VEC xin cơ chế đặc thù để đầu tư đường cao tốc

Thứ năm, 22/10/2015, 15:42
Tổng công ty Đầu tư phát triển đường cao tốc Việt Nam (VEC) cho rằng vốn đầu tư các dự án đường cao tốc rất lớn, trong khi vốn chủ sở hữu của VEC chỉ hơn 1.000 tỉ đồng; tỷ lệ nợ trên vốn chủ sở hữu quá lớn nên việc đi vay thương mại hoặc phát hành trái phiếu không khả thi. Do vậy, cần có cơ chế đặc thù cho doanh nghiệp khi đầu tư đường cao tốc.
Đường cao tốc TPHCM - Long Thành - Dầu Giây, một trong 5 tuyến đường do VEC làm chủ đầu tư

Đề xuất này được ông Trần Quốc Việt, Chủ tịch hội đồng thành viên VEC, nêu ra với Bộ Giao thông Vận tải (GTVT) tại cuộc họp tổng kết mô hình tổ chức và hoạt động của VEC diễn ra hôm qua, 21-10.

Theo báo cáo mô hình hoạt động của VEC, tổng công ty này xác định là một nhà đầu tư chủ lực chịu trách nhiệm huy động các nguồn vốn để đầu tư hệ thống đường cao tốc theo nguyên tắc hạch toán kinh doanh, tự hoàn vốn có sự hỗ trợ của Nhà nước.

Tuy nhiên, do tổng mức đầu tư các dự án đường cao tốc rất lớn, với vốn chủ sở hữu hiện nay chỉ hơn 1.000 tỉ đồng, nên tỷ lệ nợ trên vốn chủ sở hữu quá lớn và do vậy việc đi vay thương mại hoặc phát hành trái phiếu là không đảm bảo quy định theo Luật Quản lý nợ công.

Hơn nữa, năng lực tài chính còn hạn chế, VEC khó thu hút nguồn vốn từ các nhà đầu tư. Ngoài ra, việc thu phí hoàn vốn kéo dài nhiều năm, khi thực hiện các dự án gặp rất nhiều khó khăn trong việc giải phóng mặt bằng.

Vì vậy, để có cơ sở đẩy nhanh việc xây dựng các tuyến đường cao tốc theo quy hoạch đã được duyệt, VEC kiến nghị sửa đổi bổ sung cơ chế chính sách đặc thù. Khi VEC cổ phần hóa, cần có cơ chế đặc thù đối với việc vay vốn nước ngoài, phát hành trái phiếu và quản lý sử dụng nguồn vốn Nhà nuớc đầu tư trực tiếp vào các dự án đường cao tốc. Tuy nhiên, VEC không đề cập cơ chế đặc thù trong vay vốn nước ngoài hay phát hành trái phiếu là gì.

Đồng thời, Bộ GTVT sớm ban hành các định mức cho việc khai thác, vận hành, duy tu, bảo trì, sửa chữa đường cao tốc… Hiện tại, phương án cổ phần hóa của VEC đã được Bộ GTVT hoàn thành và đang trình Chính phủ phê duyệt.

Trong một diễn biến có liên quan, hôm 19-10, Bộ trưởng GTVT Đinh La Thăng đã có buổi tiếp và làm việc với cựu Thủ tướng Anh Tony Blair tại Hà Nội để thảo luận về việc hỗ trợ tái cơ cấu Tổng công ty Đầu tư phát triển đường cao tốc Việt Nam (VEC) và Tổng công ty Hàng hải Việt Nam (Vinalines).

Ông Tony Blair cho rằng, đây là hai doanh nghiệp khá hấp dẫn nhà đầu tư nước ngoài, và chắc chắn sẽ có khả năng phát triển mạnh nếu tìm được nhà đầu tư tốt. Để làm được điều này Văn phòng Tony Blair tại Việt Nam sẽ hỗ trợ Bộ GTVT kết nối các nhà đầu tư nước ngoài đến đầu tư.

Theo báo cáo của VEC, tính đến nay, tổng công ty này đã đưa vào khai thác 350km đường cao tốc gồm Cầu Giẽ - Ninh Bình 50km, Nội Bài - Lào Cai 245km, TPHCM - Long Thành - Dầu Giây 55km.

Ngoài ra, VEC cũng đang xây dựng dự án Đà Nẵng - Quảng Ngãi và Bến Lức - Long Thành. Dự kiến, đến năm 2018 sẽ hoàn thành tổng cộng 540km đường cao tốc.

Để hoàn thành được 540km đường cao tốc, VEC đã chủ động làm việc với các nhà tài trợ để vay lại và huy động được 53.969 tỉ đồng và vay thương mại từ các ngân hàng trong nước để thanh toán cho các nhà thầu thi công dự án Cầu Giẽ - Ninh Bình.

Đối với các dự án cao tốc Nội Bài - Lào Cai, TPHCM - Long Thành - Dầu Giây, VEC đã làm việc với Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) để thực hiện đền bù giải phóng mặt bằng từ nguồn vốn vay ODA trong điều kiện Nhà nước gặp khó khăn về vốn đối ứng cho giải tỏa mặt bằng.

Mới đây, Bộ GTVT đã đặt mục tiêu đến năm 2020 sẽ xây dựng được 2.500km đường cao tốc. Để đạt được mục tiêu này VEC cho rằng phải có cơ chế đặc thù trong việc huy động vốn.

Theo TB KTSG

Các tin cũ hơn