Thủ tướng Chính phủ vừa đồng ý cho Bộ Giao thông Vận tải (GTVT) thí điểm triển khai ứng dụng khoa học - công nghệ hỗ trợ quản lý và kết nối hoạt động vận tải hành khách theo hợp đồng; trong đó có việc sử dụng thông điệp dữ liệu điện tử trong giao dịch thuê ô tô thay cho hợp đồng vận tải bằng văn bản giữa đơn vị kinh doanh và người thuê vận tải. Thời hạn thí điểm là 2 năm, triển khai tại Hà Nội, TP.HCM, Đà Nẵng, Quảng Ninh, Khánh Hòa.
Tránh thất thu tiền thuế
Thủ tướng cũng giao Bộ GTVT chủ trì, phối hợp với Bộ Công an và UBND các tỉnh, thành phố hướng dẫn doanh nghiệp thực hiện, bảo đảm quản lý chặt chẽ việc thí điểm, đặc biệt là công tác quản lý thuế. Trong đó, lưu ý bảo đảm cạnh tranh lành mạnh cũng như quyền và lợi ích hợp pháp của khách hàng.
Trước đó, hôm 20-8, Bộ GTVT đã có văn bản gửi Chính phủ về việc xin thí điểm thực hiện đề án “Triển khai ứng dụng khoa học - công nghệ hỗ trợ quản lý và kết nối hoạt động vận tải hành khách theo hợp đồng” (GrabCar) của Công ty TNHH GrabTaxi Việt Nam.
Theo Bộ GTVT, các đơn vị tham gia thí điểm phải có giấy phép kinh doanh vận tải hành khách bằng ôtô theo hợp đồng (khai thác ô tô dưới 9 chỗ, được lắp đặt thiết bị giám sát hành trình và cấp phù hiệu xe hợp đồng). GrabTaxi Việt Nam hỗ trợ tài xế của các đơn vị vận tải cài đặt ứng dụng kết nối vào thiết bị di động. Hành khách sẽ tải ứng dụng vào thiết bị di động thông minh và đăng ký tài khoản sử dụng. Hành khách sẽ được thông báo rõ các điều khoản và điều kiện áp dụng dịch vụ kết nối trên giao diện của ứng dụng và qua thư điện tử.
Dịch vụ GrabTaxi hiện khá phổ biến tại TP.HCM, Hà Nội do giá rẻ |
Việc hành khách tải ứng dụng kết nối, đăng ký tài khoản và thao tác nhấn nút đặt ôtô có giá trị thay cho hợp đồng vận tải bằng văn bản với đơn vị kinh doanh vận tải hành khách theo hợp đồng.
Ông Nguyễn Tuấn Anh, Tổng Giám đốc Công ty GrabTaxi Việt Nam, khẳng định dịch vụ mới này sẽ giúp nhiều doanh nghiệp trong ngành vận tải truyền thống ứng dụng công nghệ thông tin để kinh doanh hiệu quả hơn. Điểm khác biệt của mô hình thí điểm GrabCar so với một số dịch vụ kết nối do pháp nhân nước ngoài cung cấp là chọn lựa kỹ lưỡng các đơn vị vận tải đối tác, tiến trình thanh toán hoàn toàn diễn ra trong phạm vi lãnh thổ Việt Nam. Ngoài ra, GrabTaxi sẽ chia sẻ thông tin minh bạch với các cơ quan Chính phủ. Điều này bảo đảm các đơn vị liên quan thực thi đầy đủ nghĩa vụ thuế.
Người tiêu dùng hưởng lợi
Trước việc cho thực hiện thí điểm đề án GrabCar, Hiệp hội Taxi TP.HCM cho rằng các cấp thẩm quyền cần có cơ chế rõ ràng để quản lý loại hình này, tránh việc cạnh tranh không lành mạnh, làm ngành vận tải khó khăn. Theo ông Lê Hoàng Minh, Phó Giám đốc Sở GTVT TP.HCM, Sở đang triển khai các phương án để quản lý chặt chẽ loại hình này nhằm bảo đảm sự cạnh tranh lành mạnh với các hãng taxi truyền thống.
Cùng với TP.HCM và Hà Nội, Đà Nẵng cũng được chọn triển khai dịch vụ GrabTaxi. Ông Nguyễn Hữu Cường, Chánh Văn phòng Ban An toàn giao thông TP Đà Nẵng, cho biết chưa nhận được văn bản cụ thể từ Bộ GTVT nên phải đợi hướng dẫn rồi mới triển khai GrabTaxi.
Tại Khánh Hòa, dịch vụ GrabTaxi còn khá mới mẻ. Ông Nguyễn Văn Dần, Phó Giám đốc Sở GTVT tỉnh Khánh Hòa, cho biết Sở đang phải nghiên cứu, tìm hiểu hình thức hoạt động của loại hình dịch vụ này như thế nào để tránh bị động.
Trong khi đó, ông Bùi Danh Liên, Chủ tịch Hiệp hội Vận tải Hà Nội, hoàn toàn ủng hộ việc thí điểm dịch vụ GrabTaxi. Theo ông, việc áp dụng công nghệ tiên tiến vào dịch vụ vận tải sẽ giảm chi phí, giảm giá thành và người tiêu dùng được hưởng lợi vì giá rẻ. Ngoài ra, dịch vụ này không vi phạm các quy định của nhà nước về cạnh tranh.
“Chúng ta không thể vì bảo vệ các hãng taxi truyền thống mà phản đối. Ở góc độ người tiêu dùng, giá của dịch vụ GrabTaxi rất rẻ, tiện ích, phục vụ chu đáo nên người dân thích, cơ quan quản lý cũng thích” - ông Liên nhận xét.
Phải nâng cao chất lượng dịch vụ Theo ông Hồ Minh Châu - Tổng Giám đốc Công ty CP Á Châu, chủ hãng taxi Vàng Asia Nha Trang - cạnh tranh là điều không thể tránh khỏi khi GrabTaxi vào thị trường Khánh Hòa. Vàng Asia Nha Trang không ngại điều này, cốt yếu là phải nâng cao chất lượng dịch vụ và cạnh tranh sao cho công bằng. Hiện nay, hãng cũng đang thành lập đề án xây dựng ứng dụng taxi Vàng Asia Nha Trang qua thiết bị di động để nâng cao chất lượng dịch vụ. Ông Nguyễn Xuân Thùy - Tổng Giám đốc Công ty CP Thương mại và Du lịch Quốc tế - Nha Trang, đơn vị sở hữu hãng taxi Quốc tế - kiến nghị các cơ quan chức năng có quy định cụ thể, chặt chẽ cũng như các chế tài đi kèm trước khi đưa loại hình taxi mới này vào hoạt động. |
Theo NLĐ