môi trường, thuế nhập khẩu, thuế tiêu thụ đặc biệt, thuế bảo vệ môi trường, thuế VAT, chi phí định mức, lợi nhuận định mức, mức trích Quỹ bình ổn giá.

Bảng giá cơ sở ngày 18/10 vừa qua của Hiệp hội xăng dầu cho thấy, 7 khoản thuế phí trên là 9.113 đồng/lít, chiếm hơn 50%.

Thực tế, giá xăng dầu đã có thể giảm khi lộ trình cắt giảm thuế nhập khẩu xăng dầu trong ASEAN có hiệu lực nhưng từ ngày 1/5 vừa qua giá xăng lại "gánh" đến 3.000 đồng/lít xăng cho thuế bảo vệ môi trường.

Thời điểm đó, Bộ Tài chính khẳng định, việc tăng thuế môi trường lên gấp 3 sẽ không làm tăng giá xăng dầu bán lẻ trong nước mà sẽ bù đắp một phần ngân sách bị thâm hụt và đảm bảo theo đúng các cam kết quốc tế.

Theo BizLive

Các tin cũ hơn