Ảnh minh họa |
Báo cáo do Công ty TNHH nước giải khát Coca Cola Việt Nam gửi Chủ tịch UBND TP.HCM cho biết, với khoản đầu tư mới 300 triệu USD để phát triển kinh doanh tại Việt Nam vào tháng 10/2012 đã góp phần thúc đẩy sự tăng trưởng mạnh mẽ giúp Coca Cola Việt Nam đạt được những kết quả kinh doanh khả quan trong lộ trình phát triển kinh doanh có lợi nhuận tại Việt Nam.
"Chúng tôi đang tiếp tục cải thiện hiệu quả kinh doanh trong năm 2015 và cả những năm tiếp theo", báo cáo nêu rõ.
Đặc biệt, Coca Cola cho biết, năm 2014, công ty đã đóng góp 20 triệu USD cho các loại thuế tại Việt Nam. Chỉ tính riêng trong năm 2014 lợi nhuận tính thuế của Coca Cola Việt Nam theo báo cáo Quyết toán thuế thu nhập doanh nghiệp năm 2014 đã gửi đến Cục thuế TP.HCM vào thời điểm 31/3/2015 đạt hơn 16,6 triệu USD. Con số này đã tăng hơn gấp đôi so với cùng kỳ năm 2013 (7 triệu USD).
Được thành lập vào năm 1994, năm 2004 công ty đạt doanh thu 728 tỷ đồng, nhưng báo lỗ 110 tỷ đồng. Năm 2006 doanh thu vọt lên 1.026 tỷ đồng, số lỗ cũng tăng theo lên đến 253 tỷ đồng.
Chưa dừng lại, năm 2010, doanh thu của Coca Cola Việt Nam lên đến 2.529 tỷ đồng, nhưng chi phí khai báo 2.717 tỷ đồng, dẫn đến số lỗ 188 tỷ. Lũy kế đến thời điểm 2010, công ty lỗ tổng cộng 3.768 tỷ đồng, vượt cả số vốn đầu tư ban đầu 2.950 tỷ đồng. Năm 2011, công ty này lỗ 39 tỷ đồng. Qua năm 2012 và 2013 vẫn tiếp tục khai báo chưa có lợi nhuận.
Lý do để doanh nghiệp này liên tục kê khai lỗ nằm ở chi phí nguyên phụ liệu, trong đó chủ yếu là hương liệu được nhập trực tiếp từ công ty mẹ với giá rất cao.
Doanh thu và lợi nhuận của Coca Cola Việt Nam. Đơn vị: Tỷ đồng |
Tại cuộc họp báo thường kỳ Bộ Tài chính diễn ra vào đầu tháng 10 vừa qua, ông Nguyễn Đại Trí, Phó tổng cục trưởng Tổng cục thuế (Bộ Tài chính) cho biết, Tổng cục đang rà soát để làm rõ nghi vấn chuyển giá của Metro và Coca Cola.
Liên quan đến nghi án chuyển giá, trốn thuế của Metro, tháng 4/2015 Tổng cục Thuế đã ra thông báo yêu cầu Metro điều chỉnh giảm lỗ, giảm khấu trừ và truy thu thuế tổng cộng 507 tỷ đồng.
Trong đó, vi phạm lớn nhất là số tiền điều chỉnh giảm lỗ đối với các chi phí nhượng quyền thương mại, không phục vụ cho hoạt động sản xuất kinh doanh, dự phòng giảm giá hàng tồn kho, trích lập dự phòng nợ phải thu khó đòi chưa bảo đảm các điều kiện, thủ tục lên tới 335 tỷ đồng.
Tiếp theo là 110 tỷ đồng điều chỉnh giảm khấu trừ thuế giá tri gia tăng đầu vào đối với khoản thu hỗ trợ quảng cáo, tiếp thị, khuyến mãi từ các nhà cung cấp.
Còn lại 62 tỷ đồng là điều chỉnh thuế nhà thầu nước ngoài đối với các khoản chi phí bồi hoàn tiền lương trả cho công ty mẹ ở Đức để trả cho các nhân viên nước ngoài làm việc tại Metro ở Việt Nam.
Ngoài Coca Cola, Metro, các "đại gia" khác như Adidas, Pepsico, Keangnam Vina... cũng là những doanh nghiệp FDI có doanh thu tăng vọt qua các năm, liên tục mở rộng đầu tư nhưng hầu hết khai báo thua lỗ và chưa từng góp một đồng thuế thu nhập doanh nghiệp cho Việt Nam.
Theo BizLive